[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Hàng chục căn nhà mọc lên san sát, những cánh hoa đã bung nở, lũ trẻ hồn nhiên vui đùa trong ngôi trường mới. Họ, những nạn nhân của cơn “đại hồng thủy” đã vực dậy, cùng nhau đổi thay một vùng đất mới, một Sa Ná đã hoàn toàn hồi sinh.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Đã một năm trôi qua, tôi chẳng muốn nhắc đến tên địa danh của vùng đất này nữa. Bởi nhắc lại chỉ thêm phần nào những nỗi đau. Sa Ná, cái tên được nhắc nhiều nhất trong trận lũ lịch sử vào tháng 8-2019, nay đã khác. Không còn cảnh hoang tàn, đổ nát. Vùng đất ấy nay đã được khoác lên một màu áo mới, một sức sống mãnh liệt.

51 căn nhà kiên cố ở khu tái định cư mới trên đỉnh đồi Pom Ngồ kể từ khi bàn giao cho người dân đã trở thành một cú hích tinh thần giúp người dân Sa Ná xoa dịu phần nào nỗi đau. Kể từ khi chuyển về nơi ở mới, bà con phấn khởi, vui mừng, ổn định lại cuộc sống.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Chúng tôi ghé thăm Sa Ná khi người dân và chính quyền nơi đây đang gấp rút tân trang lại đường xá, khuôn viên để chuẩn bị cho ngày hội đón nhận quyết định bản Nông thôn mới kiểu mẫu. Đi dọc bản làng, không khí hối hả, niềm vui tràn trề thể hiện rõ trên nét mặt của mỗi người dân nơi đây. Người tưới hoa, người dọn vệ sinh ngõ xóm… tất cả tạo nên một Sa Ná tươi đẹp sau một năm dài đầy biến cố.

Bình minh vừa chớm, vợ chồng ông Ngân Văn Piến (67 tuổi) đã vội vã ra thăm vườn cây trĩu quả. Vừa tháng trước, ông Piến còn mạnh dạn xây thêm 2 bể xi măng để thử nghiệm mô hình nuôi ếch. “Xem trên báo đài thấy mô hình nuôi ếch trong bể xi măng đem lại hiệu quả nên tôi thử nghiệm xem sao. Vừa bắt khoảng 100 con giống mà mới nuôi có 1 tháng nó lớn nhanh lắm. Mấy ngày nay nắng nóng đang phải thay nước liên tục không nó đổ bệnh thì hỏng”. Ông Piến hồ hởi tâm sự.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Ông Piến vốn là người thích nuôi trồng, trước kia tại vùng đất cũ ông cũng có một ao cá lớn nằm cạnh bờ suối. Trận lũ đi qua đã cuốn phăng toàn bộ cơ ngơi của ông. Vừa lên khu tái định cư ông đã bắt tay vào đồng áng, cải tạo vườn tược để sớm thỏa niềm đam mê của mình.

Thấy chồng thích chăn nuôi, bà Ngân Thị Suối (65 tuổi) lại mua thêm đàn vịt, sớm tối hai người ra bờ suối bắt vài con ốc nhỏ cho vịt ăn nhanh lớn. Bà Suối còn “xí” riêng cho mình một khóe đất trống phía hông nhà để trồng rau, hoa màu để tăng gia sản xuất với ông cho có bầu có bạn.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Sa Ná nghèo lắm! Nhiều người vẫn thường hay nhắc đến Sa Ná như vậy. Nhưng, đó là Sa Ná của những năm về trước. Sa Ná bây giờ đã khác, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, bằng sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng, nơi đây nay đã thoát nghèo, những con đường bê tông hóa đang dần được hoàn thiện.

