(Baothanhhoa.vn) - Tự chủ (TC) tài chính được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập, thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các bệnh viện TC đang gặp phải những thách thức, cần quan tâm giải quyết tháo gỡ, để các bệnh viện nâng cao hiệu quả TC trong bối cảnh hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện tự chủ bệnh viện: Những vấn đề phát sinh

Tự chủ (TC) tài chính được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập, thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các bệnh viện TC đang gặp phải những thách thức, cần quan tâm giải quyết tháo gỡ, để các bệnh viện nâng cao hiệu quả TC trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện tự chủ bệnh viện: Những vấn đề phát sinh

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Kết quả bước đầu

Tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án thực hiện cơ chế TC tại các bệnh viện công lập thuộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020. Với mục tiêu xác định cơ chế thực hiện TC về tổ chức bộ máy, giường bệnh, biên chế và tài chính của các bệnh viện công lập, nhằm tăng quy mô giường bệnh, nâng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân và tỷ lệ bác sĩ/vạn dân lên cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Từ đó, giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các bệnh viện; ưu tiên dành nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước sang mục tiêu đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thực hiện theo lộ trình, ngành y tế đã và đang từng bước triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, sắp xếp lại tổ chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường TC, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Bên cạnh đó, ngành đã quyết liệt chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; chỉ đạo thường xuyên tổ chức lấy ý kiến thăm dò sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân; đánh giá chất lượng bệnh viện thông qua các tiêu chí chấm điểm công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chi phí; không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập tổ, phòng công tác xã hội trong các bệnh viện, nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị... Song song với đó, các bệnh viện tăng cường nâng cao chất lượng KCB, phát triển các kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu KCB chất lượng cao ngay từ tuyến dưới.

Từ tháng 8-2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt quy mô giường bệnh và số người làm việc theo cơ chế TC, nâng quy mô giường bệnh lên 1.200 giường bệnh. Theo đó bệnh viện đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đề án vị trí việc làm; ký kết hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn; tăng cường TC về hoạt động tài chính, bảo đảm nguồn thu sự nghiệp phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và các chế độ cho người lao động.

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được biết: Từ nhiều năm nay, lãnh đạo bệnh viện đã xác định tiến tới TC tài chính là quá trình tất yếu. Thực hiện cơ chế TC, tạo ra sự chủ động cho bệnh viện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quản lý và hạch toán tài chính y tế. Do đó trong những năm qua, bệnh viện luôn là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới. Hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được hầu hết các dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng 1 và nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến của bệnh viện hạng đặc biệt như ghép thận, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi tim mạch, lồng ngực, cột sống, khớp, can thiệp mạch vành, mạch não và nhiều dịch vụ kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng hiện đại khác. Chất lượng chẩn đoán, điều trị không ngừng được nâng cao mang lại niềm tin và sự hài lòng cho người bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị y tế không ngừng được đầu tư, nâng cấp bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn huy động hợp pháp khác; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh; cảnh quan môi trường bệnh viện ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp; phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ, viên chức có bước chuyển biến tích cực, lấy người bệnh là trung tâm, sự hài lòng của người bệnh, người dân ngày càng tăng lên.

Tại tuyến huyện, sau một thời gian thực hiện, hầu hết các bệnh viện đã có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Nhiều bệnh viện đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cơ chế TC cũng mở ra cơ hội để bệnh viện kêu gọi xã hội hóa, tuyển dụng viên chức, người lao động và chủ động trong việc mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng bệnh viện. Đặc biệt thực hiện cơ chế TC, nhiều bệnh viện đã và đang tiến tới việc trả lương theo năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng.

