(Baothanhhoa.vn) - Xác định rõ công tác y tế dự phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, những năm qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không ngừng nỗ lực, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá trong hoạt động chuyên môn và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng

Xác định rõ công tác y tế dự phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, những năm qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không ngừng nỗ lực, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá trong hoạt động chuyên môn và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng

Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo cơ sở xử lý nguồn nước sau mưa lũ tại huyện Mường Lát.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức của trung tâm có 58 người, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 44% được đào tạo theo đúng chuyên ngành dịch tễ hoặc y học dự phòng. Hàng năm, trung tâm cử các cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thuộc các lĩnh vực xét nghiệm, y học lao động, giám sát xử lý ổ dịch, cán bộ trung tâm đủ năng lực để tiếp nhận, làm chủ tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ứng dụng vào công tác chuyên môn.

Bên cạnh nguồn lực về con người, trong thời gian qua trung tâm đã được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn. Với quan điểm “đầu tư cho y tế dự phòng là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, trung tâm luôn nhận được sự đầu tư về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách địa phương và sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật của Bộ Y tế... Đến nay, trung tâm đã được tiếp nhận nhiều trang thiết bị chuyên ngành như hệ thống máy ELIZA, máy sắc ký khí, máy sắc khí lỏng cao áp, máy UV-VIS, hệ thống máy xét nghiệm sinh học phân tử (PCR, Realtime PCR) và nhiều trang thiết bị chuyên môn khác. Các trang thiết bị này cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ triển khai nhiều kỹ thuật về huyết thanh, miễn dịch để chẩn đoán và phát hiện sớm các bệnh dịch: Cúm A/H1N1, H5N1, sốt xuất huyết, HIV, viêm gan B, C, viêm não B, thương hàn, một số loại độc chất trong thực phẩm... Bên cạnh đó, trung tâm cũng là đơn vị thực hiện các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động, thực phẩm. Hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đáp ứng 100% nhu cầu xét nghiệm, đặc biệt là các ca nghi bệnh dịch xét nghiệm theo chỉ định và đã triển khai được các xét nghiệm dịch tễ chẩn đoán tác nhân gây bệnh dịch như: Cúm, sởi, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết và một số loại vi rút khác; các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như: Tả, lỵ, thương hàn. Trong lĩnh vực xét nghiệm vi sinh vật nước; hóa lý nước và thực phẩm là mảng mạnh của y tế dự phòng. Lĩnh vực quan trắc môi trường lao động, trung tâm đã có các trang thiết bị đo nhanh quan trắc tại thực địa, thiết bị có thể đáp ứng được 120 chỉ tiêu khí cơ bản; phòng xét nghiệm nước đạt 15 chỉ tiêu xét nghiệm nhóm A theo quy định của Bộ Y tế đạt tiêu chuẩn ISO duy trì từ năm 2014 đến nay. Đồng thời, trung tâm đã triển khai được kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, kỹ thuật gen trong chẩn đoán dịch bệnh - là một trong số không nhiều các tỉnh, thành trong nước có thể xét nghiệm chẩn đoán các bệnh: Cúm A, cúm B, sốt xuất huyết; sởi; định lượng được nồng độ vi rút (viêm gan, viêm não Nhật Bản, HIV...); kiểm nghiệm các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động, thực phẩm.

Từ sự lớn mạnh của đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, làm chủ kỹ thuật cao, trung tâm đã đạt nhiều kết quả trong y tế dự phòng. Cụ thể, trong nhiều năm qua, mặc dù trên toàn quốc dịch bệnh hết sức phức tạp, nhưng tại Thanh Hóa, dịch bệnh đã được khống chế tốt, không có dịch lớn xảy ra, không có ca tử vong do dịch. Hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh xuống cơ sở cơ bản đảm đương được nhiệm vụ trong các hoạt động y tế dự phòng: Giám sát, phát hiện, xử lý dịch, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, y học lao động, vệ sinh môi trường, chất lượng nước, môi trường... Với phương châm chủ động, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, khống chế, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai hệ thống giám sát dịch bệnh một cách thường xuyên, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và trao đổi thông tin hai chiều với cơ sở, chủ động giám sát các chỉ số dự báo dịch, phát hiện dịch sớm và xử lý có hiệu quả. Đặc biệt, khi có dịch xảy ra, trung tâm phối hợp kịp thời với cơ sở tổ chức điều tra, xác minh tìm nguyên nhân gây dịch từ đó đề ra các biện pháp bao vây, dập tắt dịch kịp thời, cương quyết không để dịch bùng phát lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, trung tâm chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã tổ chức tốt các điểm tiêm vắc-xin phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, trong năm qua, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: Lao trẻ em, sởi, ho gà, bạch cầu gần như được loại bỏ... Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả, chất lượng ngày càng đi vào chiều sâu...

Để thực hiện chức năng phòng chống dịch bệnh, năm vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành một số văn bản, kế hoạch quan trọng như Kế hoạch phòng chống dịch trên người, kế hoạch chiến dịch tiêm phòng sởi – rubell cho trẻ từ 1-5 tuổi, kế hoạch triển khai vắc-xin ComBE Five thay thế vắc-xin Quinvaxem... Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đặc biệt là trung tâm y tế 27 huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là với các điểm nguy cơ cao và ổ dịch. Hằng năm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện cung ứng kịp thời các loại vắc-xin, vật tư trang thiết bị, hóa chất cho các đơn vị huyện, thị xã, thành phố. Cũng trong năm vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết dengue năm 2018 tại các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo hoạt động tiêm chủng tại cơ sở, triển khai có hiệu quả vắc-xin tiêm phòng bại liệt (IPV) cho hơn 40.000 lượt trẻ trên 5 tháng tuổi an toàn, bảo đảm quy trình tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đạt 96,2%; tỷ lệ phụ nữ có thai trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng phòng uốn ván đạt 86%. Bên cạnh đó, trung tâm tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh không lây nhiễm tỉnh xây dựng các kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tại 25 xã thuộc 9 huyện điểm về quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, thiết lập hệ thống báo cáo tuyến tỉnh/huyện/xã, phối hợp với Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phổi tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho gần 300 xã bước đầu đã được theo dõi, quản lý điều trị, góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện.

Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh dịch; củng cố hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã; nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng trong công tác giám sát, chẩn đoán, xử lý dịch của cán bộ chuyên trách. Đồng thời, tiếp tục đầu tư thêm một số trang thiết bị máy móc mới như sắc ký, phát hiện kim loại nặng, khí độc ở môi trường làm việc của người lao động..., phấn đấu nâng thêm 4 chỉ số quan trắc về môi trường và phát triển thêm các xét nghiệm để có thể nuôi cấy phát hiện, phân lập được vi rút sởi và các vi rút, vi khuẩn khác; trong các chỉ số đánh giá vi khí hậu (ánh sáng, bụi, tiếng ồn...) sẽ phát triển thêm các kỹ thuật, chỉ số mới, từng bước khẳng định năng lực xét nghiệm và độ tin cậy đối với các xét nghiệm, thử nghiệm của đơn vị trong thực hiện các xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ý thức được nhiệm vụ và sứ mệnh đặt lợi ích và sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu, mỗi cán bộ y tế dự phòng luôn quyết tâm phấn đấu phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trở thành một hình ảnh đẹp và gần gũi trong ánh mắt của người dân.

Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ Lương Ngọc Trương

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]