(Baothanhhoa.vn) - Điều 25, Luật Dược có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2005, quy định: Cơ sở chuyên bán thuốc đông y, thuốc từ dược liệu phải do dược sĩ có trình độ trung học trở lên hoặc có văn bằng, chứng chỉ về y học cổ truyền hoặc dược học cổ truyền đứng tên cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thuốc đông y “gia truyền”: Thần dược hay “tiền mất, tật mang”?

Điều 25, Luật Dược có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2005, quy định: Cơ sở chuyên bán thuốc đông y, thuốc từ dược liệu phải do dược sĩ có trình độ trung học trở lên hoặc có văn bằng, chứng chỉ về y học cổ truyền hoặc dược học cổ truyền đứng tên cơ sở.

Một gian hàng bán thuốc đông y tại khu vực suối cá (Cẩm Thủy).

Như vậy, theo quy định, những người kinh doanh thuốc đông y phải có chuyên môn về y, dược. Không thể phủ nhận, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở kinh doanh thuốc đông y thực hiện đúng như quy định, đồng thời sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Song, vẫn còn nhiều cơ sở ngang nhiên kinh doanh thuốc khi người bán không có kiến thức chuyên môn về y, dược và bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khiến nhiều người tiêu dùng lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản là người mua có thể tìm được các trang rao bán thuốc đông y “gia truyền” trên mạng online như: Nhà thuốc Đông y gia truyền Đ.Đ.H đông y gia truyền D.H., đông y gia truyền họ Nguyễn... Theo lời giới thiệu của hầu hết các chủ cửa hàng online này thì thuốc Đông y “gia truyền” tại đây đều là “thần dược”, có thể chữa được nhiều bệnh như: Dạ dày, viêm đại tràng, gan, thận, ung thư, thoái hóa đốt sống, đau nhức xương khớp, viêm xoang, viêm da cơ địa, vô sinh... Người bán không cần giấy phép đăng ký kinh doanh, không cần qua trường lớp đào tạo hay văn bằng, chứng chỉ về y, dược học cổ truyền, không cần phân biệt thật hay giả, chỉ với cái tên “gia truyền”, các “thầy lang online” chào mời khách hàng mua thuốc. Mười người như một, thầy thuốc nào cũng quảng cáo bài thuốc đông y “gia truyền” của mình bằng hình ảnh có thật, có tên người, địa chỉ, số điện thoại, tin nhắn gửi lời cảm ơn của khách hàng khi đã được chữa khỏi bệnh nhờ thuốc.

Người bệnh luôn có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” và chỉ với cụm từ “gia truyền” thôi đã phần nào lấy được lòng tin của họ. Đánh vào tâm lý đó, thầy lang quảng cáo bài thuốc của mình nghe như rót mật vào tai thông qua các cuộc điện thoại hay tin nhắn: “Điều trị dứt điểm”, “Không có tác dụng phụ, không độc hại với cơ thể”, “Hoàn toàn từ thảo dược quý hiếm”, “Không khỏi bệnh sẽ hoàn lại tiền 100%”... Người bệnh không cần thăm khám đã vội tin và đặt sinh mạng của mình cho người bán mà không biết kết quả sẽ ra sao.

Theo dõi một tài khoản có tên L.H trên trang mạng facebook, có địa chỉ thường trú tại huyện Hoằng Hóa, chúng tôi được biết, L.H đã kinh doanh thuốc đông y “gia truyền” hơn 1 năm và đang là đại lý phân phối cấp 2 của hai hãng thuốc: Đông y gia truyền Dung Hà và Đông y Thanh Mộc Hương, có trụ sở tại Hà Nội. Chúng tôi liên hệ với tài khoản này và ngỏ ý muốn mua một số loại thuốc về để chữa bệnh đau răng, đau nhức xương khớp và viêm da cơ địa, người bán hàng tư vấn nhiệt tình với những lời “có cánh” về thuốc mình đang bán: “Em yên tâm, chỉ cần sử dụng 2 đến 3 ngày là em sẽ thấy rõ tác dụng của thuốc, sau một tuần bệnh sẽ khỏi hẳn. Thuốc của chị bán cực kỳ an toàn và hiệu quả”. Qua trò chuyện, chúng tôi biết L.H. đang là một giáo viên dạy toán tại một trường THCS trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và chưa từng được đào tạo qua ngành y, dược. Khi chúng tôi hỏi bằng cấp và giấy phép kinh doanh thuốc đông y, chị nói: “Mình có bán thuốc tây đâu mà cần bằng cấp. Hàng trăm, hàng nghìn người bán thuốc, không phải ai cũng có bằng cấp ngành y, dược, như chị chẳng hạn. Nếu mở cửa hàng mới cần đăng ký kinh doanh”. Khi hỏi giá mỗi loại thuốc như tôi đã yêu cầu, L.H. cho biết, giá 1 hộp thuốc đặc trị xương khớp Dung Hà là 220.000 đồng, thuốc đặc trị các bệnh răng miệng Thanh Mộc Hương là 250.000 đồng, 1 hộp thuốc đặc trị các bệnh về da Thanh Mộc Hương là 180.000 đồng. Đặc biệt, càng mua nhiều giá thuốc sẽ càng giảm. Chúng tôi thắc mắc, tại sao thuốc không bán theo giá cố định mà lại được giảm giá khi mua nhiều sản phẩm, chị L.H. trả lời: “Nếu em mua từ 5 sản phẩm bất kỳ trở lên thì sẽ được tính giá sỉ (giá bán buôn) và mua càng nhiều, chiết khấu càng cao. Đó là quy định của công ty rồi. Nếu em nhập thuốc về bán hay làm cộng tác viên cho chị, em sẽ được chiết khấu phần trăm khá ổn đấy!”. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy mức chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trong bảng giá niêm yết của các công ty thuốc đông y mà L.H. gửi cho tôi. Mỗi một lọ thuốc khi bán cho khách, người bán sẽ được hưởng chiết khấu từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng (lợi nhuận bằng một nửa giá bán lẻ cho khách hàng).

Theo tìm hiểu, nhiều tài khoản trên các trang: Facebook, zalo... cũng mở cửa hàng kinh doanh online thuốc đông y tương tự như tài khoản L.H. Cách thức hoạt động của các cửa hàng này như một dạng kinh doanh đa cấp, càng tuyển được nhiều người bán thì lợi nhuận được hưởng càng cao. Trong quá trình bán, nếu có vấn đề gì thì người bán lẻ làm việc với cấp trên là chi nhánh, chi nhánh làm việc với đại lý cấp 2, đại lý cấp 2 làm việc với đại lý cấp 1... Và ai cũng có thể bán thuốc, không phân biệt trình độ học vấn, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Số vốn bỏ ra chỉ cần vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng là có thể mở một cửa hàng thuốc đông y online.

Thời gian qua, ngoài đông y gia truyền Dung Hà, đông y T.M.H, những cái tên như đông y đa năng bà V., đông y gia truyền Tiến Hạnh, đông y gia truyền bà Đ., đông y gia truyền bà L., đông y gia truyền họ Nguyễn... cũng đã trở nên quen thuộc trên các trang mạng online. Đa số các tài khoản đều quảng cáo rất hay về công dụng của thuốc. Nhiều bệnh nhân phải “ngậm đắng, nuốt cay” khi đã bỏ ra hàng triệu đồng mua thuốc về để chữa bệnh nhưng bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn hoặc có những phản ứng phụ như ngộ độc, dị ứng... Khi hỏi lại người bán, câu trả lời thường nhận được là do dùng chưa đủ liệu trình, không hợp thuốc hoặc dùng không đúng như hướng dẫn, thậm chí là bị chặn liên lạc. Như trường hợp chị Minh Phương (huyện Đông Sơn) là một ví dụ. Chị Phương đã bỏ ra 1.650.000 đồng để mua một liệu trình thuốc chữa bệnh dạ dày được bán trên trang facebook kèm lời cam kết “nếu không khỏi bệnh sẽ được hoàn tiền”. Sau khi uống hết thuốc, bệnh đau dạ dày của chị không có dấu hiệu giảm, thậm chí tần suất các cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Khi liên hệ với người bán, chủ hiệu thuốc online nói rằng: “Chắc do chị không hợp thuốc”, đồng thời bị người bán chặn liên lạc. Chị Phương bức xúc: “Thấy người ta đăng nhiều hình ảnh, tin nhắn phản hồi về hiệu quả của thuốc nên mình tin tưởng mua về dùng. Ai ngờ đã không khỏi bệnh, lại thêm bực mình vì thái độ của người bán, nhưng lỗi cũng do mình nên từ nay ốm đau, bệnh tật cứ đến bệnh viện thăm khám, điều trị cho yên tâm”.

Không chỉ trên mạng online, nhiều cửa hàng, gian hàng trên địa bàn tỉnh, nhiều loại thuốc đông y gắn mác “gia truyền” cũng được bày bán tràn lan. Ví dụ, tại Khu Du lịch suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) có hàng chục gian hàng, ki-ốt lớn, nhỏ dọc hai bên đường vào suối cá bày bán các loại thuốc nam, thuốc dân tộc, thuốc y học cổ truyền đóng gói hoặc bán theo cân. Các sản phẩm được chủ cửa hàng giới thiệu là có thể chữa “bách bệnh”. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ các loại thảo dược nói trên, người bán khẳng định đây đều là những bài thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc. Thành phần là các loại thảo dược quý được hái trên rừng nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu (Hội Đông y huyện Đông Sơn), cho biết: Y học cổ truyền (đông y) có những bài thuốc quý và đã chứng tỏ hiệu quả của nó qua hàng trăm năm nay. Đông y dùng thuốc theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị” - nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Tuy nhiên, người dân tin tưởng vào những lời quảng cáo về các loại thuốc đông y “gia truyền” bán tràn lan trên mạng hoặc tại các cửa hàng và mua thuốc về điều trị bệnh là “đặt cược” tính mạng, sức khỏe của mình cho những may, rủi, không thể lường trước hậu quả.

Mặc dù, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc lớn nào liên quan đến vấn đề người dân tự ý sử dụng thuốc đông y, song ở một số địa phương trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc tràn lan, bảo đảm sức khỏe cho người bệnh thì các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần có những biện pháp ngăn chặn, xử lý những nhà thuốc “gia truyền” không rõ nguồn gốc, những người đang bán thuốc chưa qua đào tạo. Và hơn ai hết, để an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân nên cảnh giác với các loại thuốc “gia truyền” không được sờ tận tay, thấy tận mắt, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]