Trao đổi với bác sĩ Phùng Sỹ Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, được biết: Hiện nay bệnh viện đã TC được 80% kinh phí. Thực hiện lộ trình đến năm 2021 sẽ TC hoàn toàn, bệnh viện đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức, người lao động về thực hiện cơ chế TC. Từ đó để mỗi cá nhân, tập thể tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tạo chuyển biến tích cực về thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, với phương châm: Lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo chất lượng của bệnh viện. Từng bước hình thành chi trả lương tăng thêm theo hiệu quả công việc. Tùy theo vị trí việc làm và mức độ hoàn thành công việc, mỗi người sẽ có mức thu nhập tăng thêm ngoài lương từ hơn 1 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Riêng đối với bác sĩ, bệnh viện còn xây dựng chế độ khuyến khích riêng theo năng lực. Chính những đổi mới này đã có tác động rất lớn đối với việc thúc đẩy lao động và tạo công bằng trong lao động, nâng cao hiệu quả phục vụ người bệnh. Quan trọng hơn, chất lượng KCB từng bước được nâng cao, nhiều kỹ thuật mới được triển khai giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật tiên tiến tại cơ sở, không phải chuyển tuyến trên điều trị.

Những vấn đề phát sinh

Qua thực tế triển khai cho thấy, việc thực hiện cơ chế TC, tự chịu trách nhiệm đã tạo quyền chủ động cho đơn vị trong quản lý chi tiêu tài chính, từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý ở cấp trên. Đồng thời, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp đã gắn với hiệu quả, chất lượng công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ... Các đơn vị đã chủ động trong việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, tiết kiệm chi phí, tránh chồng chéo; ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế, ban hành các tiêu chí và thực hiện các quy chế đãi ngộ để thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các bệnh viện TC đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Hiện nay, các quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền trong quá trình tổ chức thực hiện và giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh, làm hạn chế tính năng động, sáng tạo và hiệu quả thực hiện TC trong thực hiện nhiệm vụ. Chưa có đầy đủ, đồng bộ các quy định của pháp luật và hướng dẫn thực hiện về hoạt động dịch vụ theo yêu cầu xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Giá dịch vụ y tế hiện hành vẫn chưa tính đầy đủ các chi phí cấu thành, còn tồn tại nhiều biểu giá dịch vụ khác nhau cho các đối tượng BHYT; nhiều dịch vụ mới không có trong quy định của Bộ Y tế gây khó khăn cho các đơn vị trong việc xây dựng giá thu, ảnh hưởng bất cập đến hoạt động hạch toán kinh tế y tế cũng như công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Hoạt động liên doanh, liên kết, thuê tài sản còn nhiều thủ tục rườm rà, cản trở và hạn chế tốc độ đầu tư phát triển so với khu vực ngoài công lập; chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai hoạt động xã hội hóa theo Quyết định 93 của Chính phủ. Việc phân cấp, ủy quyền còn dè dặt, chưa đủ mạnh, chưa trao quyền chủ động thực sự cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, quyết định các hoạt động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư phát triển bệnh viện; thủ tục hành chính qua nhiều cấp, rườm rà dẫn đến hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh và thanh toán chi phí với cơ quan BHXH.

Bác sĩ Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết: Hiện nay, để có thể liên doanh, liên kết hoặc thuê tài sản của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động chuyên môn, các bệnh viện phải thực hiện rất nhiều thủ tục, nhiều đơn vị phê duyệt, dẫn đến thời gian triển khai việc liên doanh, liên kết, thuê tài sản kéo dài. Điều này sẽ gây khó khăn khi các đơn vị thực hiện TC hoàn toàn chi thường xuyên. Bên cạnh đó, đề án TC các bệnh viện công lập do UBND tỉnh phê duyệt mới chỉ quy định về quy mô giường bệnh và số người làm việc, chưa quy định cụ thể thẩm quyền của các bệnh viện về tổ chức bộ máy, nhân sự; tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, việc giao dự toán chi phí KCB BHYT hiện nay chưa sát với thực tế; việc điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương tối thiểu và lộ trình cải cách tiền lương chưa kịp thời cũng tạo ra khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện TC hoàn toàn về chi thường xuyên.

Đối với TC về tài chính, chi phí tiền lương, phụ cấp thủ thuật phẫu thuật, đặc thù, ưu đãi ngành được kết cấu vào giá dịch vụ nhưng quá thấp, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương tối thiểu và lộ trình cải cách tiền lương chưa kịp thời; nguồn thu thấp, không thể cân đối nguồn chi trả chế độ cho người lao động nếu tuyển dụng đủ chỉ tiêu nhân lực cho chăm sóc toàn diện theo quy định. Bệnh viện còn phải thực hiện cân đối nguồn chi cho số giường bệnh vượt mức kế hoạch hàng năm, chi phí chưa được tính vào cơ cấu giá dịch vụ, cân đối bổ sung nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu và các chế độ phụ cấp khác cho người lao động. Chưa có cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể cho việc trả lương theo vị trí việc làm, dẫn đến nguy cơ “chảy máu chất xám” sang khu vực ngoài công lập. Chưa có cơ chế chính sách đồng bộ và hướng dẫn cụ thể về nguồn thu từ dịch vụ KCB khi thực hiện cơ chế TC để bệnh viện đẩy nhanh thực hiện thanh toán điện tử không dùng tiền mặt theo chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và được gửi tại ngân hàng thương mại toàn bộ nguồn thu để có lãi suất tạo nguồn thu hợp pháp, góp phần cải thiện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đảm bảo nguồn lực chăm sóc người lao động chất lượng cao. Mức độ phân cấp, ủy quyền chưa mạnh đối với công tác mua sắm tài sản công, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; còn nhiều thủ tục hành chính, qua nhiều bước, nhiều cấp dẫn đến hạn chế, trì trệ trong đầu tư phát triển và hạch toán kinh tế y tế, dự báo nguy cơ sụt giảm nguồn thu khi TC hoàn toàn chi thường xuyên, khó khăn trong TC tài chính. Chính sách KCB BHYT hiện hành và thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến giao dự toán chi và tổng mức thanh toán hàng năm rất bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và cơ sở y tế. Đối với tổ chức bộ máy, nhân sự, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa thực sự trao quyền TC trong thực hiện TC về tổ chức, bộ máy, nhất là các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cho phù hợp với nhu cầu phát triển và TC thực hiện nhiệm vụ, hạch toán kinh tế y tế...

Đây là những “điểm nghẽn” cần quan tâm giải quyết tháo gỡ để các bệnh viện nâng cao hiệu quả TC trong xu hướng hiện nay.

Thực hiện tự chủ nhưng không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành y tế

Thực hiện tự chủ bệnh viện: Những vấn đề phát sinh

Chủ trương giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công - tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6.

Việc giao quyền tự chủ không có nghĩa là đơn vị phải tự bảo đảm tài chính cho các hoạt động của đơn vị mà phải căn cứ vào khả năng thu của các đơn vị; Chính phủ đã ban hành một số nghị định hướng dẫn trong đó đã quy định rõ việc giao quyền tự chủ về tài chính và phân loại đơn vị sự nghiệp y tế công lập thành 4 nhóm: Nhóm tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư; nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên; nhóm tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và nhóm do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn nếu thu không đủ chi thì ngân sách vẫn phải cấp phần còn thiếu cho đơn vị và giao tự chủ vào nhóm đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc nhóm đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên... Do vậy cần phải hiểu đầy đủ về vấn đề giao tự chủ, có các mức độ tự chủ khác nhau theo quy định của nghị định.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi “diện mạo” của các bệnh viện công. Theo đó, nhiều bệnh viện công phát triển cả về quy mô và chất lượng với cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính; dịch vụ kỹ thuật chuyên môn y tế tại một số bệnh viện ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, bảo đảm an sinh xã hội và từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Trao quyền tự chủ cho các đơn vị khám, chữa bệnh được coi là một chính sách quan trọng và là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế để phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cốt yếu là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả lãnh đạo bệnh viện cũng như nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng của mình. Nếu bệnh viện phục vụ không tốt, nhân viên y tế phục vụ không chu đáo thì người dân sẽ lựa chọn khám, chữa bệnh ở một bệnh viện khác. Bởi hiện nay, ở tuyến huyện, những người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ bệnh viện nào trong cùng tuyến và từ năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và bệnh viện càng rơi vào khó khăn. Vì thế, các bệnh viện cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách gửi đi đào tạo và tự đào tạo ngay tại đơn vị, đặc biệt nâng cao bản lĩnh trong xử trí cấp cứu hay những tình huống khó khi xảy ra trong chuyên môn, hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến, biến cố, đặc biệt là những sai sót do nguyên nhân chủ quan. Xây dựng bệnh viện theo hướng hiện đại, xanh – sạch – đẹp, phù hợp với cơ chế tự chủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện về thực hiện cơ chế tự chủ, từ đó để mỗi cá nhân, tập thể tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; thống nhất về nhận thức, quyết liệt trong hành động, tạo chuyển biến tích cực về thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, với phương châm “lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo chất lượng của bệnh viện”. Thực hiện tự chủ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành y tế.

Tiến sĩ Trịnh Hữu Hùng

Giám đốc Sở Y tế

Cần có những giải pháp hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương

Thực hiện tự chủ bệnh viện: Những vấn đề phát sinh

Được giao thực hiện tự chủ nhưng với những văn bản hiện hành, nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ. Mặc dù chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác KCB bằng BHYT, giao dự toán chi phí KCB chưa sát thực tế, thiếu căn cứ; công tác giám định bảo hiểm y tế còn qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều thủ tục; cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thiếu thống nhất dẫn đến các cơ sở KCB lúng túng và gặp nhiều khó khăn...

Để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả nhất cơ chế tự chủ, cần phải có những giải pháp hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm hoàn thiện và ban hành đồng bộ, cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; cụ thể hóa về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế và những chính sách liên quan áp dụng cho ngành y tế phải khác biệt so với các ngành kinh tế khác, thể hiện được tính toàn diện và những mục tiêu mang tính nhân văn của lĩnh vực y tế; quy định rõ thẩm quyền được phép giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập. Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Nghị định 85/2012/NĐ-CP. Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành đầy đủ các quy định, trình độ chuyên môn, định mức kinh tế kỹ thuật và phương thức thực hiện đồng bộ; thống nhất và hướng dẫn thực hiện giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi đối tượng, KCB theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập; tăng cường trao quyền tự chủ, phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật; linh hoạt trong quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ, sử dụng nguồn nhân lực, thanh toán chi phí KCB BHYT, quy định về đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, nhất là kiến thức quản lý vận hành bệnh viện, quản lý kinh tế cho lãnh đạo các đơn vị trong cơ chế tự chủ.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện, ban hành đồng bộ và hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ theo phân loại của từng đơn vị sự nghiệp y tế công lập; cụ thể hóa về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, ban hành giá dịch vụ y tế kịp thời; có cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho ngành y tế, đặc biệt đối với những đơn vị y tế tự chủ nhóm 1, nhóm 2. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực hoạt động và giao thẩm quyền quyết định cho đơn vị theo quy định của pháp luật; nâng cao tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực sau khi trao quyền tự chủ.

Thạc sĩ, bác sĩ CKII Lê Văn Sỹ

Giám đốc Bệnh viện

Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Còn nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ bệnh viện

