(Baothanhhoa.vn) - Bệnh dại thường có xu hướng tăng cao vào mùa nắng nóng, vì vậy ngành y tế đã triển khai các biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trong mùa hè

Bệnh dại thường có xu hướng tăng cao vào mùa nắng nóng, vì vậy ngành y tế đã triển khai các biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh này.

Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trong mùa hè

Người dân đăng ký tiêm vắc-xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dại, tuy nhiên bệnh có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tại Thanh Hóa, hàng năm tuy không có vụ dịch lớn về bệnh dại trên động vật xảy ra, nhưng trên thực tế bệnh dại trên chó, mèo vẫn xuất hiện rải rác, số người bị chó, mèo nghi bị bệnh dại cào, cắn phải đi tiêm phòng vắc-xin, huyết thanh kháng dại ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 18 ca tử vong do mắc bệnh dại. Những ca này đều chủ quan khi bị chó cắn đã không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, ngành y tế đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết nghi bệnh dại để nhân dân không hoang mang, chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh dại trên người và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong toàn ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại trên người. Rà soát, xem xét điểm tiêm vắc-xin dại, đảm bảo cung ứng vắc-xin phòng dại để tiêm cho người dân khi có nhu cầu. Giám sát tất cả các trường hợp người bị nhiễm vi rút bệnh dại đến khám và điều trị tại điểm tiêm vắc-xin, thống kê theo dõi đầy đủ các thông tin về tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên tâm lý người dân khi bị chó cắn vẫn còn e ngại khi tiêm phòng loại vắc-xin và huyết thanh phòng bệnh dại; vẫn còn một bộ phận người dân lơ là, không chủ động trong việc tiêm phòng vắc-xin dại cho vật nuôi của gia đình.

Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật. Vắc-xin phòng dại hiện nay có rất nhiều loại được cung ứng bởi các nhà cung cấp từ Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc đều bảo đảm đúng tiêu chuẩn của vắc-xin theo Tổ chức tiêm chủng toàn cầu, đều an toàn, bảo đảm hiệu quả phòng chống bệnh dại nếu tiêm kịp thời.

Từ nay đến tháng 9 là thời điểm thuận lợi cho bệnh dại phát sinh. Nguy cơ bệnh tiếp tục xuất hiện rất cao, nhất là khi công tác quản lý đàn chó, mèo tại nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt. Bởi vậy, tiêm vắc-xin và tuân thủ lịch tiêm là khuyến cáo của ngành y tế với những trường hợp bị chó nghi dại cắn. Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, người dân phải rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Mọi người cần hạn chế làm dập vết thương, không băng kín vết thương; đồng thời đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]