(Baothanhhoa.vn) - Câu chuyện làm gì để thoát nghèo ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã không còn là chuyện mới. Và khi "cái khó bó cái khôn" do những tác động khách quan từ bên ngoài, đã buộc các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phải tự thân vận động, tìm cách phá bỏ rào cản để thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025: Chính sách nhân văn, vì người dân! (Bài cuối): Xóa dần khoảng cách hai miền ngược xuôi

Câu chuyện làm gì để thoát nghèo ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã không còn là chuyện mới. Và khi “cái khó bó cái khôn” do những tác động khách quan từ bên ngoài, đã buộc các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phải tự thân vận động, tìm cách phá bỏ rào cản để thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025: Chính sách nhân văn, vì người dân! (Bài cuối): Xóa dần khoảng cách hai miền ngược xuôiDự án nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại huyện Lang Chánh đang được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Ảnh: Đồng Thành

Trước tiên là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Trao đổi với phóng viên về giải pháp để thoát nghèo, lãnh đạo nhiều huyện miền núi cho rằng, điều cốt yếu nhất là phải thực hiện cho được mục tiêu đề cao ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong các hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên làm cách nào để người nghèo “tự lực cánh sinh” vươn lên thoát nghèo lại là chuyện không hề dễ. Ngoài tuyên truyền, vận động nên chăng cần có sự kích cầu từ chính sách để thay đổi ý thức, tạo chuyển biến hành vi, để người dân vươn lên thoát nghèo. Câu chuyện ở huyện Quan Hóa là một cách làm.

Cũng như nhiều huyện miền núi, tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp ở huyện Quan Hóa là rất lớn. Và để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, từ khoảng gần 10 năm trước, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất được triển khai, áp dụng đến nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, do chưa gắn với nhu cầu thị trường, nên những mô hình này nhanh chóng quay về chuyện muôn năm cũ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, cây trồng lại bị nhổ bỏ, tẩy chay. Và cho đến bây giờ, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chẳng mấy mặn mà khi nghe hai tiếng “mô hình”.

Trước thực trạng này, ngày 28-6-2022, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022-2030. Không lún sâu vào câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì, nghị quyết này đã xác định rõ nhiệm vụ tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng gần dân, sát dân, đồng hành với người dân để tập trung chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng, sạch, an toàn; phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn; sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời huyện tổ chức cho các xã ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp về việc cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm nhằm tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho người dân tham gia. Cùng với đó là hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia phát triển các loại cây ngắn ngày để giải quyết thu nhập trước mắt, ngắn hạn, làm cơ sở phát triển những cây, con dài ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thực hiện những mô hình này, Quan Hóa đã vận dụng tối đa các chính sách phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân tham gia các mô hình.

Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa cũng đã ban hành Quy định số 02-QĐi/HU ngày 29-7-2021 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo, XDNTM và bài trừ tư tưởng, tập quán lạc hậu. Trong đó, yêu cầu người có chức vụ cao nêu gương cho người có chức vụ thấp; người có chức vụ thấp nêu gương cho người chưa có chức vụ; cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng nhân dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo, thực hiện các tiêu chí NTM, bài trừ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan...

Từ những nghị quyết này, đến nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn); mô hình trồng cây gai xanh (các xã: Phú Sơn, Thành Sơn, Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Chung); mô hình trồng cây sâm Báo (xã Nam Tiến); mô hình trồng cây mắc ca (xã Thiên Phủ);...

Quan tâm thu hút các dự án lớn

Nông, lâm nghiệp vốn là thế mạnh của khu vực miền núi. Trong hành trình phát huy thế mạnh này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, nhiều huyện miền núi đã có cách làm thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương. Song để tìm ra cây trồng chủ lực với nhiều địa phương lại không hề dễ. Như tại huyện Mường Lát, đến nay “bài toán” này vẫn chưa có lời giải. Và mới đây, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện đã được phê duyệt đề án phát triển rừng bền vững và xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa để xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Đây đang được kỳ vọng mở ra hướng đi đột phá phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện Mường Lát.

Còn với nhiều huyện miền núi có điều kiện giao thông thuận lợi hơn, câu chuyện thu hút doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là nhà máy, xí nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm của bà con làm ra cũng là chuyện không hề dễ. Qua thực tiễn thu hút doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho rằng, khu vực miền núi có nhiều lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Để nâng cao thu nhập cho người dân, tạo hướng phát triển bền vững khu vực miền núi, tỉnh cần có thêm cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến từ sản phẩm lợi thế của vùng. Qua đó vừa giải quyết việc làm trực tiếp cho lao động địa phương và việc làm gián tiếp cho người dân tham gia vùng trồng nguyên liệu.

Bên cạnh các giải pháp về huy động nguồn lực để phát triển sản xuất gắn với tiềm năng, thế mạnh địa phương, có ý kiến cho rằng, để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, tỉnh cần ưu tiên quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo động lực cho các địa phương thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa. Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục. Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở. Tuyển đủ đội ngũ giáo viên còn thiếu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phát triển giáo dục. Làm tốt công tác an sinh, quan tâm giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong đời sống xã hội... Trong đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT đóng vai trò rất quan trọng. Bởi thực chất, việc tham gia chính sách này sẽ giúp người dân hạn chế rủi ro về chi phí khám chữa bệnh, ngăn ngừa tình trạng tái nghèo do trong gia đình có người ốm đau, mắc bệnh nặng. Trên thực tế, sau khi giảm số xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã sụt giảm đáng kể, do người dân ở khu vực này không còn được Nhà nước đóng toàn bộ chi phí tham gia như trước đây.

Về thực trạng thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với kế hoạch đề ra, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca cho rằng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn khác để xây dựng các hạng mục hạ tầng trong các khu tái định cư do hạn mức kinh phí theo Kết luận số 590-KL/TU, ngày 8-9-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì ngân sách hỗ trợ 150 triệu đồng/hộ đối với khu tái định cư liền kề; 300 triệu đồng/hộ đối với khu tái định cư tập trung khó đáp ứng để hoàn thành hoàn chỉnh hạng mục như san mặt bằng, rãnh thoát nước, đường giao thông nội bộ, nước sinh hoạt, điện,... trong điều kiện địa điểm xây dựng khu tái định cư có độ dốc lớn, khối lượng đào đắp, kè mái ta ly là rất cao. UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành chức năng bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để hỗ trợ trực tiếp các hộ dân di chuyển đến khu tái định cư theo quy định; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề tạo sinh kế bền vững cho người dân đối với các hộ khó khăn về sản xuất do một số khu dân cư ở khá xa khu sản xuất...

Dẫu còn nhiều việc phải làm, song thực tiễn nhiều năm thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi chứng minh rằng, khi công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, tăng cường thì địa phương đó có nhiều nghị quyết thiết thực, phù hợp, nhanh chóng được triển khai và phát huy hiệu quả, giúp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện thành công hơn nữa chương trình này, nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc cho rằng, giải pháp hàng đầu là tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ...

Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]