Thực hiện tự chủ bệnh viện: Những vấn đề phát sinh

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế “Về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân”, Quyết định 315/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa”. Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa thường xuyên cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, quy chế ứng xử, giao tiếp, nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi vào viện. Đặc biệt trong năm, bệnh viện đã triển khai thêm nhiều những kỹ thuật mới, các dịch vụ mới như: Kỹ thuật tách tiểu cầu từ máu toàn phần, kỹ thuật lập bản đồ nhiễm sắc thể từ máu ngoại vi; các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản như: Sinh thiết phôi (PGS), sinh thiết tinh hoàn (TESE), hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser (AH), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), đông phôi và chuyển phôi ngày 5; phẫu thuật nội soi cắt tử cung, cắt tử cung qua đường âm đạo; giảm đau trong chuyển dạ, giảm đau sau mổ; kỹ thuật chọc ối để sàng lọc và chẩn đoán trước sinh; kỹ thuật thay máu sơ sinh trong các bệnh lý về máu... nhằm phục vụ tốt hơn trong việc chẩn đoán, điều trị và phù hợp với cơ chế tự chủ như hiện nay.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai các dịch vụ theo yêu cầu tại các khoa như: Dịch vụ giường yêu cầu, phòng yêu cầu, mổ theo yêu cầu phẫu thuật viên, các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân. Triển khai thực hiện quản lý thai nghén ngay từ khi mang thai và lập hồ sơ bệnh án quản lý thai nghén đối với tuổi thai trên 32 tuần, tạo điều kiện tối đa nhất cho các sản phụ khi đến khám lần sau cũng như khi phải nhập viện để sinh nở. Quy chế hội chẩn được thực hiện linh hoạt hơn góp phần rút ngắn thời gian điều trị. Bệnh viện đã từng bước cải cách các thủ tục hành chính, thủ tục ra vào viện theo hướng nhanh gọn, thuận tiện cho người bệnh nói chung và bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT nói riêng. Tiếp tục thực hiện Thông tư 07/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện”. Bệnh viện đã ban hành “Quy định, quy trình kỹ thuật điều dưỡng cơ bản và chuyên khoa sản, sơ sinh”. Người bệnh đến khám và điều trị luôn được tư vấn, hướng dẫn và chăm sóc đầy đủ về công tác điều dưỡng. Bệnh viện thường xuyên mở các lớp chăm sóc trước sinh cho các sản phụ đang điều trị tại bệnh viện. Làm tốt công tác chăm sóc toàn diện ở một số khoa như: Hồi sức cấp cứu sản, gây mê hồi sức, hồi sức tích cực sơ sinh. Triển khai thực hiện tốt chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Sử dụng thuốc an toàn hợp lý, thuốc được cấp phát tới tay người bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của bệnh viện được xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa tạm thời để sử dụng. Bên cạnh đó, do bệnh viện đang có công trình xây dựng nên một số khoa, phòng phải dồn ghép cùng các khoa, phòng khác. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của bệnh viện. Bệnh viện đang thực hiện theo lộ trình tự chủ (Nghị định 16/2015/NĐ-CP). Theo đó năm 2020 bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính đối với chi thường xuyên, điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống cũng như tâm lý chung của CBVC-NLĐ trong bệnh viện đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các bệnh viện như hiện nay kể cả với các bệnh viện trong và ngoài công lập. Nhiều trang thiết bị, dụng cụ đang sử dụng đã cũ, giá trị sử dụng không cao trong khi một số trang thiết bị mới, hiện đại chỉ được đầu tư mua sắm khi rất cần thiết cũng làm hạn chế khả năng thăm dò, chẩn đoán và phát triển thêm các kỹ thuật mới, hiện đại. Bệnh viện Phụ sản là bệnh viện chuyên khoa, không có đăng ký khám BHYT ban đầu nên bệnh nhân đến hầu hết là những bệnh nhân nặng của các tuyến dưới, bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu và một phần nhỏ bệnh nhân đến khám và điều trị theo yêu cầu, trong khi nguồn kinh phí phân bổ cho khám, chữa bệnh của bệnh viện thấp hơn rất nhiều so với bệnh viện có cùng số giường bệnh và cùng hạng bệnh viện. Đây cũng là vấn đề khó khăn trong thực hiện tự chủ đối với bệnh viện.

Bác sĩ CKII Võ Mạnh Hùng

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]