(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Để không còn tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong những năm qua, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Để không còn tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núiHoạt động tuyên truyền đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn ở Mường Lát

Ngược ngàn lên công tác ở huyện vùng cao Mường Lát, dừng chân nơi “Cổng trời” xã Trung Lý, bắt gặp hình ảnh một cô gái dân tộc Mông dáng người nhỏ bé, khuôn mặt vẫn còn trẻ nhưng lộ sự lam lũ, trên tay bế một bé trai, tôi lại gần trò chuyện cùng em. Cô bé e dè trả lời những câu hỏi mà người khách qua đường hỏi thăm. Mới 15 tuổi, cô đã có đứa con trai hơn 1 tuổi. Nơi mảnh đất biên cương Mường Lát, không chỉ riêng cô gái tôi gặp ở “Cổng trời” mà còn nhiều cô gái độ tuổi này đã và đang làm vợ, làm mẹ.

Trò chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý Giàng A Lâu, anh cũng thừa nhận, Trung Lý vẫn còn tình trạng tảo hôn, nhưng so với trước đây thì đã giảm nhiều rồi. Năm 2019 trở về trước, hằng năm có khoảng 18 - 20 cặp tảo hôn. Những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng, tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm. HNCHT đã không còn, nhưng để chấm dứt nạn tảo hôn thì không phải “một sớm một chiều”, mà công tác tuyên truyền phải thường xuyên để “mưa dầm thấm sâu”.

Phó Chủ tịch Giàng A Lâu cũng trăn trở: “Trung Lý có hơn 1.300 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu, xã có 15 bản, trong đó có 11 bản đồng bào Mông và 4 bản đồng bào Thái sinh sống. Trung Lý vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn, nghèo đói một phần cũng bởi nhiều em trai, em gái bỏ học, đi lấy chồng, lấy vợ sớm. Tình trạng tảo hôn thường xảy ra nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ hè. Hiện nay, tại các bản cũng đã đưa vấn đề TH&HNCHT vào hương ước, quy ước của bản. Xã đã phối hợp với phòng dân tộc, phòng tư pháp, lực lượng công an, biên phòng tổ chức các buổi tuyên truyền tại các bản, trong trường học, nhất là Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý để nâng cao nhận thức của người dân, các em học sinh”.

Theo Phó Chủ tịch Giàng A Lâu, để giảm thiểu và dần chấm dứt nạn tảo hôn thì giải pháp trọng yếu là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương trong vấn đề tảo hôn, đồng thời thực hiện nghiêm túc các chế tài xử lý, gắn với tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng hơn. Đặc biệt phải đưa công tác tuyên truyền vào chương trình giáo dục ngoại khóa trong nhà trường, kể cả bậc tiểu học, góp phần nâng cao nhận thức của lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên và nâng cao một phần trách nhiệm của bố mẹ, phụ huynh học sinh. Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa mới, bài trừ những hủ tục trong đồng bào DTTS cũng là giải pháp quan trọng để giảm thiểu tảo hôn.

Ông Lầu Thanh Va, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Mường Lát, chia sẻ: "Để xóa bỏ được vấn đề tảo hôn thì trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, tranh thủ sự vào cuộc của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là cán bộ, đảng viên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình hay trong tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, đồng thời thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc ngăn chặn, phòng, chống TH&HNCHT".

Giải pháp giảm thiểu tảo hôn trong vùng DTTS và miền núi

Bá Thước là huyện miền núi cao nằm phía Tây của tỉnh, có tổng dân số hơn 100.000 người với 3 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (dân tộc Mường chiếm 48,7%; dân tộc Thái chiếm 34,5%; dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 16,8%). Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, trong đó có Đề án về “Giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II). Quá trình triển khai đề án đã và đang mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS của huyện Bá Thước.

Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bá Thước, cho biết: “Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về hôn nhân và gia đình trên địa bàn huyện Bá Thước đã và đang được quan tâm đúng mức. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng từ huyện đến cơ sở như tổ chức hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu TH&HNCHT cấp huyện, xã; tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, thị trấn, thôn, bản; xây dựng các mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn tại xã, trường học. Hằng năm, tại các xã, thị trấn đã tổ chức triển khai lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tình trạng TH&HNCHT trong các hội nghị của thôn/phố, các chuyên đề học tập của trung tâm học tập cộng đồng.

Cùng với sự chủ động của địa phương, thời gian qua, huyện Bá Thước được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm phối hợp, hỗ trợ thực hiện công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn. Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh và UBND huyện Bá Thước tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT cho 63 đại biểu là cán bộ, công chức UBND và bí thư, trưởng thôn, bản, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, người có uy tín, đại diện các hộ gia đình của xã Thành Sơn, đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Bá Thước”.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II). Để triển khai đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 2-4-2021. Hiện nay, đề án đã được tích hợp trong Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 9 về “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS” của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021–2030, giai đoạn I từ 2021-2025, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Chương trình 1719). Từ năm 2021 – 2022, nguồn kinh phí cấp tỉnh đã cấp cho các huyện, xã tổ chức 320 hội nghị tuyên truyền cho hơn 35.000 người dân là cán bộ xã, thôn/bản, người có uy tín, người dân; tổ chức 58 buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường học. Lồng ghép tuyên truyền tại các hoạt động hội họp của xã, thôn/bản, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng dân cư...

Đối với nguồn kinh phí thực hiện Chương trình 1719, trong năm 2022, các huyện đã tổ chức được 26 hội nghị tuyên truyền cho hơn 3.700 đại biểu là cán bộ xã, thôn bản, người dân; 3 hội nghị/233 đại biểu tham dự tập huấn kiến thức kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên xã, thôn bản; 2 hội thi rung chuông vàng tại trường học; 5 buổi nói chuyện chuyên đề tại trường học. Các huyện đã lựa chọn và xây dựng các mô hình điểm tại xã, thôn bản, trường học bao gồm 3 mô hình thôn bản, 11 mô hình xã và 9 mô hình trường học.

Đối với cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 247 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện. Tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền/663 đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín và người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới của 4 huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân. Đồng thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biên soạn, phát hành, cấp phát 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích đến 174 xã, 21 thôn/bản vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Hoạt động tuyên truyền đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức của chính quyền, người dân trên địa bàn góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Để thực hiện hiệu quả đề án “Giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II), trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cả trực tiếp và gián tiếp, như: mở các hội nghị tuyên truyền cho đồng bào, nhất là đồng bào ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn và nhóm các DTTS còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hội thi, sân khấu hóa; các hoạt động ngoại khóa trong trường học. Cấp phát các tài liệu, sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, tờ gấp, áp phích, sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề TH&HNCHT đến cơ sở và thôn/bản thuộc phạm vi đề án. UBND các huyện, xã thuộc phạm vi đề án tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về “Can thiệp làm giảm tình trạng TH&HNCHT” tại xã và trường học.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]