(Baothanhhoa.vn) - Đối với cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Thanh Hóa, tháng 3 là tháng lịch sử: Tháng ghi nhận ngày ra đời của số báo đầu tiên: Thanh Hóa đổi mới ngày 20-3-1962 - ngày ra đời cơ quan báo viết đầu tiên - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa. Năm 2022, ngày này còn mang ý nghĩa đặc biệt: Báo Thanh Hóa tròn 60 năm đồng nghĩa với tròn một HỘI theo quan niệm vận hành của vũ trụ. Với con người, tròn một Hội là dấu mốc đánh giá sự từng trải lịch lãm, tròn đầy về nhiều ý nghĩa.

Báo Thanh Hóa tròn một Hội

Đối với cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Thanh Hóa, tháng 3 là tháng lịch sử: Tháng ghi nhận ngày ra đời của số báo đầu tiên: Thanh Hóa đổi mới ngày 20-3-1962 - ngày ra đời cơ quan báo viết đầu tiên - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa. Năm 2022, ngày này còn mang ý nghĩa đặc biệt: Báo Thanh Hóa tròn 60 năm đồng nghĩa với tròn một HỘI theo quan niệm vận hành của vũ trụ. Với con người, tròn một Hội là dấu mốc đánh giá sự từng trải lịch lãm, tròn đầy về nhiều ý nghĩa.

Báo Thanh Hóa tròn một Hội

Nhà báo Hữu Thọ (người đeo kính) chụp ảnh cùng bộ đội pháo cao xạ và nữ dân quân ở trận địa Đồng Đá, xã Hoằng Anh (Hoằng Hóa) năm 1964 (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa). Ảnh tư liệu Họ Nguyễn

Đối với Báo Thanh Hóa, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt trội. Từ một tờ báo, một cơ quan báo chí với số cán bộ, phóng viên ít ỏi đếm trên đầu ngón tay, làm nghiệp dư không qua đào tạo đến một đội ngũ hùng hậu con số gần trăm người được đào tạo chính quy, bài bản. Từ báo ra ít kỳ, khổ nhỏ, số lượng phát hành hàng trăm nhỏ lẻ, in máy thô sơ kết hợp thủ công in đơn sắc đến báo ra nhiều kỳ đa sắc, đa phương tiện rồi trở thành nhật báo, số lượng phát hành trên vạn tờ; từ chỗ phải in nhờ, đến có nhà in riêng, in cao cấp; từ chỗ cơ quan ở tạm, ở chung đến cơ quan có trụ sở to lớn hoành tráng. Đó là sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, sự nâng cao từ hình thức đến nội dung, xứng đáng là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa.

Những ngày đầu tiên

Cố Lê Tân, Tổng Biên tập đầu tiên và là vị Tổng Biên tập trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước luôn xúc động khi nhớ về buổi ban đầu. Ban đầu tòa soạn ở trong mấy gian nhà lợp lá kè thuộc khu vực cơ quan Tỉnh ủy. Tài sản có giá trị quý nhất là chiếc máy chữ gõ cọc cạch của Văn phòng Tỉnh ủy chuyển sang. Đáng kể còn là bộ bàn ghế sa lông gỗ đặt trong phòng tiếp các cộng tác viên vốn là bộ bàn ghế tiếp khách của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Vĩnh chuyển xuống theo sở nguyện của ông là lịch sự và trọng thị khi tiếp cộng tác viên. Toàn bộ cơ quan chỉ có 14 người (kể cả hành chính trị sự). Bao gồm: Lê Tân, Lê Đỉnh, Nguyễn Văn Trợ, Hữu Thọ, Lê Nghĩa, Nguyễn Văn An, Huỳnh Hữu Tỷ, Trần Hiệp... Chỉ riêng ông Lê Tân được tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí 6 tháng do Ban Tuyên huấn Trung ương mở, còn tất cả đều chưa qua một ngày đào tạo báo chí nào. Họ làm việc bằng trí tuệ của mỗi người có được qua con đường tự học, tự đọc sách báo, tự nghiền ngẫm từ kinh nghiệm thực tế, đặc biệt trong số họ có nhiều người thông thạo tiếng Pháp và chữ Hán như ông Lê Nghĩa, ông Hữu Thọ và có kinh nghiệm, có sự từng trải hỗ trợ tích cực trong viết bài. Bản thân nhiều người từng là cán bộ cốt cán của Ty Giáo dục và Ty Văn hóa được điều động sang nên có ít nhiều thuận lợi. Họ làm việc bằng trí tuệ tập thể, thường xuyên tọa đàm, thảo luận tiến hành phê bình đóng góp kinh nghiệm cho nhau qua từng bài báo, mẩu tin, nhờ vậy mà trình độ chính trị và nghiệp vụ không ngừng được nâng cao, văn phong trở nên trong sáng, thuyết phục.

Cố nhà báo Trần Hiệp trong bài Tuổi tráng niên - viết nhân kỷ niệm 45 năm Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 - 20-3-2007) - người trong cuộc chứng kiến giờ phút quan trọng ấy đã thuật lại: “Nhớ mãi cái buổi sáng ngày 20-3-1962 ấy, anh Lê Tân - Tổng Biên tập đầu tiên cùng các anh Lê Đỉnh, Nguyễn Văn Trợ, Lê Nghĩa, Hữu Thọ, Nguyễn Văn An, Huỳnh Hữu Tỷ... ùa ra cổng cơ quan đón tờ báo đầu tiên từ Xí nghiệp In Ba Đình vừa mới in xong. Ôi! tờ “Thanh Hóa đổi mới” của chúng ta, của tỉnh ta! Nhớ lắm cái giờ phút thiêng liêng ấy, không chỉ có anh em trong cơ quan báo mà cả các đồng chí trong cơ quan Tỉnh ủy cùng ùa ra đón chào đứa con tinh thần của tỉnh ra đời. Những tờ báo đầu tiên được phát hành là từ tay các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy đưa đến tay bạn đọc. Cái buổi ban đầu đầy ấn tượng ấy như ngọn lửa rực cháy thổi lên niềm tin đi tới của các thế hệ nhà báo Thanh Hóa cho đến hôm nay và cả mai sau...”.

Từng bước trưởng thành

Những năm đầu của tòa soạn cũng là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn ác liệt. Những địa danh như Hàm Rồng, cầu Tào, đò Lèn, phà Ghép trở thành những trọng điểm đánh phá. Quân và dân Thanh Hóa, lực lượng quân sự địa phương cùng với lực lượng quân sự chính quy đã kiên cường dũng cảm đánh trả quyết liệt, làm nên những chiến công rạng rỡ. Nhiều phóng viên của báo đã ra tận mặt trận để kịp thời phản ánh tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm thắng Mỹ của quân và dân ta. Những bài báo ra đời còn nóng hổi, hừng hực lửa của chiến trận của chiến công. Một tinh thần làm việc khẩn trương, ngày đi đêm viết kịp thời đưa tin thời sự, tin về gương người tốt việc tốt trên cả hai mặt trận lao động sản xuất và chiến đấu được cán bộ, Nhân dân đón nhận.

Thời kỳ đất nước thống nhất, hòa bình lập lại cũng là thời kỳ báo có nhiều đổi mới đi lên. Tuy nhiên khó khăn vẫn còn đó, thiên tai địch họa bão to, lụt lớn vẫn luôn đe dọa. Cơ quan thời kỳ này đã chuyển về số 1 Nguyễn Du cùng rong đất với Nhà máy In Ba Đình. Có nhiều thuận lợi hơn từ bài vở đưa đến nhà in gần hơn, thuận lợi hơn, song kỹ thuật in thời kỳ này vẫn hết sức thô sơ, việc sắp từng con chữ chì lên khuôn vẫn làm bằng tay, kỹ thuật làm ảnh, in ảnh vẫn lạc hậu, giấy vẫn còn xấu và thâm. Cán bộ phóng viên vẫn ở trong nhà tranh vách trát tốc xy, đi công tác xa vẫn chỉ bằng xe đạp, đôi khi xăm lốp còn vá bó. Cả cơ quan chỉ có chiếc xe ô tô cũ dành cho những chuyến đi công tác quan trọng và xa xôi hay phải đi công tác ngoại tỉnh. Họ vừa viết bài tin cho kịp báo ra mỗi ngày vừa phải tự chăm lo đời sống gia đình, nhà báo cũng phải có thời đi tăng gia sản xuất.

Năm 1986 đánh dấu sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Báo Thanh Hóa cũng không ngừng đổi mới, các nhà báo lại hăm hở học tập làm quen với cái mới, cái đang nổi, đang lên, để nhìn nhận cho đúng, nắm bắt cho nhanh và phản ánh cho chuẩn xác kịp thời vào trong các bài viết. Cả tòa soạn lại phải học, học thay đổi tư duy cách nghĩ, cách làm sao cho bắt kịp tư duy đổi mới. Lúc này học lý luận, học chính trị nắm bắt cho đúng, cho trúng chủ trương, đường lối của Đảng để thể hiện sao cho sinh động, cho hay là ý thức, là trách nhiệm của mỗi nhà báo và của tờ báo. Nhiều chuyên mục mới được mở ra, nhiều bức ảnh đã mang đậm tính thời sự, các bài viết chính luận, các bài viết chuyên sâu xuất hiện đều đặn trên mặt báo vừa phản ánh vừa góp phần dẫn hướng dư luận, biểu dương gương người tốt việc tốt. Lúc này việc đấu tranh với thói quen, với sự vương vấn kéo dài của thời kỳ bao cấp, đấu tranh với sự do dự, với cái xấu, cái lạc hậu đang là lực cản bánh xe đổi mới cũng là việc cần làm, nhiều bài viết, bài phóng sự điều tra cũng đã ra đời góp thêm tiếng nói bảo vệ đường lối đổi mới, mang đậm tính chiến đấu, tính Đảng được khẳng định trên mặt báo.

Đổi mới sâu sắc, toàn diện, vượt trội

Thế kỷ 21, tỉnh Thanh Hóa đã có những đổi mới căn bản toàn diện, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Nhiều công trường mới được mở ra, nhiều xí nghiệp lớn được hình thành, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt trong tỉnh tạo ra sự thay đổi cả chiều rộng và chiều sâu. Đáng kể là sự phát triển của “Tứ Sơn”. Khu công nghiệp Lam Sơn ngoài Nhà máy Mía đường Lam Sơn, đã có Khu Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, có Khu văn hóa sinh thái tre luồng Thanh Tam. Khu Công nghiệp Bỉm Sơn vẫn ổn định và phát triển. Khu Kinh tế Nghi Sơn như con rồng vươn mình thức tỉnh, với nhiều nhà máy to lớn hiện đại mở ra, thu hút sự đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế trên thế giới. Khu du lịch Sầm Sơn đã đổi mới mạnh mẽ sâu sắc, trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước, tạo ra thế “tứ trụ kính thiên” bề thế vững chắc oai phong. Thế kỷ này, Báo Thanh Hóa cũng có những đổi mới sâu sắc toàn diện và vượt trội. Sự đổi mới không chỉ ở cơ sở vật chất khang trang, trụ sở được tầng hóa, thiết bị và công nghệ được tăng cường, Công ty CP In Báo Thanh Hóa không ngừng đổi mới máy móc, trang thiết bị công nghệ tiên tiến. Sự đổi mới sâu sắc chính là ở đội ngũ các nhà báo. Bên cạnh thế hệ nhà báo gạo cội, già dặn kinh nghiệm là đông đảo thế hệ nhà báo mới, được đào tạo chính quy, có tri thức xã hội, có kỹ năng, kỹ thuật làm báo, được trang bị và tự sắm nhiều trang thiết bị làm báo hiện đại, yêu nghề... Ngoài “đội quân chủ lực” hùng hậu, tòa soạn còn thu hút được lực lượng cộng tác viên đông đảo ở Trung ương và địa phương, có bút lực, kinh nghiệm quý báu làm phong phú và sinh động thêm cho tờ báo.

Trước những đổi mới sâu sắc toàn diện, Báo Thanh Hóa cũng có những đổi mới vượt trội, đó là sự đa dạng, phong phú và tiên tiến. Bên cạnh báo viết, từ 3 kỳ, 4 kỳ, đã có số thứ bảy, rồi đến nhật báo, từ in đơn sắc đến đa sắc, đã có báo điện tử, báo hằng tháng, cuối tuần, rồi dần dần trở thành tờ báo truyền thông đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo độc giả.

60 năm trưởng thành phát triển

Kể từ ngày ra số đầu: “Thanh Hóa đổi mới” 20-3-1962 đến nay, Báo Thanh Hóa đã tròn 60 năm cũng là tròn một Hội. Đó cũng là 60 năm trải qua biết bao gian lao thiếu thốn, vất vả của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để vươn lên khẳng định mình, xứng đáng là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, xứng đáng với các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Hai và nhiều phần thưởng cao quý khác, chiếm trọn lòng tin yêu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.

Báo Thanh Hóa luôn được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo sát sao và có hiệu quả của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự phối hợp, hợp tác của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện. Sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà trí thức khoa học và đông đảo văn nghệ sĩ cả nước để làm nên một diện mạo tươi mới đẹp đẽ xứng tầm với quê Thanh anh hùng và phát triển.

60 năm Báo Thanh Hóa tròn một Hội. Hội tụ được nhiều vẻ đẹp tinh hoa của sự tiên tiến, phát triển. Hội tụ được một đội ngũ làm báo tiên tiến, tâm huyết, hội tụ được sức mạnh và lòng tin của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Hội tụ được kinh nghiệm quý báu của 60 năm trưởng thành và phát triển. Hội tụ được biết bao là thành tựu cùng bao cơ hội phát triển đi tới.

Phía trước đang mở ra một tương lai tươi sáng, một tiền đồ tốt đẹp, có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX soi đường, có sức mạnh hội tụ của hôm qua và hôm nay, có trong tay đội ngũ nhà báo hùng hậu, nhiệt huyết, có đông đảo bạn đọc hưởng ứng, nhịp bước cùng nhịp sống sôi động phát triển nhanh mạnh và vững chắc của cả tỉnh, nhất định Báo Thanh Hóa sẽ làm nên những kỳ tích mới, nhất định sẽ làm tròn sứ mạng: Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, trở thành “Đơn vị kiểu mẫu” cùng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như khát vọng sinh thời của Bác Hồ kính yêu.

Hồng Nhật


Hồng Nhật

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hữu Ngôn - 06:10 29/03/22

 Trả lời

Tôi còn giữ mãi niềm xúc động khi viết bài báo này . Ký ức về những nhà báo gạo cội xứ Thanh, hết mình cho công việc viết báo trong gian khs và thử lửa luôn sống mãi và thôi thúc tôi.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]