(Baothanhhoa.vn) - Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các căn bệnh về phổi. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn “vô tư” hút và chỉ bỏ được thuốc lá khi bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tránh xa thuốc lá để bảo vệ lá phổi của bạn

Tránh xa thuốc lá để bảo vệ lá phổi của bạn

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các căn bệnh về phổi. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn “vô tư” hút và chỉ bỏ được thuốc lá khi bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình nhất là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K, tỷ lệ người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em. Hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ sẽ khiến các em có thể phải gánh chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành, như bị tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

Tháng 11-2019, ông Ng.V.S., ở huyện Quảng Xương ho nhiều, khó thở phải đến Bệnh viện Phổi Thanh Hóa điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán ông có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và khuyến cáo bỏ hút thuốc lá. Thế nhưng khi về nhà, ông vẫn tiếp tục hút thuốc. Tháng 7-2020, ông phải nhập viện lần hai vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông Ng.V.S., chia sẻ: Trước đây, tôi hút thuốc nhiều và không bỏ được. Đến cuối năm 2019, bác sĩ kết luận bị phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh ngày càng nặng nên tôi quyết tâm bỏ thuốc lá dứt điểm. Từ khi bỏ thuốc đến nay, tôi cảm thấy dễ thở hơn, không ho nữa, bệnh giảm nhiều.

Cũng như ông Ng.V.S., ông H.Tr.L., ở huyện Như Xuân từ bỏ thói quen hút thuốc lá khi phát hiện bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhờ phát hiện sớm, bỏ thuốc và điều trị kịp thời, đến nay hơn 10 năm, bệnh của ông vẫn giữ được ổn định ở giai đoạn I. Ông H.Tr.L., cho biết: Tôi bị ho nhiều, mua thuốc uống mãi không khỏi. Ho nhiều mệt, sức khỏe kém, tôi quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Giờ bệnh đã khá hơn nhiều, được điều trị ngoại trú, không phải nằm viện.

Hai ông S. và L. chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp “phải” bỏ hút thuốc lá để điều trị bệnh. Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, mỗi ngày bệnh viện đón tiếp hàng trăm lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số bệnh nhân điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; tăng cường sự quan tâm và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các nghiên cứu và bằng chứng khoa học cho thấy, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi (chiếm hơn hai phần ba tổng số ca tử vong do ung thư phổi). Hút thuốc thụ động (tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín...) cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc... Bỏ thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi (sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc). Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), một tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi người hút thuốc dẫn đến ho, đau ngực và khó thở. Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây ra tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động.

Đáng chú ý, hút thuốc lá thụ động có rất nhiều tác hại đối với hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi; có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Trẻ em hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc COPD do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ. WHO ước tính trên toàn cầu, mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Bệnh lao gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi. Bệnh sẽ trầm trọng hơn ở những người hút thuốc. Với những người hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp hai lần những người không hút thuốc. Ở những người đang mắc bệnh lao, nếu tiếp tục hút thuốc thì sự kết hợp của bệnh lao với các tác hại của khói thuốc lá, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững nhằm giảm tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra, tại các gia đình, cha mẹ và các thành viên khác cần thực hiện các biện pháp để môi trường trong lành không có khói thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái, người thân trong gia đình. Những người đang hút thuốc lá nên quyết tâm bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh, phòng ngừa các bệnh về phổi, tim mạch. Đối với người chưa bỏ được thuốc thì nên tập thói quen hút thuốc xa nơi đông người, tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]