(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt vụ “vỡ” phường, hụi với quy mô và mức độ khác nhau, có những vụ gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi người chơi. Dù ở mức độ nào, các vụ “vỡ” phường, hụi đều gây ra nhiều hệ lụy, không ít người rơi vào cảnh trắng tay, có người tìm đến cái chết, mong thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần thận trọng khi chơi phường, hụi

Cần thận trọng khi chơi phường, hụi

Việc giao dịch của các “dây hụi” chỉ được thể hiện qua những tờ giấy sơ sài, không bảo đảm tính pháp lý khiến người chơi dễ gặp rủi ro.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt vụ “vỡ” phường, hụi với quy mô và mức độ khác nhau, có những vụ gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi người chơi. Dù ở mức độ nào, các vụ “vỡ” phường, hụi đều gây ra nhiều hệ lụy, không ít người rơi vào cảnh trắng tay, có người tìm đến cái chết, mong thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất...

Theo tìm hiểu được biết, chơi phường, hụi gồm có hai loại: Phường, hụi không tính lãi và phường, hụi tính lãi. Nếu tham gia phường, hụi không tính lãi, tất cả mọi người sẽ cùng góp và lần lượt nhận một khoản tiền như nhau, không phân biệt ai nhận trước, ai nhận sau. Đối với phường, hụi tính lãi, người nào “hốt hụi” (nhận tiền) trước sẽ lỗ nhiều, người “hốt hụi” sau cùng sẽ được lời nhất. Theo nguyên tắc, người rút đầu tiên trả lãi cho người rút cuối. Đến mỗi kỳ mở phường, hụi, chủ hụi sẽ tập hợp mọi người lại, những ai đang thiếu tiền và muốn “hốt hụi” sẽ đề nghị trả một số tiền lãi nhất định, ai bỏ cao nhất sẽ được ưu tiên “hốt hụi” trước (người rút trước được gọi là “hụi chết”). Sau đó, thay vì đóng đều như ban đầu thỏa thuận, hụi chết sẽ đóng thêm phần lãi ghi trong phiếu.

Mặc dù là hình thức huy động vốn không chính thống, nhưng nhiều người dân thích chơi hụi hơn là vay tiền của ngân hàng hay các công ty tài chính. Việc đóng hụi sau đó cũng như hình thức trả góp. Chơi hụi không có gì xấu, nó còn là hình thức huy động vốn nhanh chóng để người dân tiết kiệm tiền hoặc ứng trước tiền cho những tình huống khẩn cấp với thủ tục đơn giản, tuy nhiên, việc chơi hụi chỉ dựa vào niềm tin cá nhân của các thành viên mà không có tài sản bảo đảm (không có tài sản cầm cố, thế chấp) thì rất dễ gặp sự cố bất trắc. Đặc biệt là chủ hụi, người nắm vai trò đầu mối cũng cần được xem xét có đáng tin hay không. Bên cạnh đó, người dân không nên xem phường, hụi là hình thức đầu tư để hưởng lãi suất cao.

Dù đã xảy ra không ít hậu quả đau lòng từ các vụ “vỡ” phường, hụi nhưng hành lang pháp lý để giải quyết triệt để những vụ việc nêu trên chưa thực sự đồng bộ, rõ ràng. Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 của Chính phủ được ban hành, đã quy định về hoạt động của hình thức chơi hụi, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Và theo quy định, những người tham gia chơi hụi có nghĩa vụ góp phần hụi; trả lãi cho các thành viên khác khi được lãnh hụi; bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại... Nghĩa vụ của chủ hụi là giao các phần hụi cho thành viên được lãnh hụi. Chủ hụi phải trả lãi đối với các phần hụi giao chậm theo mức lãi do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, với người chơi phường, hụi, hầu hết giao dịch chỉ được thực hiện bằng miệng hoặc mảnh giấy ghi sơ sài, không hội đủ cơ sở pháp lý cần thiết. Do đó, khi bị vỡ hụi, dù các chủ hụi có bỏ trốn hay không, việc khởi kiện để đòi lại tài sản đã mất là cả một quá trình hết sức khó khăn.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Phương cùng 16 thành viên khác tại xã Đông Thanh (Đông Sơn) sau một thời gian tham gia chơi hụi và nộp vào khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng thì bỗng nhiên, chủ hụi tuyên bố “phá sản” và không có khả năng trả lại tiền cho các hụi viên. Đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, việc đòi lại tài sản vẫn là một hành trình hết sức khó khăn khi trước đây, các giao dịch và cam kết chỉ được thực hiện bằng miệng và một tờ giấy ghi lại danh sách cùng số tiền mỗi lần các hụi viên chuyển tiền cho chủ hụi. Hoặc trường hợp gần 50 hụi viên trú tại TP Sầm Sơn bị chủ hụi tuyên bố phá sản vào hồi đầu năm nay đã khiến gia đình nhiều hụi viên lâm vào cảnh điêu đứng. Những khoản tiền tích cóp bao nhiêu năm, người ít thì vài chục triệu, nhiều thì hàng trăm triệu đồng bỗng đổ sông, đổ bể. Chị Trịnh Thị Hương, một hụi viên hiện đang công tác tại Hà Nội, cho biết: “Nhiều năm qua, mỗi tháng tôi đã tích cóp 15 triệu đồng gửi về quê để tham gia chơi hụi với mong muốn tích cóp một khoản tiền để sau này về quê xây dựng nhà cửa. Tính đến thời điểm tháng 2-2019, khoản tiền tôi đã nộp cho chủ hụi là bà P.T.T. lên đến 235 triệu đồng. Vì tin tưởng chủ hụi là người thân họ hàng nên mỗi lần chuyển tiền, tôi cũng như các hụi viên khác không yêu cầu bất kỳ loại hóa đơn, biên nhận nào. Vì vậy, khi bà T. tuyên bố phá sản và rời khỏi nơi cư trú, chúng tôi vô cùng hoang mang. Việc khởi kiện để được nhận lại tài sản gặp khá nhiều trở ngại do thiếu cơ sở pháp lý”.

Những trường hợp đã nêu trên chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người chơi hụi lâm vào cảnh điêu đứng khi số tài sản lớn trong tay bỗng dưng mất trắng, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí là tìm đến cái chết để thoát khỏi vòng vây của đồng tiền. Và đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người đã và đang có ý định tham gia chơi phường, hụi. Mặc dù vậy, rất nhiều người dân vẫn phó mặc những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình cho sự may rủi. Từ thành phố đến nông thôn, những “dây hụi” với hàng chục hụi viên vẫn hoạt động nhộn nhịp mà không hề có một cơ sở pháp lý nào để đảm bảo cho quyền lợi của người tham gia. Lý do là vì hầu hết người tham gia đều là người quen biết nhau hoặc có mối quan hệ thân thiết, đặc biệt chủ hụi thường là người uy tín, có tiếng nói. Chính vì vậy nên chơi hụi vẫn tạo được sự tin tưởng dù cho không có sự bảo hộ của pháp luật hay văn bản chính quy nào về số tiền, thời gian chơi và lãi suất.

Đối với những người cần tiền gấp, thường là những người dân nghèo, hụi có thể là cách thức dễ dàng và nhanh chóng nhất để họ có một số vốn làm ăn và thoát khỏi tình cảnh nguy cấp hiện tại. Vì thế, nhiều người đã không ngại ngần tham gia các “dây hụi” dù đã nhiều lần được cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra. Điều này đã khiến không ít người dân rơi vào cảnh lao đao, trắng tay, mất hết số tiền dành dụm cả đời vào cạm bẫy mang tên “hụi”.

Các vụ “vỡ” phường, hụi thường có phản ứng dây chuyền, gây tác động xấu đến an ninh trật tự, kinh tế, xã hội. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những quy định đầy đủ, cụ thể hơn về việc chơi phường, hụi của người dân; có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo, trục lợi.

Đối với những người tham gia phường, hụi, trong quá trình chơi cần có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền. Đặc biệt, trước khi quyết định tham gia vào một phường, hụi nào đó, người chơi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan. Việc hiểu rõ bản chất của mô hình phường, hụi là yếu tố, thông tin quan trọng để lựa chọn những người “cầm cái” cũng như các thành viên trong nhóm có độ tin cậy cao, lý lịch rõ ràng và có khả năng về tài chính.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]