(Baothanhhoa.vn) - Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2019, tất cả các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Cơ sở nào không kết nối được coi như chưa cấp phép, buộc đóng cửa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ kết nối dữ liệu đạt rất thấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc: Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2019, tất cả các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Cơ sở nào không kết nối được coi như chưa cấp phép, buộc đóng cửa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ kết nối dữ liệu đạt rất thấp.

Quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc: Vẫn còn nhiều khó khăn

Tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu tại các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Khả Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư y tế Nhật Quang, cho biết: Hiện các quầy thuốc của công ty đều đã kết nối liên thông dữ liệu. Việc kết nối này giúp ích rất nhiều trong quản lý nguồn gốc xuất xứ các lô thuốc nhập của công ty dựa trên dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, do dữ liệu dược quốc gia về các loại thuốc chưa đầy đủ, dữ liệu giữa quầy thuốc với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) chưa đồng bộ, nên quá trình nhập dữ liệu cũng như thực hiện bán thuốc theo đơn gặp khó khăn.

Theo một số nhà thuốc, nhiều loại thuốc bán phổ biến trên thị trường nhưng vẫn chưa có tên, hình ảnh trong dữ liệu dược quốc gia. Hiện phần lớn bác sĩ kê đơn ở các cơ sở KCB Nhà nước, do đó, để có 1 đơn thuốc cho một bệnh nhẹ, người dân lại phải tìm đến cơ sở y tế với các thủ tục chờ khám, xét nghiệm rất mất thời gian, nên phần lớn người mua thuốc không có đơn. Các cơ sở KCB chưa kết nối liên thông với các cơ sở bán lẻ thuốc trong tỉnh, khi kê đơn, theo tâm lý, người bệnh hầu hết mua thuốc trong nhà thuốc bệnh viện, rất ít người cầm đơn ra các nhà thuốc khác để mua, nên việc tiếp cận đơn thuốc của các nhà thuốc ngoài bệnh viện rất khó khăn. Trong khi đó, các quầy thuốc trên địa bàn vẫn chưa kết nối liên thông dữ liệu, dẫn đến cạnh tranh trong kinh doanh, bắt buộc các nhà thuốc vẫn bán thuốc không có đơn.

Qua khảo sát tại một số nhà thuốc trên địa bàn tỉnh, tình trạng bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn thuốc vẫn diễn ra phổ biến. Chị L.T.D chủ nhà thuốc trên địa bàn TP Sầm Sơn cho biết: Hơn 9 tháng nay đã liên thông kết nối, nhưng gặp nhiều khó khăn. Vì khách hàng đến mua thuốc có đơn thuốc của bác sĩ không nhiều...

Còn theo “thổ lộ” của chị H.T.M, chủ một nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP Thanh Hóa: Mặc dù đăng ký tài khoản liên thông kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia đã hơn 9 tháng nay nhưng việc này chỉ là hình thức. Theo quy định bán thuốc kê đơn phải khai trên hệ thống, tuy nhiên nếu theo đơn có khi cả tuần chỉ được vài đơn. Tâm lý chung của người dân là ngại đến bệnh viện; hắt hơi, sổ mũi hay viêm họng là đến hiệu thuốc mua vài viên kháng sinh về uống. Dù kháng sinh là thuốc kê đơn nhưng nếu mình từ chối bán vì không có đơn thuốc thì “khách hàng” sẽ lại đi quầy thuốc khác mua và như thế sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng, nên vẫn phải “chiều” khách hàng.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.101 cơ sở kinh doanh dược, 98 cơ sở bán buôn thuốc đạt chuẩn GDP, 3.168 cơ sở bán lẻ thuốc đạt GPP (trong đó có 386 nhà thuốc và 2.782 quầy thuốc), 563 tủ thuốc trạm y tế (không tính 71 trạm y tế phường, thị trấn). Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về dược đã được chú trọng, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống bán lẻ thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc trên địa bàn toàn tỉnh được quan tâm; các cơ sở đã chú trọng củng cố về hạ tầng công nghệ thông tin để bán hàng và có thể truy xuất được nguồn gốc hàng hóa.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” theo Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 7-9-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, nhằm tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế, ngành y tế đã phối hợp với UBND các địa phương tuyên truyền, vận động, yêu cầu, hướng dẫn các quầy thuốc, nhà thuốc cài đặt, sử dụng phần mềm kết nối liên thông nhà thuốc; thành lập tổ công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông, thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối của các nhà thuốc và việc kê đơn thuốc, giá bán kê đơn; mở các lớp tập huấn nhằm phổ biến tới các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh về chủ trương thực hiện nghiêm túc việc bán thuốc phải có đơn chỉ định của bác sĩ; tổ chức hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn cài đặt kết nối mạng cho các đơn vị cung ứng thuốc... Tuy nhiên việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa thực sự nghiêm túc; hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu tại các cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động không thường xuyên; việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống dược quốc gia phần lớn các cơ sở đang thực hiện mang tính đối phó; tình trạng thuốc phải bán theo đơn nhưng không có đơn vẫn bán khá phổ biến.

Trao đổi với ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế được biết, với mục tiêu hướng tới là tất cả các cơ sở bán buôn thuốc phải kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm tin học, thực hiện kết nối mạng, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Việc triển khai kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc sẽ góp phần đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ưu điểm khi kết nối sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc cũng như việc bán thuốc kê đơn rất rõ ràng. Đó là cho phép nhà thuốc truy xuất nguồn gốc của thuốc; hạn chế trường hợp thuốc không rõ nguồn gốc; việc xuất, nhập kho bán hàng được nhà thuốc thực hiện dễ dàng, thuận tiện; kiểm soát tốt sản phẩm thuốc tồn kho. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn rất nhiều trong thực thi nhiệm vụ. Đối với người bệnh, sẽ kiểm soát giá thuốc; tra cứu thông tin thuốc, truy xuất hóa đơn bán thuốc, truy xuất hạn sử dụng cho từng lô thuốc; cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả, từ đó hạn chế dần tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý tiềm ẩn nguy cơ mắc các chứng bệnh khác...

Tuy nhiên, công tác quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do các cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin, tăng khối lượng công việc khi thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh bằng phần mềm... Bên cạnh đó một số quầy thuốc, trình độ cập nhật thông tin trên hệ thống máy tính còn hạn chế nên dù có cài phần mềm cũng không sử dụng; ý thức chấp hành chưa đầy đủ nên tỷ lệ cập nhật dữ liệu đạt thấp. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các nhà thuốc chưa cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối theo đúng lộ trình bởi đây là quy định bắt buộc để cơ quan quản lý kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra, hạn chế tình trạng bán thuốc không có đơn. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo thẩm quyền.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]