(Baothanhhoa.vn) - Từng là vùng thuần nông với những căn nhà sàn bán kiên cố gối núi, tựa sông, vậy mà gần chục năm trở lại đây, xã biên giới Quang Chiểu, huyện Mường Lát đã có nhiều nhà kiên cố cao tầng, sở hữu những tài sản có giá trị. Chủ nhân của các tài sản này là những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoặc đã trở về quê.

Chuyện ghi ở “xã xuất ngoại” vùng cao

Từng là vùng thuần nông với những căn nhà sàn bán kiên cố gối núi, tựa sông, vậy mà gần chục năm trở lại đây, xã biên giới Quang Chiểu, huyện Mường Lát đã có nhiều nhà kiên cố cao tầng, sở hữu những tài sản có giá trị. Chủ nhân của các tài sản này là những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoặc đã trở về quê.

Chuyện ghi ở “xã xuất ngoại” vùng caoMột góc bản Pùng - bản có số người đi xuất khẩu lao động đông nhất xã Quang Chiểu.

Cái khó ló cái khôn

Những ngày cuối năm vội vã, ngược ngàn lên biên giới đi chợ phiên bản Pùng, chúng tôi nghe râm ran các bà, các mẹ truyền tai nhau tin nhà nọ, nhà kia có người đi Hàn Quốc, Nhật Bản gửi về hàng chục triệu đồng; nhà ông A, bà B rậm rịch mua xe; ngôi nhà tầng đang xây của nhà này, nhà kia chi phí cũng tính tiền tỷ... Hóa ra ở Quang Chiểu có nhiều người đi XKLĐ gửi tiền về cho gia đình xây nhà, mua xe. Ban đầu, một vài ngôi nhà cao tầng mọc lên đã đánh thức giấc mơ thoát nghèo của người dân trong xã, nên từ năm 2015 đến nay hơn 310 người đã đi XKLĐ. Chưa kể, số lao động đã học xong tiếng và chuẩn bị bay khoảng 70 - 80 người.

Dạo quanh một vòng qua các bản của xã Quang Chiểu bây giờ không khó để bắt gặp những ngôi nhà xây mới dáng vóc kiến trúc hiện đại, trang hoàng không kém gì nhà dưới phố. Ai có thể ngờ, cách đây chừng chục năm, trên con đường độc đạo dẫn từ trung tâm huyện trở vào, chỉ thưa thớt vài chục nóc nhà. Cái khó, cái khổ vốn là một loại “đặc sản” chẳng hề hiếm có khó tìm ở mảnh đất biên giới này.

Theo chân Lò Văn Văn, công chức văn hóa - xã hội xã Quang Chiểu, đến thăm nhà ông Vi Hồng Inh, ở bản Pùng, khi ông đang chăm sóc đàn gà sau nhà. Anh Văn và ông Inh là chỗ quen biết nên 2 người nói chuyện với nhau rất thoải mái. Anh Văn hỏi: “Hai em có hay gọi về không? Tết chắc 2 đứa ăn tết bên đó cả thôi chú Inh nhỉ?”. Vọng lại từ sân giếng tiếng ông Inh ồm ồm: “Còn có hơn 1 năm nữa, các cháu cố gắng ở lại làm hết hợp đồng rồi về luôn một thể, chứ về giờ này tốn kém lắm chú ạ!”. Thấy tôi cứ mãi ngắm ngôi nhà đẹp, anh Văn nói “Nhà này gia đình chú ấy mới xây năm nay, sau khi 2 con trai đi XKLĐ bên Hàn Quốc. Trước, cả nhà 3 thế hệ sống trong căn nhà gỗ ọp ẹp lắm” – nói rồi anh Văn quay sang hỏi ông Inh: “Cháu hỏi thật, chú làm cái nhà này hết bao nhiêu? Hai đứa đi XKLĐ mỗi năm gửi về có được 1 tỷ đồng không chú?”. Ông Inh đáp ngay: “Hai em sang bên đó làm nghề sản xuất linh kiện ti vi, mỗi đứa gửi về 30 triệu đồng/tháng”.