Ông Lương Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết: “Năm ngoái, bản Sa Ná đang còn 37 hộ nghèo trong tổng số 78 hộ. Trận lũ lịch sử cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây. Được các cấp ngành quan tâm, các nhà hảo tâm giúp đỡ, và đặc biệt đó là tinh thần, ý chí của người dân, đến thời điểm hiện tại, 100% các hộ dân ở Sa Ná đã thoát nghèo. Sắp tới, Sa Ná sẽ đón nhận quyết định bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu”.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Còn nhớ, đầu năm 2020, Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có buổi thăm hỏi và tặng quà cho người dân vùng lũ Sa Ná. Ngày hôm ấy, đồng chí Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh và mong muốn bà con Sa Ná phải đoàn kết, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Bên cạnh việc khắc phục khó khăn cần vươn lên phát triển kinh tế, quyết tâm xây dựng bản Sa Ná trở thành bản nông thôn mới kiểu mẫu.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Chỉ 6 tháng sau, Sa Ná đã thực hiện được mục tiêu. Sa Ná là bản thứ 3 của huyện Quan Sơn cán đích nông thôn mới, đặc biệt hơn đó là Nông thôn mới kiểu mẫu. Theo thống kê, cả bản Sa Ná có 331 nhân khẩu. Người dân nơi đây vốn chủ yếu sống bằng nghề nông – lâm nghiệp. Những năm trở lại đây, nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng, người dân tập trung trồng vầu, luồng nên cuộc sống cũng dần được cải thiện. So với năm ngoái, năm nay ước tính thu nhập bình quân 30 triệu đồng/1 người/ 1 năm, tăng 5- 6 triệu đồng/1 người/1 năm.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu tái định cư mới đang rực rỡ những sắc màu, trưởng bản Ngân Văn Thêu, vui vẻ tâm sự: “Chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, nhà nước, và các nhà hảo tâm trong suốt thời gian vừa qua. Sự mất mát đau thương ấy đã khiến người dân nhận một cú sốc lớn. Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình, cả một sự đoàn kết, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ngành. Là người con của bản làng, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để góp phần giúp Sa Ná ổn định, phát triển bền vững như đúng với cái tên bản Nông thôn mới kiểu mẫu”.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Ngược thời gian, Sa Ná ngày ấy là một khung cảnh hoang tàn, đổ nát, oai oán những nỗi đau. Tròn một năm, “vùng đất chết” ấy đã được phủ một màu xanh ngát. Một vườn rau sạch do chính người dân nơi đây chăm sóc đã đến vụ thu hoạch, thế chỗ cho những ngôi nhà đổ nát bên dòng suối Son ngày ấy.

“Để giúp bà con vực lại sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cùng xã, huyện đã quyết định cải tạo lại khu vực bị lũ cuốn trôi làm “vườn rau an toàn”. Vườn rau an toàn sẽ được chia cho 51 hộ dân tái định cư, mỗi hộ 100m2. Kể từ khi có mô hình mới này, bà con rất phấn khởi, tăng gia sản xuất.” Trưởng bản Sa Ná cho hay.

Theo trưởng bản Thêu, thời gian tới, Phòng LĐTBXH huyện Quan Sơn sẽ mở lớp tập huấn, dạy cho bà con Sa Ná về kỹ năng trồng rau an toàn. Bên cạnh đó, tham mưu cho các cấp lãnh đạo mở rộng mô hình này hơn nữa để bà con nơi đây được tăng gia sản xuất, phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp tại địa phương.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Ghé thăm vườn rau, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân đang phấn khởi thu hoạch thành quả sau nhiều tháng gieo trồng, chăm sóc. Chị Vi Thị Như (47 tuổi) vui vẻ, tâm sự: “Mỗi nhà được 100m2 đất để canh tác, chúng tôi rất vui mừng. Từ nay, không phải lo đất canh tác hoa màu nữa. Với vườn rau này chúng tôi chủ yếu trồng các loại rau thông dụng như rau muống, rau dền, mùa nào thức đó để lấy cái ăn hằng ngày”.

Cùng tâm trạng như chị Như, chị Hà Thị Thận (46 tuổi) niềm nở: “Cũng may mà có vườn rau xanh ngát này chứ mỗi lần nhìn bãi đất trống huơ, trống hoác với ngổn ngang đất đá kia thì xót xa lắm. Vườn rau này chính là nguồn sống để chúng tôi nguôi ngoai phần nào mỗi khi đặt chân trở lại nơi vùng lũ đi qua”.

Cơn lũ lịch sử đã khiến nhiều diện tích đồng ruộng của người dân bị cuốn phăng. Gần 25ha đồng ruộng nay chỉ còn một nửa. Những ngày này, trên nương, người dân vùng lũ Sa Ná đang khẩn trương gieo cấy vụ mùa. Họ, những người dân lam lũ trên nương dưới rẫy đã phải mất một năm nghỉ dài để khắc phục nay mới trở về những công việc thường nhật.

Dưới ánh chiều tà, những người nông dân cần lao nơi núi rừng heo hút lại chân lấm tay bùn, người cày ruộng, người làm nương, kết thúc một năm buồn sau cơn “đại hồng thủy” chứa đầy đau thương để gieo mầm cho một ngày mai tươi sáng.

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

[E-Magazine] - Sa Ná hồi sinh sau lũ: Hoa đã nở trên đỉnh đồi Pom Ngồ

Nội dung: Tuấn Kiệt

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Minh Quân

Xuất bản: 2:14:07:2020:10:36

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM