(Baothanhhoa.vn) - Nhìn hàng dài danh sách cán bộ kiểm lâm viết đơn xin chuyển ngành hoặc thôi việc, khiến tôi không khỏi chạnh lòng, và tôi đã đến với nhiều trạm, hạt kiểm lâm, gặp nhiều hoàn cảnh, nghe nhiều câu chuyện...

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài cuối): Khoảng trống mênh mông

Nhìn hàng dài danh sách cán bộ kiểm lâm viết đơn xin chuyển ngành hoặc thôi việc, khiến tôi không khỏi chạnh lòng, và tôi đã đến với nhiều trạm, hạt kiểm lâm, gặp nhiều hoàn cảnh, nghe nhiều câu chuyện...

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài cuối): Khoảng trống mênh mông

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Na Mèo (Quan Sơn) phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: Đỗ Đức

Hàng chục năm công tác, lặn lội trên khắp cung đường rừng trong tỉnh, phía trước Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân Phạm Thăng Long là tháng 7 nghỉ hưu. Ông bộc bạch với tôi những câu chuyện như từ ruột gan, bởi trong tim vẫn đau đáu, cháy bỏng tâm huyết với rừng. Với ông, ai lấy của rừng thứ gì đều bị trả giá, rừng là lẽ sống, mang lại ấm no cho dân bản, là tấm khiên vững chãi che chắn cho bản làng bình yên trước những cơn lũ dữ gầm gào...

Kể lại những kỷ niệm đã qua, ông vui lắm, nhưng chả mấy, nét mặt lại nhanh chóng chùng xuống vì thực tại khó khăn với lực lượng kiểm lâm ngày càng nhiều, nhiệm vụ đặt trên vai của những người lính giữ rừng ngày càng nặng, mà theo ông, đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều người không thể gắng gượng được nữa, đành cởi bỏ đồng phục, viết đơn xin chuyển công tác, thậm chí thôi việc.

Theo lời vị hạt trưởng này, có rất nhiều lý do, song chủ yếu vẫn đến từ môi trường công tác, trang thiết bị phục vụ, chế độ đãi ngộ và sức ép công việc. Cụ thể, điều kiện làm việc của cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đường đi lắm đèo nhiều dốc, sông suối chia cắt, trong khi mỗi người đều phải “cõng” cả nghìn héc ta rừng. Cũng do điều kiện địa hình nên nhiều vùng rừng không có sóng điện thoại, không thể áp dụng công nghệ mới vào công tác quản lý như flycam, khó đảm bảo thông tin liên lạc trong ứng phó các tình huống khẩn cấp... Vậy nên việc quản lý rừng vẫn phải dựa vào công tác tuần tra thực tế, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chưa nói các bệnh nhiệt đới thường gặp, mỗi lần tuần tra rừng là mỗi lần ông Long bị vắt cắn. Có lần vừa ra đến bìa rừng, ông cùng đồng đội mỗi người lấy ra từ thịt da hàng chục con vắt, con nào cũng căng bụng máu.

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài cuối): Khoảng trống mênh mông

Phút nghỉ ngơi giữa đường tuần tra rừng của cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn và các lực lượng chức năng. Ảnh: Đỗ Đức

Từ ngày 1-11-2017 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc, chấm dứt việc khai thác rừng gồm khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên, khai thác tận thu, tận dụng... Theo chính sách này, trừ rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, người dân vẫn được khai thác một số loại lâm sản phụ nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủ tục. Trong khi đó, theo Nghị định 75/NĐ-CP, ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và Thông tư liên tịch số 93/TTLT-BTC-BNNPTNT, ngày 27-6-2016 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, thì mức giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho các chủ rừng (gồm tổ chức và hộ gia đình) là 400 nghìn đồng/ha/năm. Quy định là vậy, nhưng theo Hạt trưởng Phạm Thăng Long, trong 4 năm gần đây mức chi khoán bảo vệ rừng chưa bao giờ đạt được như quy định. Cụ thể, năm 2022 là 254,051 nghìn đồng/ha; năm 2021 là 49 nghìn đồng/ha; các năm từ 2018-2020 là 151 nghìn đồng/ha, năm 2017 là 263 nghìn đồng/ha. Nhiều cán bộ kiểm lâm cho rằng, với mức chi này đã không thu hút người dân mặn mà với công tác bảo vệ rừng, nhất là với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Trên thực tế, nhiều vụ phá rừng gần đây đã có sự tiếp tay hoặc tham gia trực tiếp của các chủ rừng là hộ gia đình, mà vụ phá rừng tại xã Yên Thắng là một ví dụ. Trong hoàn cảnh ấy, nhiệm vụ của những cán bộ kiểm lâm lại càng trở nên nặng nề hơn.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, nếu để xảy ra tình trạng mất an ninh rừng, trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp thuộc về chủ rừng, tiếp đến là chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm. Theo đó, lực lượng kiểm lâm có chức năng chính gồm: tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo thực thi nghiêm Luật Lâm nghiệp: tuyên truyền, phòng ngừa và phát hiện, xử lý vi phạm; đồng thời thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên thực tế, ở các sự việc mất an ninh rừng, cán bộ kiểm lâm phụ trách vùng rừng bị xâm hại đều bị xử lý trách nhiệm, thậm chí cả những cán bộ ở chốt, trạm trên đường mà lâm sản được vận chuyển qua. Trong khi đó thu nhập của cán bộ kiểm lâm không có sự khác biệt so với cán bộ ở lĩnh vực khác cùng khu vực và cùng thời gian công tác. Trong khi đó, phần nhiều họ phải sống xa nhà, xa gia đình. Những thực tế trên đang khiến nhiều cán bộ kiểm lâm cảm thấy mệt mỏi.

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài cuối): Khoảng trống mênh mông

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Na Mèo (Quan Sơn) phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: Đỗ Đức

Lại nhớ lời của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Na Mèo (Quan Sơn) Nguyễn Hữu Hải vào một ngày tháng 5-2023: “Xác định theo nghề thì không ở bên gia đình thường xuyên được. Ngày còn nhỏ các con hay hỏi sao bố không ở nhà. Trước khi lên đơn vị tôi chỉ biết khóc. Giờ vẫn vậy, việc về thăm nhà không nhiều. Nhiều cái tết không được trọn vẹn bên người thân".

Những bất cập trên đang để lộ ra một khoảng trống mênh mông, tạo áp lực lớn trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Mong muốn hơn hết từ những kiểm lâm viên tôi đã gặp là các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện nâng cao mức khoán bảo vệ rừng cho các chủ rừng, giảm áp lực lên vai lực lượng kiểm lâm. Cùng với đó, tuyển dụng đủ biên chế, đảm bảo lực lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất làm việc và phương tiện, trang thiết bị phục vụ quá trình công tác. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Đảng, Nhà nước cần xem xét cho cán bộ kiểm lâm viên hưởng các phụ cấp đặc thù khi họ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Đỗ Đức

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]