(Baothanhhoa.vn) - Những tưởng xã hội ngày càng phát triển thì vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) sẽ giảm, nhưng theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND 2 cấp đã giải quyết 36.572 vụ ly hôn, trong đó có 647 vụ ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ.

Bạo lực gia đình - nỗi đau thầm kín

Những tưởng xã hội ngày càng phát triển thì vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) sẽ giảm, nhưng theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND 2 cấp đã giải quyết 36.572 vụ ly hôn, trong đó có 647 vụ ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ.

Bạo lực gia đình - nỗi đau thầm kínHội nghị quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Thanh tra tới cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.

Với khuôn mặt bình thản, bước ra khỏi tòa án, sau khi hội đồng xét xử đồng ý cho vợ chồng ly hôn, chị P.T.H., sinh năm 1976 ở TP Thanh Hóa cho biết: “Thế là từ nay chấm dứt những ngày phải nhìn thái độ của chồng để sống. Hơn 20 năm lấy chồng là chuỗi ngày chị phải sống trong tâm trạng lo lắng, bồn chồn. Lo chồng đi làm về phải có món mặn, món nhạt bày sẵn lên bàn cho chồng uống rượu; lo đi chơi, đi họp lớp với bạn bè về là chồng chửi, chồng đánh; lo bố mẹ đẻ hoặc anh em nhà ngoại nói đụng đến lòng tự trọng là về bị chồng chì chiết; lo quên chưa làm việc mà chồng căn dặn là về “ăn” bạt tai của chồng"...

Cứ thế, ngày nối ngày, chị phải sống trong cảnh nhẫn nhục chịu đựng để cho con cái có một mái ấm gia đình. Nhưng đổi lại, chị chỉ nhận được sự khinh thường và không chung thủy của chồng.

Ngày chị biết tin chồng chị có người đàn bà khác ở bên ngoài cũng là ngày chị viết đơn xin ly hôn. Không đồng ý ký đơn ly hôn, chồng chị xin được sống ly thân một thời gian để chị suy nghĩ lại. Nhưng 2 năm qua, vợ chồng sống trong cảnh cơm ai người ấy ăn. Chị xin làm công nhân may mặc, đi từ sáng sớm, tăng ca đến đêm mới về. Về đến nhà vào phòng đóng cửa lại tắm, giặt, lên giường đi ngủ. Vợ chồng, con cái như khách trọ ở chung nhà. Thời gian gần đây, biết chị cương quyết ly hôn, chồng chị “khủng bố” bằng những tin nhắn, những cuộc gọi về đêm, chửi, bới xúc phạm, thậm chí đánh đập, cho rằng chị có người khác nên về ruồng bỏ chồng con...

Thấy chị phải sống trong cảnh cam chịu, 2 con chị (cháu đầu năm nay 25 tuổi đã đi làm; cháu thứ 2 cũng đã 20 tuổi, học năm thứ 3 đại học), dù chưa có gia đình nhưng hoàn toàn ủng hộ mẹ ly hôn. Miễn sao chị vui vẻ để sống là được.

Cũng như chị H, mới đây tôi gặp N.T.N, - người bạn học cùng cấp 3. Nhìn thấy bạn trong lòng tôi không khỏi thương cảm, bởi một cô sinh viên luôn vui vẻ, hồn nhiên, xinh đẹp ngày nào nay trở nên khô, gầy, già đi rất nhiều so với chúng tôi. Qua tâm sự, N. cho biết: Ngày mới tốt nghiệp ra trường, nghề giáo viên rất có giá so với các bạn tốt nghiệp ngành nghề khác. Và, cũng muốn thoát ra khỏi “lũy tre làng” nên N. đã nhận lời yêu một anh chàng có nhà trên thành phố. Những tưởng sự lựa chọn của mình là đúng đắn, ai ngờ khi N. yêu và khi bước chân về nhà chồng, mẹ chồng luôn phản đối N. Bà suốt ngày chì chiết N. nhà quê, không biết nấu ăn ngon, không biết ăn mặc diện, vụng về...Từ việc không “chinh phục” được mẹ chồng dẫn đến vợ chồng xung khắc. Chồng đi làm xa thì không sao, chứ cuối tuần về đến nhà lại nghe mẹ chồng nói xấu con dâu, chồng N. lại quay ra mắng chửi N.; thậm chí trút giận lên đứa con trai đầu lòng bằng những trận đòn, roi vô cớ.

