[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Không kể mưa bão hay sóng to gió lớn, không kể ngày hay đêm, những người làm dự báo “tâm trạng” buồn, vui của... ông trời vẫn luôn miệt mài không quản mọi khó khăn, vất vả.

Chúng tôi về Trung tâm khí tượng hải văn và môi trường Sầm Sơn vào những ngày chớm thu, thành phố biển hôm nay không còn tấp nập như trước. Xung quanh, nhiều nhà hàng, khách sạn… cũng bắt đầu đóng cửa, chỉ có những quan trắc viên nơi đây vẫn miệt mài với công việc không quản đêm, ngày.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về nơi đây là khu vực vườn khí tượng. Trong mỗi ca trực, người quan trắc lặng thầm với công việc quan sát hướng gió, đo mưa, đo nắng...

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Chị Lê Thị Tuyết (sinh năm 1983) là người có 15 năm gắn bó với nghề khí tượng thủy văn (KTTV), cho biết: “Nghề của chúng tôi là phải bám trạm, nghĩa là đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ, nghỉ tại trạm, căn phòng này cả 365 ngày luôn sáng đèn bởi lúc nào cũng có người canh và đo đạc số liệu. Công việc bắt đầu từ 6h30’ hàng ngày tại một vườn cỏ đặt các thiết bị, máy móc phục vụ quan trắc khí tượng. Việc đầu tiên của tôi là quan sát mây…”.

Từ số liệu thô, người đo tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ (Đài khu vực). Do vậy, người đo phải cập nhật kết quả liên tục, chính xác đến mức tuyệt đối cả về thời gian lẫn số liệu. Chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Nhiệm vụ của những quan trắc viên ngoài việc đo mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm không khí trên mặt đất, còn phải theo dõi độ lên xuống của thủy triều, sóng biển, nhiệt độ nước biển… Dù làm mảng nào, quan trắc viên cũng phải có mặt trước ca trực từ 30 phút, kiểm tra dụng cụ, sổ sách, khắc phục sự cố trước lúc bắt tay vào việc. Khi các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, dông sét… xảy ra, người quan trắc cũng báo cáo tỉ mỉ thời gian, địa điểm, hậu quả để chuyên gia dự báo kịp thời đưa ra nhận định, khuyến cáo cho người dân.

Theo chị Tuyết, do có đặc thù riêng nên thời gian làm việc của quan trắc viên ở đây được chia thành các khung giờ 1h, 7h, 13h và 19h. “Chúng tôi tiến hành đo và truyền số liệu, bắt đầu từ 1 giờ cho đến tận 22 giờ. Ngày nắng thì không sao, nhưng vào mùa mưa bão, thời tiết bất thường thì tần suất làm việc của mọi người phải tăng lên gấp bội. Trung bình phải quan trắc 30 phút đến 1 tiếng 1 lần, tùy thuộc vào tình hình diễn biến của thời tiết, cứ liên tục như vậy nên nhiều hôm phải nhịn ăn, nhịn uống... là chuyện bình thường.” – Chị Tuyết cho biết.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

“Sợ nhất là những đêm mưa bão và có dông sét, đã nhiều lần đối diện với thời tiết nguy hiểm đó nhưng lần nào mình cũng thấy sợ. Đó là chưa kể đến những lần bị sét đánh vào cột gió rồi theo đường truyền về phòng làm việc, làm hư hỏng số máy móc, điện thoại bàn… Nhiều lúc thấy sợ, nhưng nghĩ mình làm việc trong đất liền không khổ bằng các đồng nghiệp ngoài biển đảo, hay ở vùng sâu, vùng xa thì mọi lo âu tan biến hết”, chị Lê Thị Tuyết bộc bạch.

Ngoài việc quan trắc, hàng tuần họ đều phải vệ sinh máy móc, vườn khí tượng…

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Khác với ban ngày, công việc lúc 1h sáng có thêm công đoạn quan trắc nhiệt độ tức thời và nhiệt độ dưới lòng đất. Có những đêm mưa bão, tất cả nhân viên trong đơn vị đều phải lên ứng trực vì Trung tâm yêu cầu cập nhật số liệu 30 phút một lần.

Mùa bão, nước dâng cao, xuống thấp bất thường, người làm khí tượng hầu như thức trắng đêm, dầm mình dưới mưa gió lấy số liệu truyền đi liên tục để có bản tin dự báo nóng hổi. Bão nhỏ còn đỡ, 2 - 3 người trực 1 ca chứ bão lớn cả cơ quan có mặt 24/24 giờ. Mỗi người đảm nhận một việc, người ghi chép thông số, người đo mực nước, người đó gió, đo mưa... đến khi mưa tan gió tạnh thì mới được nghỉ ngơi.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Vừa nói, chị Tuyết chợt đứng dậy đi lấy vậy gì đó, rồi bảo: “Ca đêm đến, lúc 1h sáng, tôi tiếp tục ra vườn để thực hiện đo nhiệt độ mặt đất. Tôi chuẩn bị sổ, bút và đèn pin bởi vườn quan trắc không có đèn. Vì đã quen với công việc này, nên dù phải ra ngoài một mình lúc nửa đêm nên tôi cũng không thấy sợ”.

