(Baothanhhoa.vn) - Những ngày nắng nóng, không ít gia đình đã tìm đến các bể bơi để giải nhiệt. Tuy nhiên, do số lượng bể bơi ít, trong khi nhu cầu của người dân lại tăng cao nên các bể bơi luôn trong tình trạng quá tải, đã kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn nguồn nước cũng như chất lượng các công trình bể bơi hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thả nổi vấn đề vệ sinh tại các bể bơi

Những ngày nắng nóng, không ít gia đình đã tìm đến các bể bơi để giải nhiệt. Tuy nhiên, do số lượng bể bơi ít, trong khi nhu cầu của người dân lại tăng cao nên các bể bơi luôn trong tình trạng quá tải, đã kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn nguồn nước cũng như chất lượng các công trình bể bơi hiện nay.

Một bể bơi tại huyện Hoằng Hóa.

Hai tuần gần đây, cứ tầm 17h sau khi hết giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Mai, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) ngược xuôi tìm đến các bể bơi công cộng quanh khu vực để khảo sát và lựa chọn bể bơi cho con trai năm nay học lớp 3. Mặc dù mất nhiều thời gian lựa chọn nhưng chị Mai chưa thật ưng ý bể bơi nào bởi theo chị, chỗ đắt quá thì không đủ điều kiện, chỗ rẻ lại không yên tâm. Lý giải về hiện tượng mỗi nơi một giá vé, anh Nguyễn Văn Đức, ban quản lý bể bơi tại phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho hay: Các bể bơi thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố thường có giá vé rẻ hơn. Với những bể bơi có giá đắt hơn thường do các doanh nghiệp hoặc tư nhân khai thác và quản lý. Giá vé của các bể tư nhân bao gồm cả chi phí vận hành bể bơi, như: Thay nước, vệ sinh bể bơi hằng ngày, các chi phí về cơ sở vật chất và trả lương cho nhân viên... Tuy nhiên, anh Đức cũng thừa nhận có hiện tượng các bể bơi không tuân thủ các quy định an toàn và vệ sinh nước hằng ngày. Có bể nhân viên chỉ rắc hóa chất, sục khí clo để làm sạch nước. Nhiều bể, nước cũ hàng tháng trời lưu lại trong bể, trong khi mật độ người tắm đông, cộng với hiện tượng một số người bơi tiểu tiện trong bể khiến các bể bơi này không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe người bơi... Anh Đinh Thế Anh, một khách bơi tại bể bơi ở phường Điện Biên cho hay: Chiều nào anh cũng dẫn con trai đi bơi tại bể bơi khách sạn Sao Mai. Mọi người thường bảo nhau rằng, bể nào vé rẻ là bể đấy nước bẩn nên cứ đi tìm bể vé vào bơi đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi để bơi cho yên tâm. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, đã là bể bơi công cộng thì chẳng có bể bơi nào sạch, không có căn cứ để nói vé cao mới sạch còn vé rẻ phải tắm nước bẩn. Chẳng qua, những bể bơi có giá vé cao hơn là do tư nhân quản lý vận hành, họ phải chi phí nhiều hơn như thuê địa điểm, nhân công, xử lý nước... còn những bể có giá rẻ hơn là do Nhà nước quản lý, hiểu nôm na là được bao cấp một phần nên mới có giá rẻ.

Khảo sát một vòng qua một số bể bơi trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Bể bơi Trường Cao đẳng Thể dục - Thể thao; bể bơi Trường THPT Đào Duy Anh; bể bơi tại các Khách sạn Thiên Ý, Lam Kinh, Mường Thanh, Sao Mai... chúng tôi nhận thấy, hầu hết các bể bơi đều trong tình trạng quá tải. Những người quản lý tại các bể bơi cho biết, những ngày nắng nóng vừa qua, trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm lượt người vào tắm, bơi. Giá vé cho người lớn 30.000 đến 70.000 đồng/lượt, trẻ nhỏ 25.000 đến 40.000 đồng/lượt (tùy từng cơ sở). Học bơi, giá 700 – 1.500.000 đồng/khóa. Có 2 thời điểm để người bơi lựa chọn: 5 - 7h sáng và 17 - 19h, tuy nhiên, thời điểm buổi chiều vẫn là đông nhất. Khi tìm hiểu về nguồn nước cấp cho các bể bơi, anh Nguyễn Văn Hòa, huấn luyện viên bơi tại bể bơi di động, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cho biết, nước trong bể bơi chủ yếu là bơm từ nước máy, giếng khoan bơm lên. Công tác khử nước ở bể bơi thường dùng chất clo và bể lọc tuần hoàn. Khi được hỏi về cơ quan quản lý chất lượng, quy chuẩn bể bơi, người quản lý bể bơi trả lời chung chung là chưa thấy có ai kiểm tra. Khi được hỏi đến chất lượng bể bơi, hầu hết ban quản lý các bể bơi đều khẳng định: “Nước sạch, bể được thau rửa thường xuyên”.

Tuy nhiên, tìm hiểu tại một số hộ dân sống cạnh các khu vực có bể bơi hầu hết họ đều phản ánh là rất ít khi thấy các cơ sở thau bể và nước trong các bể bơi luôn trong tình trạng sặc mùi clo. Chị Nguyễn Thùy Linh, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn cho hay: “Mùa hè nắng nóng, tôi thường cho bọn trẻ đi học bơi, vừa để rèn luyện sức khỏe và cũng đề phòng nguy cơ rủi ro. Quanh khu vực nhà tôi có một vài bể bơi công cộng từ bể bơi ngoài trời đến bể bơi trong nhà. Tuy nhiên, điểm chung của các bể là nồng nặc mùi clo, rất khó chịu. Người lớn bơi quen rồi thì không sao chứ như bọn trẻ nhà tôi mới học chỉ bơi được khoảng 15-20 phút”. Anh Trần Văn Phúc, nhân viên cứu hộ bể bơi tại thị xã Bỉm Sơn tiết lộ: “Các bể bơi công cộng đều tiến hành vệ sinh bể trong đêm khi không có người đến bơi. Bể nào đông thì chục ngày thay nước một lần, bể vắng thì lâu hơn. Việc thay nước thường xuyên rất tốn kém và mất thời gian (mỗi lần thay nước cũng mất gần chục triệu đồng) nên chủ các bể bơi đã nghĩ ra cách “nhuộm” xanh nước bằng các hóa chất như clo, đồng sunfat để làm vừa lòng các “thượng đế” với mức giá tùy theo nhà sản xuất, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg. Như vậy, thay vì xử lý nước bể bơi với các khâu: Dọn vệ sinh, thay nước bể bơi, diệt rêu tảo... thì nay chỉ cần một ít bột đồng sulfat sục trong khoảng 10 phút là xong.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 213 bể bơi, tập trung nhiều tại các huyện, thành phố như: TP Sầm Sơn (155 bể), huyện Hoằng Hóa (15 bể), TP Thanh Hóa (11 bể). Tuy nhiên, hiện chỉ có 10% trong tổng số các bể bơi được cấp phép hoạt động. Theo tiêu chuẩn nước bể bơi do Bộ VHTT&DL quy định, các bể bơi phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất; chỉ số clo dư cho phép trong bể bơi từ 0,4 - 0,8ppm (tương đương 0,4 - 0,8 mg/lít). Hóa chất clo dư thừa, đồng nghĩa với vi trùng, vi khuẩn như vi trùng mủ xanh, nấm có điều kiện sinh sôi và gây bệnh... Tìm hiểu được biết, để sát trùng loại bỏ các vi khuẩn có hại, diệt rêu tảo và nhiều chất ô nhiễm trong nước khác, thay vì thay nước thường xuyên thì hầu hết các bể bơi công cộng sử dụng các loại hóa chất để xử lý nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có máy móc để xét nghiệm nguồn nước, cũng như chưa có bất kỳ cơ sở bơi lội nào gửi mẫu nước hoặc bị các cơ quan chức năng lấy mẫu nước để đi xét nghiệm. Cũng theo quy định của Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL, mật độ người bơi tại các bể bơi là 1 người bơi/m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1 m), hoặc 1 người/2 m2 ở khu vực nước sâu (ở độ sâu từ 1 m trở lên). Thế nhưng, trong những ngày nắng nóng, hầu hết các bể bơi đều trong tình trạng quá tải. Ví như, bể bơi Trường Cao đẳng Thể dục - Thể thao rộng khoảng 100m2 nhưng những ngày nắng nóng hoặc cuối tuần lượng người đến đây mỗi ngày lên đến hàng trăm lượt, tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với quy định... lượng người quá đông sẽ dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm do lượng chất thải từ người đi bơi. Thực trạng này sẽ khiến cho nồng độ vi khuẩn trong nước cao hơn mức cho phép, dễ gây ra các phản ứng về da. Nguy hiểm hơn, nếu như nguồn nước không được kiểm tra về việc đảm bảo vệ sinh thì đây chính là môi trường phát tán mầm bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến da và hô hấp. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ quan nào kiểm tra số lượng người đi bơi tại các hồ bơi nên vấn đề tuân thủ các điều kiện đảm bảo các quy chuẩn, quy định gần như bị thả nổi.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ da liễu, việc lạm dụng, sử dụng hóa chất không đúng cách, quá liều lượng có thể gây hại cho sức khỏe và làn da con người. Phổ biến là gây nhờn trên da phải rửa kỹ bằng nước sạch mới hết, nặng hơn là dị ứng, mẩn ngứa, đỏ rát. Riêng sulfat đồng khi nuốt vào cơ thể gây viêm đại tràng, dạ dày, ảnh hưởng gan, hô hấp... Ngoài ra, bể bơi công cộng là nơi tập trung nhiều người, mọi thành phần, mọi đối tượng, trong đó có cả những người đang mắc các bệnh ngoài da hoặc nhiễm khuẩn sinh dục tiết niệu, bệnh về mắt... Vi khuẩn gây bệnh hòa lẫn vào nước, phát tán truyền nhiễm, gây hại cho những người khỏe mạnh.

Để đảm bảo an toàn cho người đi bơi, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của các bể bơi, xử lý nghiêm các bể bơi không đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Người đi bơi cũng cần tránh những bể bơi nước vẩn đục, có mùi hóa chất nặng, số người bơi nhiều. Trước khi xuống bể bơi, cần tắm rửa sạch sẽ để hạn chế mồ hôi, các loại mỹ phẩm gây ô nhiễm nguồn nước và phải có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]