Thời gian sau, chồng N. không chịu được sự gian khổ của nghề, anh đã bỏ việc về ở nhà. N. lại sinh thêm con thứ 2, gánh nặng kinh tế dồn lên vai 2 vợ chồng. N. thì quay cuồng với công việc ở trường, chăm lo con cái; chồng N. cũng xoay xở đủ nghề nhưng không bền vì không chịu được vất vả, nặng nhọc. Anh lao vào rượu chè, mỗi lần say là vợ con lại “được” một trận đòn roi.

“Cũng hơn 20 năm rồi, những trận bạo hành của chồng giờ đã trở thành bình thường. Tình cảm với chồng cũng không biết từ khi nào nguội lạnh trong lòng"... Tiếng thở dài hắt ra từ lồng ngực của N. Nắm đôi bàn tay búp măng, trắng nõn ngày nào giờ nhăn nheo, đen sạm vì những vất vả với cuộc sống mưu sinh. Không biết nói gì hơn, chỉ biết động viên bạn cố gắng, mỗi người một số phận, không ai sinh ra được lựa chọn cuộc sống cho mình.

Vẫn biết, gia đình là nơi để yêu thương, là điểm tựa vững chắc và chốn về ấm áp bình yên của mỗi người. Không ai có thể phủ nhận được giá trị thiêng liêng của hạnh phúc và tình yêu thương của gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp; không phải gia đình nào cũng có được tổ ấm hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương. Nhiều gia đình cũng không tránh khỏi đau xót khi bị ám ảnh bởi BLGĐ, dẫn đến những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý, những hành động tiêu cực do ảnh hưởng từ BLGĐ ngay trong chính gia đình của mình. Điển hình vụ việc mới diễn cách đây hơn 1 tháng tại gia đình anh D.V.L. ở thôn Trường Sơn, xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn. Khi thấy con gái khóc đòi đi theo mẹ, anh L. từ trong nhà chạy ra, đạp bé ngã xuống sân, túm chân quăng bé ra xa. Hành vi của anh L. đã làm cháu bé bị thương phải cấp cứu, qua chụp chiếu cháu được xác định gãy xương vai.

Từ câu chuyện của chị H, N, và trường hợp bị bạo hành do chính bố đẻ của mình gây ra, cho thấy BLGĐ đang còn nhức nhối trong mỗi gia đình, làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phá vỡ sự bền vững của gia đình. BLGĐ để lại những hậu quả hết sức nặng nề, là nguyên nhân gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; gây tổn thương về tâm lý, tinh thần; tan vỡ gia đình; rối loạn trật tự, an toàn xã hội; nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hình thành xu hướng sử dụng bạo lực của các thế hệ tiếp theo trong gia đình. Vì vậy, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 và mới đây nhất là Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 sẽ góp phần tạo bình đẳng giữa vợ, chồng, giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Theo một số luật gia, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 quy định chỉ có 9 hành vi BLGĐ, trong khi luật mới đã tăng lên 16 hành vi, trong đó có nhiều hành vi mà từ trước đến nay nhiều người không nghĩ đó là hành vi BLGĐ và không lường trước được hậu quả có thể xảy ra như: cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em...; cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; cô lập, giam cầm thành viên gia đình...

Luật cũng mở rộng đối tượng BLGÐ ngoài quan hệ hôn nhân như hành vi BLGĐ được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi BLGĐ theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, chúng ta có thể thấy Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 thể hiện rõ tính nhân văn trong các nội dung sửa đổi. Luật được tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, qua đó góp phần tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc. Vì vậy, để luật đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị; trong đó, chú trọng tăng cường, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật ngay từ cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của người dân về BLGĐ, để BLGĐ không còn là nỗi đau thầm kín sau cánh cửa mỗi nhà.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]