(Baothanhhoa.vn) - Hướng đến mục đích phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-3-2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) thuộc Bộ Y tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triển khai bệnh án điện tử - còn nhiều việc phải làm

Hướng đến mục đích phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-3-2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) thuộc Bộ Y tế.

Triển khai bệnh án điện tử - còn nhiều việc phải làm

Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, từng bước hướng tới triển khai bệnh án điện tử.

Theo đó, từ ngày 1-3-2019, các cơ sở y tế sẽ sử dụng bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh như trước kia. Mục tiêu của việc chuyển đổi bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy sẽ giúp cho bệnh nhân không còn phải vất vả làm các thủ tục KCB; y tá không mất thời gian lưu giữ hồ sơ bệnh án, công tác chẩn đoán, điều trị của các bác sĩ cũng hiệu quả hơn trước đây. Cụ thể, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở KCB. Hồ sơ này phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử. Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Ngay sau khi triển khai thực hiện lộ trình bệnh án điện tử, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc sẵn sàng cho việc áp dụng bệnh án điện tử. Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa là một trong những bệnh viện thực hiện khá nhanh các bước để áp dụng kịp thời đưa bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy ngay từ 1-3. Đến nay toàn bộ bệnh án của bệnh nhân nội trú đã được thực hiện trên hệ thống phần mềm điện tử, giảm được phần lớn về thời gian chờ đợi cho bệnh nhân cũng như tiết kiệm được thời gian cho y bác sĩ trong quá trình làm bệnh án.

Bác sĩ CKII Hà Khánh Dư, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa cho biết: Lộ trình thực hiện bệnh án điện tử được triển khai từ nay đến khoảng năm 2023 mới có thể hoàn thiện, bước đầu chúng tôi đưa vào áp dụng cho bệnh án điện tử đối với bệnh nhân ngoại trú và đã thấy những tiện ích rõ rệt. Nếu như trước đây mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong 1 đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin vẫn còn xảy ra. Thì đến nay, phần mềm bệnh án điện tử sẽ khắc phục được những bất cập đó, thông tin về tất cả các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học, những thông tin này có thể sử dụng làm dữ liệu liên thông cho các bệnh viện, thuận tiện để theo dõi lịch sử bệnh của bệnh nhân để điều trị và chẩn đoán chính xác các loại bệnh.

Còn bác sĩ Phùng Sĩ Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, cho biết: Xác định được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KCB, qua tham khảo và học tập kinh nghiệm tại một số bệnh viện lớn, bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện Minh Lộ trong quản lý và KCB tại các khoa, phòng, giúp cho mỗi cán bộ, nhân viên y tế giảm bớt các thao tác thủ công, rút ngắn quy trình, thủ tục cho bệnh nhân. Từ “máy chủ”, lãnh đạo bệnh viện có thể giám sát hoạt động của bệnh viện một cách toàn diện, từ quy trình KCB đến quản lý nhân sự, tài chính..., góp phần chấn chỉnh, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện đã đầu tư 50 máy tính cho các khoa, phòng để phục vụ thuận lợi hơn cho công việc. Gần 100% khoa phòng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, như: Tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, quản lý xét nghiệm, quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý dược, tài chính kế toán... Mọi thủ tục được kiểm soát chặt chẽ, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho người bệnh, đồng thời tạo sự công bằng cho mọi người khi đến khám và điều trị.

Tiện lợi là như vậy, song việc ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ bệnh án điện tử mới chỉ được triển khai bước đầu tại một số bệnh viện lớn, với phần mềm quản lý dữ liệu riêng. Còn đa phần tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện tuyến huyện vẫn quản lý theo kiểu thủ công, lưu trữ bệnh án giấy và người bệnh đến khám đều phải mua sổ y bạ. Qua khảo sát tại một số bệnh viện, đến nay nhiều bệnh viện vẫn chưa triển khai khám bệnh theo bệnh án điện tử.

Chị Phạm Thị Bông (quê ở Nga Sơn) mang con lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, con chị cùng nhiều bệnh nhân chưa được khám bệnh bằng bệnh án điện tử, vẫn dùng sổ khám bệnh bằng giấy, phải mua sổ khám, lấy số thứ tự và phải chờ khá lâu mới đến lượt khám.

Theo ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, để triển khai được bệnh án điện tử là cả “núi” công việc, cần phải có thời gian, lộ trình. Tại bệnh viện, phiếu xét nghiệm, phiếu siêu âm, phiếu nội soi đều được in trên máy tính, nhưng đây mới chỉ là sử dụng máy tính trong công tác KCB, còn ước mơ bệnh án điện tử thì hầu hết chưa thực hiện được. Bệnh án điện tử hiện chỉ được sử dụng trong nội bộ bệnh viện vì chưa có giải pháp tin cậy để lưu hành liên viện. Nhiều bệnh viện hạng I với số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị mỗi ngày quá tải, thực hiện bệnh án điện tử là rất khó khăn bởi để triển khai còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tập huấn cho cán bộ y tế, và quan trọng nhất là kinh phí để mua hoặc thuê hệ thống phần mềm. Trước mắt cần một khoảng thời gian để lên phương án xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương, thì: Bệnh án điện tử nếu triển khai thành công, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong công tác KCB vì nó công khai, minh bạch, đặc biệt sau này liên thông dữ liệu y tế. Đây là một bước tiến của ngành y tế, hiện bệnh án giấy đang quá nhiều, phải làm thêm phòng để lưu trữ. Nhưng để triển khai bệnh án điện tử được thì cần phải có quy định rõ ràng hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương đã triển khai nối mạng máy tính trong việc KCB, kết nối với cổng thanh toán bảo hiểm y tế. Nhưng để triển khai thực hiện bệnh án trên hệ thống điện tử, lưu trữ trên máy tính thì chưa làm được do còn thiếu về cơ sở hạ tầng, con người. Thực hiện bệnh án điện tử không hề đơn giản. Bên cạnh đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, các bệnh viện cần phải tính đến việc lưu hồ sơ bệnh án như thế nào để bảo đảm hệ số an toàn, bí mật thông tin cho bệnh nhân; chống vi rút ra sao; nếu mất mạng Internet hay hỏng mất dữ liệu thì phải xử lý thế nào... Chủ trương đưa ra bệnh viện sẽ thực hiện, nhưng sẽ triển khai từng phần, làm từng bước một.

Trao đổi với lãnh đạo ngành y tế được biết: Dù có những khó khăn nhất định, song Sở Y tế vẫn quyết tâm sớm triển khai thực hiện đại trà để mang lại thuận lợi nhất cho bệnh nhân và cơ sở KCB. Trước mắt, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng có hiệu quả trong việc đăng ký KCB trực tuyến, quản lý kết quả xét nghiệm, thanh toán viện phí... Điều này sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải, tiến tới xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện trong ngành y tế.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]