Sau khi ra trường, chị Tuyết được phân công công tác tại Trạm khí tượng Hồi Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (cách nhà khoảng gần 200km). Vào thời điểm ấy, không điện, không đường, không bạn bè, người thân, lại đang trẻ nên cũng buồn, cũng nản lắm!

Phải hàng tháng trời mới được về nhà một lần bởi cái nghề của chị lại không được phép nghỉ. Cái tâm trạng nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cả tiếng tàu xe khiến chị nhiều đêm mất ngủ. Có lẽ, chị phải có một tình yêu nghề mãnh liệt lắm mới có thể trải qua từng ấy năm trên vùng núi heo hút, lạnh lẽo ấy.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

15 năm gắn bó với nghề là 14 năm chị phải ở trên núi. Thời điểm đó, để phục vụ cuộc sống, mọi người phải cuốc đất, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà... Với họ, ngoài áp lực công việc, quan trắc viên còn đối diện với sự lẻ loi đến cô độc.

Vốn là người con của chốn thị thành, nhưng sau khi ra trường, anh Nguyễn Danh Lam nhận công tác về huyện miền núi Cẩm Thủy, rồi lại về Thường Xuân và cách đây hơn 1 năm, anh lại được điều động tăng cường về Trạm khí tượng hải văn và môi trường Sầm Sơn. Anh Lam chia sẻ: “Công việc nhẹ nhàng nhưng nguy hiểm lắm, nhất là vào mùa mưa bão. Về Sầm Sơn, dù không còn phải chèo thuyền ra giữa sông nữa nhưng điểm đo mực nước biển lại cách trạm vài km nên việc cập nhật số liệu cũng hết sức nguy hiểm”.

Chưa dứt câu chuyện, anh Lam nhìn đồng hồ bảo: “Đến giờ tôi phải đi rồi”. Rồi anh cầm nhanh cuốn sổ quan trắc đi về hướng đền Độc Cước. Những ngày thường biển hiền hòa là thế, nhưng khi giận dữ thì đáng sợ vô cùng.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Anh nhanh chân lội ra chỗ cây cột đã được dựng sẵn, trên đó chi chít những ký hiệu cùng những con số mà những người ngoại đạo nhìn chẳng hiểu gì. Vừa kiểm tra, anh Lam vừa ghi chép các số liệu vào sổ.

Lúi húi với công việc chừng 15 phút, anh nhanh chân về phòng làm việc để thảo mã điện gửi về Đài khu vực. Mỗi lần như vậy diễn ra trong vòng 30 phút.

Anh cười nói: “Nhìn vậy thôi chứ không đơn giản chút nào. Nếu không cẩn thận, dự báo thời tiết sai thì hậu quả xảy ra rất khó lường. Có những lúc gió to, sóng lớn, cát cuộn tròn, phủ mù mắt không thấy đường đi. Trong khi cứ 30 phút lại có một bản tin nên chúng tôi đành phải nhờ nhà người dân để trú. Dù có sự cố thì cũng phải đảm bảo một giờ truyền tin một lần”.

Với những người như anh Lam, chị Tuyết… họ không nhớ hết được những khó khăn, bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm, sợ hãi, lo lắng trước sự khủng khiếp của thiên nhiên. Đối với họ, khó khăn là chuyện “như cơm bữa”.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11 cũng là thời điểm lúc những quan trắc viên bận rộn nhất vì vào mùa mưa bão. Trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, kể cả mưa bão, nắng nóng gay gắt, thời tiết dị thường, nhân viên khí tượng vẫn phải làm việc liên tục để mang đến những con số chính xác nhất cho công tác dự báo.

Ngay cả những ngày lễ, Tết, họ vẫn lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của đất, trời, sông nước, cho ra bản tin dự báo để mọi người an tâm nghỉ ngơi, du ngoạn. Dù vậy, họ vẫn lạc quan nói rằng, công việc tuy vất vả, nhưng nếu có niềm yêu thích, có đam mê thì sẽ học được nhiều điều rất hấp dẫn về thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống...

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Thanh Hóa có gần 50 trạm quan trắc và điểm đo KTTV được phân bố rộng khắp các vùng, miền trong tỉnh. Trạm cấp 1 thường có 5 -6 cán bộ, cấp 2 khoảng 3 – 4 người, cấp 3 thường 2 người… tùy vào từng khu vực.

Những bản tin dự báo KTTV mà ngành đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất. Dù đảm nhận công việc quan trắc hay xử lý số liệu cho ra bản tin dự báo, họ vẫn luôn cố gắng hết mình để có kết quả chuẩn xác nhất. Những người theo nghề này, ngoài kiến thức chuyên môn, rất cần lòng nhiệt huyết, sự say nghề. Có như vậy, mới có thể vượt qua những khó khăn, vất vả và cả nỗi buồn, sự cô đơn để bám nghề.

[E-Magazine] - Những người “bắt mạch” ông trời

Chia tay họ, chúng tôi thấy cảm phục và biết ơn sự hy sinh thầm lặng ấy!

Nội dung: Hoài Thu

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Minh Quân

Xuất bản: 4:10:09:2020:15:30

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM