(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, mạng lưới y, dược tư nhân đã và đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là những sai phạm, tái phạm trong hoạt động này cũng ngày càng nhiều hơn. Hàng loạt các phòng khám không phép ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương đến đâu?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng khám không phép “vô tư” hoạt động

Phòng khám không phép “vô tư” hoạt động

Chưa có biện pháp hữu hiệu để dẹp bỏ khiến nhiều phòng khám không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Những năm qua, mạng lưới y, dược tư nhân đã và đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là những sai phạm, tái phạm trong hoạt động này cũng ngày càng nhiều hơn. Hàng loạt các phòng khám không phép ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương đến đâu?

Phòng khám không phép “mọc” như nấm

Dọc những trục đường phố chính, khu đông dân cư, ở các huyện, thị xã, thành phố... mọc lên nhiều phòng khám, nhà thuốc trên biển hiệu không hề ghi giấy phép hoạt động theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, nhiều cơ sở không đủ điều kiện để hoạt động theo quy định. Ví dụ, quy định về việc mỗi phòng khám phải có diện tích tối thiểu khoảng 40m2, được phân thành 3 khu vực riêng biệt để tránh “lây nhiễm chéo” (gồm phòng chờ, khu khám bệnh và khu vực làm các thủ tục chuyên môn). Đó là chưa kể, phòng khám phải có các thiết bị chuyên dùng; đặc biệt, phải có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề..., hợp đồng thu gom rác thải y tế, hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, nhiều phòng khám không đáp ứng các tiêu chí này.

Khảo sát tại xã Hoa Lộc (Hậu Lộc) mới đây, chúng tôi đã phát hiện vẫn còn 2 phòng khám răng không phép đang hoạt động, trong đó có 1 cơ sở vi phạm từ năm 2018 là: Nha khoa Nụ Cười. Tại thị trấn Hậu Lộc, phòng khám răng không phép có tên Xuân Hương trồng răng vẫn tiếp tục treo biển quảng cáo dù huyện Hậu Lộc đã giao cho UBND thị trấn Hậu Lộc xử lý vi phạm trong năm 2018.

Tiếp tục tìm hiểu về tình trạng phòng khám răng không phép trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, chúng tôi phát hiện thêm nhiều cơ sở không phép khác đang hoạt động tại các xã Hoằng Phú, Hoằng Quý. Đáng chú ý là phòng răng Ngọc Huy (trên địa bàn xã Hoằng Quý) đã bị lực lượng chức năng huyện Hoằng Hóa yêu cầu tháo dỡ biển quảng cáo, dừng hoạt động trong năm 2018. Tuy nhiên phòng khám này vẫn hoạt động với hàng loạt các dịch vụ được quảng cáo như trồng răng giả, răng nhựa, răng sứ cao cấp; phục hình thẩm mỹ. Tương tự, Phòng khám răng hàm mặt ở xã Hoằng Đồng và trung tâm của xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) trưng biển quảng cáo và bảng niêm yết giá các dịch vụ làm răng công khai nhưng không có giấy phép hoạt động...

“Quả bóng trách nhiệm” lăn, người dân chịu thiệt!

Có thể thấy những phòng khám nha khoa không phép đều tọa lạc trên các trục đường chính, biển quảng cáo treo ngang nhiên và phô trương, ai cũng có thể thấy. Thế nhưng lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương lại buông lỏng quản lý, không phát hiện ra những phòng khám không phép này và có phát hiện thì cũng thiếu những giải pháp quyết liệt (chủ yếu là nhắc nhở, xử lý không nghiêm minh) để dẹp bỏ là nguyên nhân chính khiến các phòng khám không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Về 2 cơ sở vi phạm tại xã Hoa Lộc năm 2018, đến tháng 4-2019, một cơ sở đã được cấp phép là “Nha Khoa Việt Nhật”, còn cơ sở không phép mang tên “Nha khoa Nụ Cười” của ông Lê Đức Anh, sau khi biển quảng cáo mang tên “Nha khoa Nụ Cười” đã được tháo dỡ, thì lại “mọc” lên tấm biển quảng cáo mới mang tên “Phòng khám răng” và 1 tấm biển nhỏ đề tên “Đức Anh” kèm số điện thoại.

Khi trao đổi với ông Trịnh Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc ông vẫn khẳng định cơ sở này đã đóng cửa, nhưng khi chúng tôi cung cấp hình ảnh phòng khám răng này vẫn trưng biển quảng cáo công khai thì vị lãnh đạo xã lại viện lý do rằng cơ sở treo biển quảng cáo vào buổi tối nên khó khăn cho việc kiểm tra.

