(Baothanhhoa.vn) - Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhưng ngay sau đó, năm 1946 thực dân Pháp đã xâm lược trở lại. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Thanh Hóa khi ấy là vùng tự do, cơ sở vững chắc của cuộc kháng chiến. Với tầm nhìn chiến lược, tháng 2-1947, từ chiến khu xa xôi, mặc dù đi lại vô cùng khó khăn nhưng Hồ Chủ tịch đã về thăm Thanh Hóa.

Bác Hồ với mùa xuân ấy

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhưng ngay sau đó, năm 1946 thực dân Pháp đã xâm lược trở lại. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Thanh Hóa khi ấy là vùng tự do, cơ sở vững chắc của cuộc kháng chiến. Với tầm nhìn chiến lược, tháng 2-1947, từ chiến khu xa xôi, mặc dù đi lại vô cùng khó khăn nhưng Hồ Chủ tịch đã về thăm Thanh Hóa.

Bác Hồ với mùa xuân ấyMiếu Triệu Tường.

Trên trang nhất Báo “CHỐNG GIẶC” - Thông tin tranh đấu ngôn luận, Cơ quan Ủy ban Kháng chiến Thanh Hóa (số chủ nhật ngày 23-2-1947) đã đưa tin và nội dung các bài nói chuyện, các buổi gặp gỡ của Hồ Chủ tịch với Nhân dân Thanh Hóa ngày 20-2-1947 khi Bác về thăm. Trong đó có tin: “Hồ Chủ tịch thắp hương miếu Triệu Tường”.

Miếu Triệu Tường được xây dựng năm 1803 trước núi Triệu Tường thuộc làng Gia Miêu (nay thuộc xã Hà Long huyện Hà Trung). Miếu thờ Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế (Nguyễn Kim) và Thái tổ - Gia Dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng).

Nguyễn Kim (1468 - 1545) là một nhà chính trị và quân sự giai đoạn Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông đã tôn lập Vua Lê Trang tông, đặt nền móng gây dựng lại nhà Lê. Các vua hậu Lê, từ Lê Thần tông là hậu duệ trực tiếp bên họ ngoại của ông. Miếu hiệu của ông là Triệu tổ, thụy là Tĩnh Hoàng đế. Theo Lê Quý Đôn nhận định trong sách Đại Việt thông sử: “Nguyễn Kim lấy thân phận là tướng già của con nhà thế thần, giữ vững tiết tháo, lật đật nơi hang núi, cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm. Cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ đây. Như thế chả phải là người bầy tôi xã tắc đó ư?”.

Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) hay Nguyễn Thái tổ, Chúa Tiên là vị chúa Nguyễn đầu tiên. Người có công mở mang, giao thương giữ gìn vùng đất miền Trung.

Sự kiện Hồ Chủ tịch về thăm Thanh Hóa tháng 2-1947 đã thắp hương ở miếu Triệu Tường, giờ đây nhìn lại chúng ta càng thêm sáng tỏ về tầm nhìn lịch sử, tầm văn hóa, đường lối cách mạng tài tình, trái tim kết đoàn toàn dân tộc, thiên lương, bao dung, đức hạnh của Bác.

Hồ Chủ tịch khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Độc lập tự do hạnh phúc trong tiến trình lịch sử giải phóng dân tộc và tự lập, tự cường của Nhân dân ta.

Ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn quần chúng tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác đã lựa chọn tuyên ngôn hoàn toàn khác với các vua, chúa trước đây khi trực tiếp đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Trước đó, Hồ Chí Minh đã tác động đến các nước đồng minh để công nhận nền độc lập của Việt Nam. Việc Bác đảm trách quyền lực nhà nước là biểu tượng của dân tộc, của sự thống nhất và tự chủ. Trong lễ tuyên ngôn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế, trao thanh kiếm hoàng gia và ấn cho Hồ Chủ tịch. Như vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với toàn thế giới, với đồng bào cả nước, với các đảng phái chính trị, giáo phái trong và ngoài nước. Bác là người con của dân tộc Việt Nam, dòng máu cội nguồn Lạc Việt. Lịch sử dân tộc là lịch sử của những thời kỳ, triều đại nối tiếp nhau. Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Nén nhang của Bác là âm vọng với hồn thiêng sông núi với dấu ghi của triều đại trước Bác rằng: Hồ Chủ tịch đã đảm trách sứ mệnh của một dân tộc độc lập vì tương lai hạnh phúc của Nhân dân.

Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ trân trọng, khách quan và trung thành tuyệt đối với lịch sử.

Lịch sử là sự thật, là thời gian, là Nhân dân. Thời thế, nhân thế, cơ vận tác động nhiều đến nhân vật lịch sử. Nhân dân phán quyết lịch sử công minh nhất. Những gì của lịch sử cần được nhìn nhận khách quan, trung thực với cách nhìn cụ thể và toàn diện. Bác đã nhìn nhận lịch sử các triều đại bằng tầm nhìn nhân loại, thời cuộc, bằng trái tim, nhân cách một nhà văn hóa lớn nhưng lại rất dân tộc, đại chúng. Hồ Chí Minh đã tâm minh trước miếu thờ tiên tổ của một triều đại trong lịch sử Việt Nam.

Tầm nhìn đại đoàn kết dân tộc bao dung, nhân nghĩa và thiên lương.

Hồ Chủ tịch về thăm Thanh Hóa và thắp hương ở miếu Triệu Tường trong bối cảnh toàn quốc thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Người vừa tròn 2 tháng. Đại đoàn kết toàn dân vừa là mục tiêu, vừa là phương châm, vừa là tiềm lực, sức mạnh để cuộc kháng chiến toàn quốc giành thắng lợi. Hơn hết lúc này, đại đoàn kết dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, họ tộc, các vùng miền trong nước, ngoài nước. Đại đoàn kết rất cần văn hóa, bao dung, thấu hiểu và sẻ chia. Nén hương của Bác đã tỏa lan sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, ước mong, niềm tin thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân.

Dòng máu thuần khiết thấm đẫm cội nguồn văn hóa dân tộc, văn hóa phương đông, đức độ, bổn phận người con của tổ tiên, dòng tộc, giống nòi.

Với Bác, Tổ quốc là từng hòn đất, từng miền đất, từng xứ sở. Ở đó có máu xương người mở đất, người giữ đất, có linh khí ngàn năm. Những đền, miếu tự lòng dân là nghĩa nhân, ghi công tưởng nhớ, là văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng chân tâm thành kính của lương dân. Con dân đất Việt dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì thì nén hương là văn hóa tâm linh, là thuần huyết giống nòi. Miếu thờ tiên tổ một triều đại, dòng tộc có tới 13 vua, 9 chúa nơi vùng đất quý hương trăm năm hiện hữu. Nén hương của Bác là hương lòng, đạo lý của con dân đất Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, tư tưởng cao đẹp của thời đại, đã để lại cho nhân loại nói chung và Nhân dân Việt Nam nói riêng những trang sử vô cùng quý giá. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự ra đời và lớn mạnh của đất nước chúng ta càng dần tỏ, thấm hiểu tư tưởng, đạo đức, của Người với dân, với nước. Sự kiện Bác thắp hương ở miếu Triệu Tường càng minh chứng thêm tầm nhìn, tài năng, tầm cao tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách của một lãnh tụ trọn đời vì dân, vì nước.

Bài và ảnh: VŨ QUANG TRẠCH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]