(Baothanhhoa.vn) - Theo dự kiến khung thời gian năm học 2023-2024, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tựu trường từ ngày 22-8, thời điểm này, ngành giáo dục các địa phương đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón học sinh trở lại trường.

Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới

Theo dự kiến khung thời gian năm học 2023-2024, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tựu trường từ ngày 22-8, thời điểm này, ngành giáo dục các địa phương đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón học sinh trở lại trường.

Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mớiKhu nhà hiệu bộ, các phòng chức năng Trường Mầm non Thiệu Thành (Thiệu Hóa).

Năm học 2023-2024, huyện Thiệu Hóa có hơn 30.000 học sinh các cấp học bước vào năm học mới. Để chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học, ông Nguyễn Lạnh Đông, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thiệu Hóa cho biết: Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường thống kê tổng số học sinh, số lớp học, nhu cầu sửa chữa, nâng cấp các công trình của đơn vị mình để phối hợp cùng với chính quyền các cấp thực hiện. Được sự quan tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, trong 3 năm trở lại đây, huyện Thiệu Hóa đã đầu tư gần 200 tỷ đồng cho việc xây mới 20 trường học, sửa chữa 160 phòng học, đầu tư xây dựng 48 phòng học thông minh...

Bên cạnh các chương trình tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức về dạy học chương trình sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11; tập huấn Chương trình giáo dục STEM, trong tháng 8 này, phòng dự kiến tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên về đổi mới chương trình kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi; công tác kiểm tra nội bộ các nhà trường; bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn ngoại ngữ...

Là trường học sẽ được bàn giao khu hiệu bộ, các phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị trong tháng 8-2023... với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng (trong đó, huyện đầu tư 70%, còn lại là nguồn vốn địa phương đối ứng). Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiệu Thành (Thiệu Hóa) vui mừng cho biết: Sau khi được bàn giao xong khu hiệu bộ và các phòng chức năng, trường sẽ đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện nay, nhà trường đã thực hiện xong công tác điều tra phổ cập, đang huy động cán bộ, giáo viên dọn dẹp, vệ sinh phòng lớp học, phát động cuộc thi làm đồ dùng đồ chơi cấp trường... chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng đón học sinh trở lại.

Tại huyện miền núi Bá Thước, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng diễn ra tương đối khẩn trương. Ngay trong tháng 7, tháng 8, việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đã được ngành giáo dục tích cực triển khai. Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết: Để kịp thời tham mưu cho UBND huyện, phòng đã thành lập đoàn công tác làm việc với các cụm trường (mời lãnh đạo trường, lãnh đạo địa phương) cùng tham dự để nắm bắt tình hình cơ sở vật chất, các công trình cấp bách cần xử lý, các nhu cầu chiến lược giai đoạn 2022-2025 của các nhà trường... Đồng thời, cử cán bộ xuống thị sát từng nơi để nắm bắt tình hình thực tế.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Bá Thước đã đầu tư 45 tỷ đồng để xây sửa cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới 2023-2024. Ngoài ra, huyện cũng đã dành nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường và xây dựng kế hoạch tuyển dụng 18 giáo viên (11 giáo viên văn hóa và 7 giáo viên đặc thù).

Ông Nhiên cũng chia sẻ thêm: Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh phải đi làm ăn xa để con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Để nắm bắt tình hình học sinh, phòng đã yêu cầu giáo viên khảo sát về tình trạng phụ huynh, góc học tập tại nhà của học sinh... để phối hợp cùng gia đình quản lý, giáo dục học sinh.

Tại xã Thiết Kế, Ban Giám hiệu Trường THCS Thiết Kế vừa được yêu cầu báo cáo trước Đảng ủy xã về việc chuẩn bị và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ năm học mới. Thầy Trương Văn Duy, Hiệu trưởng Trường THCS Thiết Kế cho biết: Trận giông lốc ngày 9-7-2023 đã làm bay mái khu nhà tập thể giáo viên, ngay sau đó, Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước đã đến kiểm tra, tặng quà cho các gia đình trong khu tập thể. UBND huyện Bá Thước cũng đã có quyết định hỗ trợ kinh phí sửa chữa khu nhà tập thể giáo viên, làm lại phần trần và mái nhà, sửa chữa hệ thống điện... Hiện, nhà trường đang thực hiện tu sửa lại cơ sở vật chất khu nhà tập thể giáo viên, tường rào... Sự quan tâm kịp thời của ngành và của các cấp chính quyền đã góp phần động viên kịp thời, tiếp thêm động lực để cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học (kể cả nguồn xã hội hóa) ước đạt 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mua sắm trang thiết bị đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 tổng trị giá trên 241 tỷ đồng. Sở đang tổ chức mua sắm 707 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3; 625 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 7; 207 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10 THPT; 33 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10 hệ giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên với tổng giá trị dự kiến gần 212 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đã được ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tương đối bài bản. Các nhà trường, giáo viên và các em học sinh cũng đang chuẩn bị tâm thế tốt nhất, sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]