Theo lời ông Inh, bản Pùng xưa kia còn có tên là bản Khé. Tên gọi này bắt nguồn từ suối Khé chạy qua bản, nên người dân mượn luôn cái tên ấy để gọi cái nơi mình sinh sống. Sau này, bản Khé được đổi thành bản Pùng, do bản có một cây cổ thụ to và lâu năm có tên là Tào Pùng. Bản nằm lọt giữa các ngọn pom Tén Kéo, pom Xà Lộ, pom Pù Om, pom Pù Khằm..., cái đói, cái nghèo và sự xa xôi, cách trở khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Bản thân gia đình ông trước đây chỉ làm nông nghiệp, chủ yếu là nuôi trâu và trồng lúa. Tuy nhiên, dù là hộ có nhiều trâu nhất thì kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn, chứ không dư dả để tính đến chuyện xây nhà, mua xe. “Gần hết đời người, vợ chồng tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện xây nhà. Nhờ có con cái mà bây giờ mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, ông Inh cảm thán.

Được biết, năm ngoái vì tuổi già sức khỏe không đảm bảo và được các con động viện, ông Inh đã bán đàn trâu. Ông Inh nhẩm tính, sau 5 năm nuôi, số trâu bán đi cho lãi không đáng kể. Hiện tại, ông và vợ chỉ quanh quẩn ở nhà trồng rau, nuôi gà và chăm cháu cho các con yên tâm đi làm. “Cho con đi XKLĐ có nhiều cái lợi. Thứ nhất, chúng nó vừa có thu nhập, từ đó bố mẹ cũng được nhờ. Thứ hai, sau này về quê, bọn trẻ có cái nghề trong tay, sẵn đồng vốn có thể tự lập tốt hơn thay vì làm nghề nông”, ông Inh chia sẻ.

Cho sắc xuân thêm rực rỡ

Chiều muộn, chúng tôi mới tới bản Qua - nơi gần như bị xóa sổ sau trận lũ quét lịch sử vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018. Những cánh đồng trơ sỏi đá ngày nào được phủ xanh mướt một màu ngô, lúa. Trong bản, nhà cao tầng, nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi mọc lên san sát, nhiều hộ dân đã mua được ti vi, xe máy... Mảnh đất nơi địa đầu từng bị thiên nhiên “xóa sổ” này đã và đang cho thấy sức vươn mạnh mẽ.

Bên chén trà ấm, trưởng bản Vi Văn Thiến nhớ lại, sau trận lũ quét, bản quay về vạch xuất phát, không nhà cửa, miếng ăn hàng ngày cũng chỉ chờ gạo cứu trợ. Dân vốn đã nghèo nay lại càng nghèo. Song, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ nhà ở, xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ dân, từ đó các hộ được an cư lạc nghiệp. Cùng với phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào XKLĐ cũng được bà con trong bản hưởng ứng. Từ một vài trường hợp mở đầu, đến nay, bản đã có 11 trường hợp đi XKLĐ, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. “Hầu hết những nhà mới xây, nhà cao tầng trong bản đều có người đi XKLĐ. Ở vùng biên này không làm gì mà thoát nghèo, vươn lên khá giả nhanh như đi XKLĐ. Lực lượng này đang gián tiếp góp phần giúp bản hoàn thành một số tiêu chí trong XDNTM”, anh Thiến tiết lộ.

Ngay sát nhà anh Thiến là nhà anh Vi Văn Hai. Anh Hai có vợ là chị Lương Thị Lưu đi XKLĐ ở Hàn Quốc gần 3 năm nay. Theo lời anh Hai, trước đây, cuộc sống gia đình anh rất vất vả, chỉ biết bám vào cây ngô, cây sắn. Năm 2020, cán bộ vào tận bản tuyên truyền, thời điểm đó trong xã cũng có 4 người đăng ký đi XKLĐ. Anh muốn đi nhưng vì lý do sức khỏe nên không được duyệt, đành để vợ đi. Mặc dù biết thiếu vắng người phụ nữ trong gia đình lo việc nhà, việc con cái sẽ rất mệt, nhưng nghĩ lại, đời mình có khổ cũng không để các con phải khổ vì thất học. Cũng may, vợ anh sang Hàn Quốc làm nông nghiệp, công việc cơ bản, không phải va chạm nhiều nên anh cũng yên tâm phần nào. Mỗi tháng, họ trả chị hơn 30 triệu đồng, chưa kể tiền làm thêm và tăng ca. Trừ tiền ăn ở, chị gửi về 30 triệu đồng/tháng. Có tiền, anh Hai làm nhà, mua sắm những vật dụng cơ bản, đầu tư cho 2 con ăn học. "Nhờ tiền vợ gửi về, tôi xây cái nhà này trị giá hơn 500 triệu đồng. Nói chung, kinh tế bây giờ tương đối ổn định”, anh Hai tâm sự.

Thấy XKLĐ là hướng giải quyết việc làm hiệu quả, thu nhập cao, nhiều gia đình, người không có cũng cố vay mượn anh em, bè bạn, ngân hàng để đi. Chỉ tính riêng năm 2023, Quang Chiểu có hơn 50 người đi XKLĐ, chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua tìm hiểu ở một số gia đình có người đi XKLĐ thì đi Nhật Bản, Đài Loan chi phí ban đầu để đi được, chưa kể 3 tháng học tiếng ở Thanh Hóa, Hà Nội, phải tốn tới 120 - 150 triệu đồng/người. “Với đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái, Mông, Dao, đây là số tiền lớn đối với bà con. Do đó, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho lao động trong quá trình học tập, chi phí XKLĐ để bà con đỡ vất vả", ông Vi Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, chia sẻ.

Hiện nay, cả 13 bản của Quang Chiểu đều có người đi XKLĐ, đông nhất là bản Pùng 91 người, bản Xim 62 người. Ai về ít cũng xây được nhà 1 tầng, còn đa phần là nhà 2 tầng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Có người về nước lại xin gia hạn đi lần 2, lần 3. Con số thống kê đến hết năm 2023 thì riêng XKLĐ, lượng tiền gửi về địa phương đã hơn 80 tỷ đồng, chưa kể thanh niên trai, gái trong xã cũng có tới 1.000 người đi làm ở các công ty, xí nghiệp trong nước như: da giày, may mặc, nghề điện, nghề xây dựng... ở khắp các tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Sài Gòn... giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Quang Chiểu giảm từ 78% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2023). Toàn xã có khoảng 200- 300 căn nhà khang trang có giá từ 700 - 800 triệu đồng. Một số hộ dân có tiền gửi ngân hàng từ vài trăm triệu trở lên.

Những gia đình “khuyết thiếu” ở Quang Chiểu giờ đây không hiếm. “Đặc sản” đàn ông đi chợ, phụng dưỡng cha mẹ; người già làm việc đồng áng, chăm sóc con cháu học hành... được người dân vui vẻ đón nhận. Bằng chính sức lao động của mình, những người đi XKLĐ đã và đang góp phần làm cho gia đình ngày càng đủ đầy, sung túc hơn; sức xuân ở quê hương thêm phần rực rỡ. Ở đây, điều chúng tôi mừng cho bà con đó là việc sử dụng đúng mục đích và có trách nhiệm số tiền mà người thân gửi về trong từng gia đình. Chưa xuất hiện những câu chuyện dở khóc dở cười chung quanh “hậu phương” của người đi XKLĐ từng xảy ra đâu đó. Cũng chưa có hệ quả xấu xuất hiện từ đời sống khi đã dư dả vật chất của một số người trẻ. Trái lại, lao động trẻ ở vùng biên này đang lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài là hướng chính để lập thân, lập nghiệp.

Bài và ảnh: T.Th



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]