(Baothanhhoa.vn) - Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông thành lập năm 1999 với diện tích 16.986,16 ha, thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.953,27 ha; phân khu phục hồi sinh thái 5.662,98 ha và phân khu hành chính dịch vụ 369,91 ha.

“Đánh thức” Pù Luông

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông thành lập năm 1999 với diện tích 16.986,16 ha, thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.953,27 ha; phân khu phục hồi sinh thái 5.662,98 ha và phân khu hành chính dịch vụ 369,91 ha.

“Đánh thức” Pù LuôngKhu BTTN Pù Luông đã và đang thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Khu BTTN Pù Luông được biết đến với thảm thực vật chủ yếu là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 1.579 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, 106 loài IUCN (2022), như: Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vù hương... Tại đây, còn có 908 loài động vật, trong đó 47 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn; 257 loài IUCN (2022), như: báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương... Ngoài ra, ở đây còn là “thủ phủ” của hàng trăm loài chim, bướm, cá, bò sát, lưỡng cư, động vật thân mềm, như: 93 loài chim, 17 loài côn trùng, 13 loài cá, 23 loài bò sát, 19 loài lưỡng cư... Với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh, Pù Luông đã và đang trở thành một điểm đến thu hút khách trong nước và quốc tế.

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông, cho biết: Khu BTTN Pù Luông chiếm vị trí quan trọng ở phía Tây Bắc của dải núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, là một mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái núi đá vôi, là khu vực đất thấp lớn còn lại duy nhất ở miền Bắc Việt Nam. Có đỉnh núi Pù Luông cao khoảng 1.700m; khí hậu quanh năm mát mẻ, có nhiều thác, suối nước chảy đẹp tự nhiên rất hấp dẫn với giới du lịch mạo hiểm, những người ham muốn chinh phục và khám phá thiên nhiên. Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan đặc trưng, được ví là Tây Bắc thu nhỏ với những ruộng bậc thang, các làng bản dân tộc thiểu số ven suối, dãy núi đá vôi hùng vĩ, nhiều hang động kỳ bí, hoang sơ, hấp dẫn. Bên cạnh đó là bản sắc văn hóa lâu đời và đậm đà của đồng bào Thái, Mường; phiên chợ Phố Ðoàn rực rỡ muôn màu thổ cẩm cùng với những điệu múa xòe, hát lượn, nhảy sạp duyên dáng; những món ăn truyền thống tươi ngon hấp dẫn.

“Đánh thức” Pù Luông

Thời điểm Pù Luông đẹp nhất là vụ lúa mới từ đầu tháng 6, những cánh đồng ruộng bậc thang có một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và yên bình. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu. Tháng 9, 10 là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” này thu hút khách du lịch đến ngắm lúa chín.

Xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái. Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đã xây dựng “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Cùng với đó, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông. Tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư xây dựng các phân khu chức năng, bao gồm: khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu bảo tồn động thực vật, xây dựng tuyến du lịch trong khu bảo tồn và kết nối với các tour du lịch nổi tiếng trong tỉnh; đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Pù Luông.

“Đánh thức” Pù Luông

Ngày 29/11/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4513/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Phạm vi thực hiện đề án trên diện tích 16.986,16 ha thuộc phạm vi quản lý Khu BTTN Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm hai huyện Bá Thước và Quan Hóa với tổng kinh phí dự kiến hơn 182 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Khu BTTN Pù Luông sẽ đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng; xây dựng khu hành chính tại thôn Pà Ban; phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già... Kết nối các điểm du lịch tạo thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến kết nối liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng. Tạo việc làm cho trên 300 lao động, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm.

Đến năm 2030, đón được khoảng 27.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 33 tỷ đồng, đưa tỷ trọng từ nguồn thu du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư phát triển Khu BTTN Pù Luông. Kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông kết nối khu du lịch Cao Sơn; tập trung đầu tư 3 điểm tham quan, du lịch tại quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông. Kêu gọi, thu hút được ít nhất 3 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch...

“Đánh thức” Pù Luông

Định hướng đến năm 2045, đón được khoảng 50.000 lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 85 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 257% so với năm 2030. Từ đó, đưa Khu BTTN Pù Luông trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.

Bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Khu BTTN Pù Luông.

Bài và ảnh: Tiến Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]