[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Với những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đặc sắc, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) không chỉ là báu vật của xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa vật thể của dân tộc Việt Nam.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi phát động và lãnh đạo kéo dài suốt 10 năm (1418-1427) giành thắng lợi, đất nước sạch bóng quân thù. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, xưng Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, mở đầu cho triều đại Hậu Lê phát triển rực rỡ và kéo dài nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, với 360 năm.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, năm 1430 Lê Thái Tổ cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh, Tây Đô làm Tây Kinh còn gọi là Lam Kinh (để phân biệt với Đông Kinh - Thăng Long). Đồng thời, để tôn vinh vùng đất quê hương ông đã cho xây dựng các công trình kiến trúc điện, miếu... tại đây.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Đến năm 1433 vua Lê Thái Tổ băng hà tại kinh thành Thăng Long, ngày 23-10 cùng năm được đưa về Lam Kinh an táng, từ đây Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an nghỉ của 6 vị vua và 2 Hoàng Thái Hậu, gồm: Vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thái Tông, vua Lê Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, vua Lê Hiến Tông, vua Lê Túc Tông và Hoàng Thái hậu là Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông; Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên là mẹ vua Lê Hiến Tông. Đồng thời, các công trình điện miếu tiếp tục được xây dựng để làm nơi thờ cúng tổ tiên, hoàng tộc nhà Hậu Lê.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Cầu Bạch cong cong, duyên dáng uốn mình qua khe Ngọc đón du khách bước vào miền di sản. Chưa ai đến Lam Kinh mà không một lần trầm trồ trước sự cổ kính, trang nghiêm của các toà miếu điện, lăng tẩm; càng không thể cưỡng lại sức hút từ vẻ đẹp trong xanh, khoáng đạt của khối “kiến trúc xanh” đa tầng, vốn là sự hài hoà của cỏ cây và đất trời nơi đây. Lam Kinh ngự trên gò đồi tràn ngập nắng gió. Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ khu vực nội thành Lam Kinh ví như cánh khổng tước khổng lồ đang dang rộng để vút lên tầng không và in sắc màu trầm đỏ nổi bật giữa không gian xanh mướt tứ bề của núi rừng Lam Sơn. Vòng trong, Tây Hồ bao quanh 2 mặt; vòng ngoài, sông Chu tạo thành “vành đai nước” chảy gần như song song với Tây Hồ. Đúng như sách xưa miêu tả “Điện Lam Kinh đằng sau gối đầu vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc”, quả thực là bức hoạ sơn thuỷ hữu tình hiếm gặp và là chốn linh thiêng thoát ly cõi trần ai.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Hơn hai thập kỷ qua, hàng chục dự án, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc đã được triển khai phục dựng tại Khu di tích Lam Kinh như: công trình Chính điện, các tòa Thái miếu, Nghinh môn, sân Rồng, Cầu Bạch, khe Ngọc, giếng cổ... và các công trình bảo vệ các lăng mộ, bia đá, cải tạo cảnh quan thiên nhiên... Trong đó, nổi bật nhất là Chính điện Lam Kinh - công trình được ví như “linh hồn” của khu di tích. Chính điện Lam Kinh được khởi công xây dựng lại năm 2010 trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn; với hơn 2.000m3 gỗ lim được thợ lành nghề thi công trong suốt nhiều năm và các vật liệu từ gạch, ngói các con giống, trang trí diềm mái… hoàn toàn được phục chế theo mẫu, kiểu dáng, màu sắc được phát hiện tại Lam Kinh qua các lần khai quật khảo cổ học. Chính điện được xây dựng với kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc nhà Lê và được các chuyên gia đánh giá là một trong những công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất hiện nay. Nội thất Chính điện hết sức trau truốt, tỷ mỷ, công phu và bề thế, toát lên sự tôn nghiêm, thành kính.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Tại đây hiện đang lưu giữ 5 Bảo vật quốc gia, gồm: bia Vĩnh Lăng (tức bia ghi công đức Vua Lê Thái Tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (tức bia ghi công đức Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (tức bia ghi công đức Vua Lê Thánh Tông), bia Dụ Lăng (tức bia ghi công đức Vua Lê Hiến Tông), bia Kính Lăng (tức bia ghi công đức Vua Lê Dụ Tông). Mỗi bảo vật này không chỉ là một công trình nghệ thuật giàu giá trị, mà còn có thể ví như một “lát cắt” lịch sử phản ánh qua thân thế, sự nghiệp của nhân vật được ghi khắc trên bia, lưu giữ nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử, về truyền thống dân tộc được hình thành từ chiều sâu quá khứ và lưu lại cho mai sau.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Từ nhiều đời trước, Lam Kinh linh thiêng đã là một chốn trở về nguồn cội của người dân đất Việt. Đó là biểu tượng của văn hóa truyền thống dân tộc, là tinh thần tự hào, tự tôn, tự cường dân tộc, đã được nâng lên thành giá trị mới từ thời Hậu Lê và trao truyền cho lớp lớp thế hệ. Ngày nay, Lam Kinh còn là điểm đến du lịch tâm linh - sinh thái hấp dẫn, bởi “khối kiến trúc xanh” tự nhiên, hình thành từ những vạt rừng già cùng khe Ngọc, bởi hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, uy nghi thần thái cung đình.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Từ một phế tích - nạn nhân của thời gian, chiến tranh và sự vô thức của con người, Lam Kinh ngày nay đã hồi sinh diện mạo, xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt. Di tích trọng điểm này đã và đang được các cấp từ Trung ương đến địa phương tập trung bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị nhiều năm trở lại đây. Được quy hoạch với tổng diện tích 200 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, sức hấp dẫn của Lam Kinh không chỉ nhờ các yếu tố hữu hình như cảnh sắc thiên nhiên hài hoà và khu miếu điện, lăng mộ bề thế; mà còn ở yếu tố vô hình là tính thiêng và đặc biệt là tính biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm, cũng như công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt cường thịnh trong quá khứ.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử dân tộc. Dẫu trải qua nắng núi mưa ngàn, Khu di tích chỉ còn lại phế tích. Song với những giá trị lịch sử, văn hoá đặc sắc, lại là một quần thể các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng được xây dựng, bố trí hài hòa và có giá trị lịch sử - văn hoá cao, nên năm 1962 Lam Kinh đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đến ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Lam Kinh là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Từ đó, việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di sản này tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa và của giới khoa học.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Cũng bởi thế, nên thời gian qua với kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được hồi sinh với một diện mạo bề thế, khang trang, là điểm đến tâm linh bậc nhất xứ Thanh, thu hút đông du khách cả trong và ngoài nước. Đó cũng chính là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước ta đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân nhà Lê; vai trò và những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cha ông ta cho muôn đời sau.

[E-Magazine] - Lam Kinh: Công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất xứ Thanh

Nội dung: Nhóm PV CT-XH

Ảnh, Video: PV, TL, Hoài Anh

Đồ họa và trình bày: Mai Huyền

Xuất bản: 5:16:09:2022:11:11

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM