(Baothanhhoa.vn) - Phẩm chất cao đẹp cùng những cống hiến, hy sinh lớn lao của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) trên hai tuyến biên giới của Tổ quốc luôn là mạch nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học nghệ thuật. Không nằm ngoài mạch nguồn chảy mãi ấy, thông qua tác phẩm, văn nghệ sĩ xứ Thanh gửi gắm tình cảm trân trọng, yêu mến của mình tới người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm không quản khó khăn, thử thách vẫn vững tay súng, đều nhịp bước quân hành, tuần tra biên giới để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, bình yên cho cuộc sống của người dân.

“Biên cương một dải vững bền - gửi tình yêu với người chiến sĩ quân hàm xanh

Phẩm chất cao đẹp cùng những cống hiến, hy sinh lớn lao của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) trên hai tuyến biên giới của Tổ quốc luôn là mạch nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học nghệ thuật. Không nằm ngoài mạch nguồn chảy mãi ấy, thông qua tác phẩm, văn nghệ sĩ xứ Thanh gửi gắm tình cảm trân trọng, yêu mến của mình tới người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm không quản khó khăn, thử thách vẫn vững tay súng, đều nhịp bước quân hành, tuần tra biên giới để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, bình yên cho cuộc sống của người dân.

“Biên cương một dải vững bền - gửi tình yêu với người chiến sĩ quân hàm xanhCác thành viên trong chuyến đi thực tế do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mìn (Quan Sơn).

Cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 là chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh nhằm tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Thông qua cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với công tác biên giới, biển đảo. Trong đó, nội dung của cuộc thi tập trung vào giới thiệu vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người ở vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh; ca ngợi phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính mang quân hàm xanh xứ Thanh; tôn vinh những tổ chức, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo vệ chủ quyền biên giới xứ Thanh; viết về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Với mục đích, ý nghĩa thiết thực; nội dung khai thác được đa dạng các góc cạnh; cách thức tổ chức chuyên nghiệp, sau gần 1 năm kể từ ngày phát động, cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 đã tạo được dấu ấn, sức lan tỏa, thu hút đông đảo cây viết tham dự. Kết thúc thời hạn nhận tác phẩm, Ban Tổ chức đã nhận được 100 bài bút ký, ghi chép của tác giả trong và ngoài tỉnh. Căn cứ vào chất lượng tác phẩm và dung lượng, tần suất phát hành, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã in được 40/100 bút ký, ghi chép gửi về tham dự cuộc thi. Hiện nay, Ban Tổ chức đang thành lập Hội đồng sơ khảo, dự kiến đến tháng 1/2024, lễ trao giải sẽ được tổ chức. Được biết, đối với những tác phẩm đảm bảo chất lượng nhưng chưa được in trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thi vẫn được tham gia chấm giải và sẽ dần công bố trên các số sau của tạp chí.

Hứng khởi giới thiệu với chúng tôi ấn phẩm số tháng 12/2023 vừa phát hành với trang bìa là hình ảnh người lính quân hàm xanh uy nghiêm, vững vàng nắm chắc tay súng giữa màu xanh núi rừng, Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, nhà văn Lưu Nga chia sẻ: “100 bài bút ký, ghi chép gửi về chưa phải là con số ấn tượng. Tuy nhiên, ở góc độ một cuộc thi viết với đề tài, đối tượng, phạm vi phản ánh tương đối hẹp, khó khăn trong hoạt động thâm nhập thực tế, địa bàn thì đó đã là tín hiệu rất đáng mừng. Điều mà Ban Tổ chức tìm kiếm, trông đợi nhiều nhất nằm ở chất lượng các tác phẩm dự thi”.

Xét ở bình diện chung, cuộc thi cho thấy sự phong phú, đa dạng, tương đối đồng đều trên các phương diện. Các tác giả tham gia thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, quy tụ nhiều vùng, miền trong cả nước, trong đó có những cây viết trẻ (Lý Học, Nguyễn Vân, Lê Đình Trung)... và những cây viết đã thành danh như: Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Lê Vũ Trường Giang (Huế), Phan Mai Hương... Các tác phẩm dự thi có sự bao quát từ tuyến biển, tuyến núi, khắc họa đa dạng hình tượng nhân vật, phản ánh được nhiều khía cạnh của lực lượng biên phòng (trong các mặt công tác, sinh hoạt đời thường, tình đồng chí, đồng đội, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng...). Nhiều tác phẩm đã đi sâu khắc họa nét đẹp đất và người vùng biên, đóng góp của người dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới...

