(Baothanhhoa.vn) - Mọi thứ có thể phai mờ, nhưng ký ức về những ngày làm đường, phá bom... cùng đồng đội trên cung đường Trường Sơn huyền thoại của những người cựu TNXP năm xưa như vẫn còn tươi mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện trên những cung đường bất tử

Mọi thứ có thể phai mờ, nhưng ký ức về những ngày làm đường, phá bom... cùng đồng đội trên cung đường Trường Sơn huyền thoại của những người cựu TNXP năm xưa như vẫn còn tươi mới.

Chuyện trên những cung đường bất tử

Cựu TNXP Nguyễn Hữu Mỡn xem lại những bức ảnh cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa.

Trung tuần tháng 7, chúng tôi may mắn được gặp lại những người con của mảnh đất thị xã Thanh Hóa năm xưa (nay là TP Thanh Hóa) để được nghe câu chuyện san núi, phá bom, mở đường... của “một thời máu lửa”.

Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng ấy, ông Nguyễn Hữu Mỡn (sinh năm 1934), nguyên Chính trị viên, Đơn vị C211-N75 vẫn nhớ như in từng con đường, từng gốc cây, ngọn cỏ... như những ngày đứng trên dốc Ba Thang ở Đường 20 Quyết Thắng.

Ông bảo: “Cuối năm 1970, khi tôi đang là cán bộ ủy ban của thị xã thì được tăng cường điều động sang làm Chính trị viên Đơn vị C211 với gần 200 TNXP là con em của thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Chúng tôi được giao nhiệm vụ mở Đường 20 Quyết Thắng. Xác định tuyến đường này là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là con đường “huyết mạch” nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Đây là một trọng trách hết sức nặng nề”.

Đường 20 Quyết Thắng có chiều dài hơn 100 km với những vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ như: KM số 0, dốc Đồng Tiền (km13-km16); dốc Ba Thang, cua chữ A, ngầm Ta Lê... Đơn vị ông nhận nhiệm vụ hạ độ cao của dốc Ba Thang để cho xe vượt lên an toàn. Đó là một con dốc cao sừng sững lại cua tay áo, là trọng điểm bắn phá ác liệt của quân thù. Hàng trăm trận bắn phá trên tuyến Đường 20 thì có tới gần 30 trận đánh vào dốc Ba Thang trên một đoạn đường chưa đầy 3km.

“Đặc biệt, đây là điểm mà hầu như ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh, ấy vậy mà thời đó tinh thần của anh em TNXP là tinh thần thép, trên bom dưới đạn là thế nhưng khi chúng đi thì anh em lại tiếp tục công việc mở đường. Trận bom ngày 18-6-1972 đã làm nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và cướp đi 3 chiến sĩ xuất sắc của đơn vị. Nhưng với tinh thần: “Sống giữ cầu, giữ đường thông xe, chết vì lời thề vì Tổ quốc”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”... Chúng tôi vẫn nén đau thương, bất chấp hiểm nguy, gian khổ, xông pha dưới mưa bom, bão đạn, quyết giữ mạch máu giao thông. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, gan dạ, đơn vị luôn giành được những thắng lợi quyết định trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”, ông Mỡn bồi hồi nhớ lại.

Cùng đơn vị với ông Mỡn, cựu TNXP Lê Mạnh Dũng, Đơn vị C211 kể lại những ngày tháng hào hùng nhưng đầy khó khăn, vất vả ấy bằng một giọng trầm tư: “Có đợt chúng ném bom suốt 87 ngày đêm không nghỉ, khiến cho hàng trăm chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh. Khốc liệt nhất, tại Km 16 + 200, ngày 14-11-1972, trong trận ném bom của giặc Mỹ đã làm sập cửa một hang đá khiến 8 TNXP cùng 5 chiến sĩ binh chủng pháo binh đã anh dũng hy sinh (nay là di tích lịch sử Hang Tám Cô)... Những người như chúng tôi, cứ ngày làm đường, đêm ứng cứu giao thông, ban đêm chỉ cần nghe tiếng súng bắn báo hiệu của bộ đội là biết có xe đi qua vùng sạt lở, anh em chúng tôi lại cuốc, xẻng lên đường trắng đêm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo những người cựu TNXP năm xưa, vùng đất này ngày nào cũng bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt, tiếng máy bay, tiếng bom đạn gầm rú như xé tan bầu trời, đất đỏ bụi mù cày xới nham nhở mặt đường, mặt ruộng, nương rẫy, cây rừng trơ trụi lá, rừng Trường Sơn nát vụn vì bom đạn... Nhưng với quyết tâm “Dù tim ngừng đập chứ không để đường tắc”, nên đêm đêm những binh đoàn, những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau ra trận. Dưới mỗi bước chân bộ đội hành quân, mỗi bánh xe lăn qua đều thấm máu và nước mắt của nhiều TNXP. “Có lẽ trong ký ức của người lính vượt Trường Sơn đánh Mỹ, không ai có thể quên được hình ảnh những cột tiêu sống bằng da, bằng thịt của các nữ TNXP ngâm mình dưới nước bên những ngầm trọng điểm, những cây cầu chìm sâu dưới mặt nước trong những đêm trời tối để những đoàn xe yên tâm vượt qua”, ông Dũng bồi hồi nhớ lại.

Gần 50 năm trôi qua, nhưng những cựu TNXP như ông Mỡn, ông Dũng... vẫn không thể nào xóa bỏ những ám ảnh thời chiến. Năm 1972, địch đánh phá miền Bắc với cường độ hủy diệt nhằm ngăn chặn quân ta ra trận. Đường 20 trở thành cửa khẩu huyết tử. Nhưng bằng sự chiến đấu dũng cảm, cũng như nỗ lực tuyệt vời, đức hy sinh vô bờ bến của lực lượng TNXP nên cung đường luôn thông suốt trong mọi tình huống. Đó là trận cao điểm đánh phá bằng B52 của giặc Mỹ, trước thông báo của ban chỉ huy tuyến, tất cả các đơn vị đóng gần khu vực, tuyến Đường 20 phải sơ tán. Sau đêm thứ nhất, đêm thứ 2 sau khi đã hoàn thành san lấp con đường liên vận phục vụ xe chở lương thực, vũ khí cho chiến trường, như thường lệ rút vào hang để nấu cơm, nghỉ ngơi cho nhiệm vụ ngày mai. Bất ngờ, trời trở mưa như báo hiệu một điều gì đó chẳng lành. Thình lình, một tốp B52 ập đến. Chúng điên cuồng trút bom xuống con đường vừa được hoàn thành. Đất đá bay mù mịt, cây cối tan hoang. Mọi người chưa nghe tiếng phi cơ thì tiếng rơi xé mây của bom đã ập đến, bom vãi như sấm giáng trên đầu, không gian như bị xé vụn từng mảnh. Sau trận B52 của địch, tuyến đường này bị quật nát, cắt đoạn, đất đá bật tung, núi rừng chao đảo. Lẫn trong mớ âm thanh ấy có tiếng gì đó nặng nề, chuyển động ầm ầm. Cả vùng đất nơi những TNXP trú bom rùng mình như bị địa chấn. Dứt loạt bom, đồng đội khản tiếng tìm nhau. “Riêng đơn vị tôi có 3 đồng chí bị thương và hy sinh, chị Sặng bị thương ở đầu, Lan bị đứt một tay, một chân rồi cũng hy sinh ngay sau đó, chị Sen thì hy sinh tại chỗ... Chị Nguyễn Thị Sặng được đưa ra bệnh viện Đoàn 559 nhưng do vết thương quá nặng nên 3 ngày sau cũng hy sinh. Cả 3 nữ liệt sĩ ấy vẫn chưa ai có chồng, đều là những thanh niên mười tám, đôi mươi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc”, ông Dũng ngậm ngùi.

Hơn 40 năm chiến tranh đã đi qua, các anh hùng, liệt sĩ tuổi mười tám, đôi mươi ở cung đường lửa này đã hy sinh thân mình để khai thông và bảo vệ tuyến đường, bảo đảm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt, cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay. Cũng trên con đường Trường Sơn huyền thoại này đã trộn lẫn không biết bao nhiêu máu xương, mồ hôi và nước mắt của những người con đất Việt. Chính những con người nhỏ bé nhưng có sức mạnh phi thường ấy đã lập nên những kỳ tích oanh liệt, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa, đã có hơn 3.000 TNXP nằm lại trên tuyến đường này.

Tên núi, tên sông, các trọng điểm đi vào lịch sử của dân tộc. Từ con đường mòn đã trở thành con đường huyền thoại, mãi mãi sáng ngời ý chí quật cường của lực lượng TNXP. Trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của dân tộc, công của lực lượng TNXP không hề nhỏ.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]