(Baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, cây nêu đã trở thành biểu tượng văn hóa gắn liền với ngày tết truyền thống của dân tộc. Hình ảnh những cây nêu được làm từ tre, trúc dựng trước sân nhà vừa mang đậm tính dân gian, vừa có giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn nhớ lấy cội nguồn, tích cực thi đua lao động sản xuất, tu nhân tích đức, làm điều thiện, đấu tranh lên án cái ác và không ngừng khát vọng, vươn lên trong cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cây nêu ngày Tết

Từ bao đời nay, cây nêu đã trở thành biểu tượng văn hóa gắn liền với ngày tết truyền thống của dân tộc. Hình ảnh những cây nêu được làm từ tre, trúc dựng trước sân nhà vừa mang đậm tính dân gian, vừa có giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn nhớ lấy cội nguồn, tích cực thi đua lao động sản xuất, tu nhân tích đức, làm điều thiện, đấu tranh lên án cái ác và không ngừng khát vọng, vươn lên trong cuộc sống.

Cây nêu ngày Tết

Cây nêu được người dân xã Quảng Thái (Quảng Xương) dựng trong ngày tết.

Trong kho tàng cổ tích Việt Nam vẫn còn lưu truyền sự tích cây nêu: Ngày xưa, đất là do ma quỷ quản lý, loài người phải sống nhờ trên đất của chúng. Khi con người canh tác, đến mùa thu hoạch, quỷ đòi lấy phần phúc lợi khiến Nhân dân đói khổ vô cùng. Vụ mùa năm ấy, lúa do người trồng rất tốt, quỷ muốn chiếm hết thóc nên ra lệnh “Quỷ ăn ngọn, người ăn gốc”. Thế là người làm lụng quần quật cả năm mà đến mùa chỉ được gốc rạ. Người đói khổ quá, xin Đức Phật ra tay cứu giúp và Phật đã dạy dân chúng trồng khoai. Quỷ tức lắm, liền ra lệnh “Quỷ ăn cả ngọn lẫn gốc”. Người lại khấn Phật và được Phật hướng dẫn cho trồng ngô. Đến kỳ thu hoạch, người đem nộp ngọn và gốc cho quỷ, còn ngô người hưởng hết. Quỷ bị mắc mưu, căm giận lắm, bèn đòi ruộng đất về, không cho người trồng nữa. Để tránh sự quấy nhiễu của quỷ, người lại khấn Phật cách đuổi chúng đi hẳn nơi đây. Phật dặn người hãy tậu lấy một miếng đất đủ trồng một cây tre. Nhưng phải nhớ giao hẹn với quỷ, bóng tre ngả đến đâu thì đất đó thuộc về người. Nghe lời Phật dặn, người đến nhà quỷ mua đất và trả giá rất cao. Người đem tre trồng trên miếng đất mới tậu. Phật lại cho chiếc áo để vắt trên ngọn tre. Bóng tre lan đến đâu thì đất của người mở mang tới đó. Người cứ theo bóng tre mà làm ăn, lấn dần đất của quỷ. Cuối cùng, người đuổi được quỷ ra tận ngoài biển. Từ đấy, đời sống của người ấm no hẳn lên. Phật lại dạy người cứ lấy cung mà bắn, lấy vôi bột mà rắc, giã tỏi trộn nước mà phun, lấy lá dứa có gai nhọn mà vụt, thì quỷ có hung hăng đến mấy cũng phải bỏ chạy. Người làm theo, quả nhiên quỷ chạy tan tác. Trước khi đi, chúng xin Phật thương tình, cứ đến dịp tết thì cho chúng về thăm mộ của tiên tổ ở đất liền và Phật đã đồng ý. Vì vậy, mỗi dịp tết đến, người dân lại cắm cây nêu trước cửa nhà để phân chia ranh giới đất giữa người và quỷ. Tích truyện cây nêu từ đó mà hình thành và lưu truyền cho tới bây giờ bởi ý nghĩa lớn lao, bền bỉ của nó. Và, cây nêu dường như đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tinh thần đấu tranh giữa con người và ma quỷ, giữa cái thiện và cái ác.

Theo các anh Trần Phú Đức (thôn 8), Uông Ngọc Tú (thôn 6) cũng như nhiều người dân xã Quảng Thái (Quảng Xương), cho biết: Từ ngày 23 tháng Chạp, nhà nào, nhà nấy cũng tất bật chăm lo việc dựng cây nêu ngày tết. Tuy nhiên, trước đó khoảng vài ngày, người dân đã lặn lội tìm mua những cây tre (hoặc trúc) tốt nhất, có chiều dài khoảng 5 - 6m, thân thẳng, cứng cáp, ngọn cao vút, nhiều lộc lá, tươi xanh. Tre sau khi đem về lược bỏ sạch hết cành lá ở thân, chỉ để lại phần lá ở ngọn. Sau đó, người ta trang trí cho cây nêu rất nhiều thứ. Đầu tiên là treo trên ngọn nêu một lá cờ đỏ sao vàng. Người treo cờ cần phải hết sức khéo léo sao cho lá cờ buộc vào cây nêu có thể giữ được cân đối thăng bằng ở trên cao, tung bay được mà không bị rủ xuống, thì mới tốt. Thường thì người ta sẽ kèm thêm một xấp tiền vàng âm phủ và ít muối gạo buộc trên ngọn nêu. Nhà nào có điều kiện hơn thì giăng thêm chiếc đèn lồng, vừa đẹp vừa sáng, vừa có ý nghĩa soi đường, chỉ lối cho tổ tiên biết đường mà về ăn tết với con cháu.

Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, mỗi nhà cũng không thể thiếu một cây nêu dựng lên trước nhà, bởi cây nêu đã trở thành nét truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Buổi tối, trên các con đường chạy qua các thôn luôn sáng trưng ánh đèn. Nhà nào, nhà nấy trở nên lung linh, rực rỡ, ấm áp trong sắc cờ hoa, đèn lồng... Nhìn lên ngọn nêu, mọi người cùng khấn cầu cho một năm mới sắp đến với bao điều may mắn, hạnh phúc, bình an.

Người dân vui xuân, đón tết đến mùng 7 tết là thời điểm hạ nêu. Đồng thời trong thời gian này các gia đình tiến hành cúng tiễn ông bà, ông vải, hóa vàng trên ban thờ gia tiên. Cây nêu sau đó được hạ xuống dùng làm các vật dụng cần thiết trong nhà, nhằm tăng thêm phần may mắn cho gia chủ...

Những ngày cuối năm, được nhìn cây nêu, nhìn lên bầu trời thênh thang rộng lớn, khiến tâm hồn chúng ta rộng mở ra rất nhiều. Tin rằng, ý nghĩa về cây nêu vẫn còn vẹn nguyên giá trị và được lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt cho đến mai sau, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]