Để gia tăng sức hút, giúp các cây viết thâm nhập, trải nghiệm thực tế, tìm kiếm chất liệu đắt giá, ngay từ khi ký kết phối hợp và phát động cuộc thi, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện, kịp thời đáp ứng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhận thức sâu sắc thực tế là “chất liệu” cho hành trình sáng tạo tác phẩm, nhất là với thể loại ký, ghi chép, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã tổ chức 2 chuyến đi thực tế tại các đồn biên phòng đang đóng quân ở các khu vực thuộc miền Tây xứ Thanh vào dịp tháng 5 và tháng 10/2023. Đó là các đồn biên phòng Quang Chiểu, Tén Tằn, Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý (Mường Lát); Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Mường Mìn, Tam Thanh (Quan Sơn); Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh). Mỗi chuyến đi thực tế có khoảng 20 người, tất cả đều có tác phẩm dự thi.

Mỗi một vùng đất đã đi qua, con người đã gặp gỡ, câu chuyện được lắng nghe, tìm hiểu đã khơi lên trong lòng mỗi người nguồn cảm hứng, chất liệu khác nhau để viết nên tác phẩm. Mặc dù thời gian lưu trú không được nhiều nhưng những người tham gia chuyến đi thực tế đều cảm nhận được nét đẹp đất và người vùng biên, phần nào biết thêm về phong tục tập quán của đồng bào, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Đặc biệt, hình tượng người lính được khắc họa qua các chi tiết chân thực, gần gũi, sinh động, từng chia sẻ, bộc bạch chân thành, đóng góp thiết thực mà chẳng cần phải màu mè, tô vẽ hay tưởng tượng.

Những dấu chân không mỏi trên dọc dài đường biên; tình cảm quân - dân thủy chung; tình đồng chí, đồng đội gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; hy sinh, mất mát của người lính giữa thời bình; sự kiên trì, quyết tâm trong vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển mô hình kinh tế; tấm lòng của người lính cụ Hồ trong công tác vận động quần chúng, các hoạt động an sinh xã hội; những tâm tư khó giãi bày... được khắc họa trên trang viết đong đầy niềm yêu mến, trân trọng, cảm phục.

Là người xông xáo, hăng hái tham gia cả hai đợt thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng tuyến núi Thanh Hóa do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức, Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ: “Những cảm xúc trong 2 chuyến đi thực tế tại các đồn biên phòng ở miền Tây xứ Thanh lắng đọng trong mình rất nhiều. Càng đi lại càng thấy vừa như gần gũi vừa như mới mẻ. Tôi cảm thấy vui vì mình đã đi trọn vẹn được cả 2 chuyến thực tế, mặc dù ở chuyến đi sau, chân tôi đang bị đau, bác sĩ chỉ định không nên di chuyển nhiều. Nhưng rồi cũng là cái ân tình, cảm xúc nó cuốn mình đi. Nó giúp tôi hiểu và ấn tượng sâu sắc hơn, có cái nhìn cân bằng hơn về dải đất miền Tây xứ Thanh, về đất và người nơi đây”.

Với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, sau mỗi chuyến đi, cuộc thi chỉ là lý do, không còn là mục đích cuối cùng thôi thúc anh viết. Hơn hết, anh là nhà văn quân đội, viết về người lính là trách nhiệm với đồng đội, với nghề. Và những chất liệu, chi tiết đắt giá anh tìm kiếm, khai thác được đã giục giã anh phải viết.

Anh nghĩ về những cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên cột mốc 270 ở bản Ón, xã Tam Chung - bản xa xôi nhất của Mường Lát, rồi lại trải lòng cùng cột mốc 358 nơi bản Đục, xã Bát Mọt (Thường Xuân)... Anh say sưa kể chuyện về những cán bộ, chiến sĩ mình đã gặp, trò chuyện... Toàn chuyện vụn vặt đời thường theo đúng kiểu “trên đường nhặt nhạnh” mà vui, độc đáo, tinh tế đến ngỡ ngàng. Trong khuôn khổ cuộc thi, nhà văn Xuân Thủy đã hoàn thành 6 bài ký, trong đó có 3 bài đã đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh.

Những tác phẩm gửi tham dự cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp tổ chức đã góp phần lan tỏa niềm tin yêu, ghi nhận nỗ lực, đóng góp của người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới của Tổ quốc. Đó vừa là động lực vừa khơi dậy trong mỗi cán bộ, chiến sĩ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu “phát huy truyền thống, cống hiến tài năng” để tỏa sáng hơn ánh sao vàng trên mũ, áo, xứng đáng với danh hiệu cao quý - Bộ đội Cụ Hồ.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]