(Baothanhhoa.vn) - Ngày 30-5-2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện điều chỉnh giảm giá các dịch vụ y tế: Tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT

Ngày 30-5-2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Theo đó, Thông tư số 15/2018/TT-BYT được ban hành thay thế Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-7-2018, áp dụng đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình khám, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, có tổng cộng 88 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) được điều chỉnh về giá, trong đó có 70 DVKT được điều chỉnh giảm từ 5% đến 24%, bao gồm: Giá khám bệnh, giá ngày giường và giá các loại xét nghiệm; 9 DVKT điều chỉnh tăng khoảng 5%, là giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu; đồng thời bổ sung thêm 9 DVKT mới sẽ được BHXH thanh toán.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư 15 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Đồng thời khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết... để bảo đảm cân đối quỹ BHYT.

Ông Lê Hữu Uyển, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế, cho biết: Việc ban hành Thông tư 15 được kỳ vọng sẽ phần nào kiểm soát tình trạng lạm dụng quỹ BHYT hiện nay. Chẳng hạn như nội soi tai mũi họng là DVKT tăng đột biến khi được tăng giá ở Thông tư 37 trước đó, tại Thông tư 15 giá dịch vụ này giảm mạnh nhất từ 203.000 đồng xuống 100.000 đồng; giá một lần chụp cắt lớp vi tính, chụp mạch, cộng hưởng từ CT Scanner 64 dãy đến 128 dãy có thuốc cản quang giảm từ 2.266.000 đồng xuống 1.689.000 đồng... Đó là 2 trong số các dịch vụ có tần suất khám, chữa bệnh thường xuyên được giảm giá tới 50%; còn lại, gần 70 dịch vụ và kỹ thuật, xét nghiệm bình quân giảm từ 6-24%... điều này giúp người dân giảm chi phí khám, chữa bệnh, song nguồn thu của các bệnh viện vì thế cũng giảm theo.

Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, Thông tư 15 có thêm 12 điều cụ thể hóa giúp các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc thanh toán BHYT được thuận lợi hơn và không phải bàn cãi thắc mắc như trước đây. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá các DVKT thường xuyên sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Là bệnh viện hạng 1, tiền khám trước đây theo Thông tư 37 là 39.000 đồng thì theo Thông tư 15 giảm xuống còn 33.000 đồng, kèm theo các DVKT thông thường cũng giảm giá, như vậy với 800 - 1.000 bệnh nhân khám một ngày thì nguồn thu giảm đi cũng không ít, phần nào tác động đến quá trình tự chủ của đơn vị, ảnh hưởng đến tái đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, bởi việc điều chỉnh giảm giá DVKT chắc chắn sẽ làm cho các khoản thu của bệnh viện giảm đáng kể. Tuy nhiên cho dù là giá dịch vụ tăng hay giảm, thì đối với các bệnh viện, việc sống còn vẫn là bảo đảm và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương cũng cho biết: Mỗi năm bệnh viện thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng hơn 100.000 lượt người bệnh ngoại trú, điều trị nội trú cho hơn 18.000 lượt với hơn 4.000 ca phẫu thuật từ loại III trở lên. Vì vậy, khi áp dụng Thông tư 15 nguồn thu của bệnh viện giảm. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-7, hệ số lương cơ bản của nhân viên bệnh viện tăng lên, đây là niềm vui cho người lao động. Tuy nhiên, bệnh viện phải tự trả phần lương tăng thêm này, nên việc áp dụng Thông tư 15 tại thời điểm này khiến cho bệnh viện sẽ phải tính toán lại về khoản tài chính, thu - chi sao cho hợp lý; đồng thời vẫn chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, tập trung bảo đảm đời sống cho nhân viên.

Về việc giảm giá các DVKT khiến các bệnh viện giảm nguồn thu, ông Lê Đình Đào, Trưởng Phòng Giám định Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho rằng, việc điều chỉnh giá lần này của Bộ Y tế là do sau một thời gian thực hiện Thông tư 37, năm 2015 về giá dịch vụ nhận thấy có nhiều điểm không hợp lý trong việc xây dựng giá. Thêm vào đó, phần lớn các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm có sự biến động lớn trong sử dụng chỉ định dịch vụ, nhiều cơ sở y tế đã sử dụng không hợp lý. Chủ trương của ngành y tế là tăng thêm giường bệnh khi quá tải, nhưng trong quá trình thực hiện nhiều nơi đã tăng quá mức vượt hơn 100%, ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Vì vậy việc điều chỉnh giá lần này hy vọng sẽ giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết, góp phần cân đối nguồn quỹ BHYT. Thông tư này còn bổ sung các điều kiện thanh toán BHYT rõ ràng, kể cả bệnh viện công lập lẫn tư nhân. Thực tế đang có hơn 17.000 dịch vụ y tế, vì vậy lần sửa đổi này vẫn chưa phải là cuối cùng. Thông tư 15 đi vào thực tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh viện, vì thế các cơ sở y tế cũng phải có biện pháp quản lý hữu hiệu để cân đối kinh phí trong bệnh viện, nhưng vẫn bảo đảm chăm sóc tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ là người có thẻ BHYT.


Hà Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]