Cũng trong năm 2018, phòng răng không phép Ngọc Huy ở xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa) đã bị lực lượng chức năng huyện Hoằng Hóa yêu cầu tháo dỡ biển quảng cáo, dừng hoạt động. Tuy nhiên phòng khám này vẫn hoạt động với hàng loạt các dịch vụ được quảng cáo như trồng răng giả, răng nhựa, răng sứ cao cấp; phục hình thẩm mỹ. Được biết trong năm 2018, mặc dù đã kiểm tra, phát hiện 9 phòng khám răng không phép trên địa bàn nhưng lực lượng chức năng huyện Hoằng Hóa không xử phạt bất kỳ cơ sở nào.

Và trước những vi phạm hàng loạt của các phòng khám răng không phép, lãnh đạo Phòng Y tế huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa cho biết: UBND huyện đã giao các xã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với các cơ sở và tiếp tục kiểm tra, giám sát, địa phương nào để xảy ra tình trạng cơ sở hành nghề y không phép tiếp tục hoạt động thì chủ tịch UBND xã đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Phỏng vấn lãnh đạo các địa phương khi để tái diễn tình trạng phòng khám không phép trên địa bàn vẫn tiếp tục dừng lại ở phát ngôn: “Sẽ chịu trách nhiệm theo quy định” mà chưa có bất cứ một động thái cụ thể nào.

Theo báo cáo của ngành y tế, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND năm 2018 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành kiểm tra 1.116 cơ sở, phát hiện 238 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt 412.150.000 đồng. Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra 581 vụ, xử lý 521 vụ, tổng số tiền thu phạt 1.849,7 triệu đồng, trong đó phạt hành chính 1.585,6 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 264,1 triệu đồng. Cũng trong năm 2018, Sở Y tế đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y tư nhân. Kết quả có 4 cơ sở bị xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt là hơn 100 triệu đồng...

Trao đổi với ông Bùi Hồng Thủy, trưởng phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân, được biết: Việc để hàng loạt phòng khám hoạt động không phép trong thời gian vừa qua thì trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND các địa phương vì đã buông lỏng quản lý, không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, mới có tình trạng các phòng khám không phép hoạt động trong một thời gian dài nhưng không xử lý triệt để...

Và khi chính quyền các địa phương “nói không đi đôi với làm”, khi việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, khi ngành chức năng và chính quyền các địa phương vẫn còn đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho nhau thì người dân sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường bởi họ không thể biết được cơ sở nào đảm bảo chất lượng, cơ sở nào không để lựa chọn khi cần.

Và câu chuyện quản lý...

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần hoàn thành tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngày 27-4-2018 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thế nhưng hơn 1 năm qua, dường như các địa phương vẫn “bất lực” trước “sự vô tư” hoạt động của các phòng khám không phép. Trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự nghiêm túc (một số đơn vị không xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như: Lang Chánh, Hà Trung, Thạch Thành, Hoằng Hóa...). Vẫn còn tình trạng một số cơ sở hành nghề y, dược tư nhân chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vẫn đang hoạt động ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (chủ yếu là loại hình khám, chữa bệnh răng hàm mặt, y học cổ truyền, các cơ sở bán thuốc nhỏ lẻ); các cơ sở hành nghề đã được cấp giấy phép hoạt động còn vi phạm một số quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân (sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, cơ sở không đủ điều kiện về nhân sự hành nghề, người phụ trách chuyên môn của cơ sở vắng mặt nhưng cơ sở vẫn hoạt động, không thực hiện đúng các quy định về điều kiện bảo quản thuốc; chưa niêm yết đầy đủ giá thuốc; sắp xếp tủ, quầy còn lộn xộn, còn để lẫn thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; chưa thực hiện nghiêm quy định bán thuốc theo đơn...).

Thực hiện Chỉ thị 07 của UBND tỉnh tại các địa phương trong tỉnh, hàng loạt các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng đã được thực hiện. Sở Y tế cũng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm. Thế nhưng sau các cuộc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm thì các phòng khám không phép sau khi bị kiểm tra vẫn cứ hoạt động; phòng khám không phép mới thì tiếp tục “mọc” lên. Cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương thì vẫn đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho nhau.

Nghề y là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người nên các cơ sở y tế tư nhân cần hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đã có không ít vụ tai nạn, sự cố dẫn đến chết người tại một số cơ sở hành nghề y dược hoạt động khi chưa được cấp phép và chính điều này đã góp phần tạo nên luồng dư luận không tốt về công tác quản lý. Để dẹp bỏ dứt điểm các phòng khám không phép, chấn chỉnh hoạt động hành nghề y tư nhân lĩnh vực nha khoa, thiết nghĩ ngành y tế và chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt, xử lý nghiêm minh vi phạm chứ không phải cứ đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho nhau. Các địa phương cũng cần phải quy trách nhiệm cụ thể và có hình thức xử lý đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý trên địa bàn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập

Phòng khám không phép “vô tư” hoạt động

Trong những năm qua, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập đã và đang phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhiều cơ sở đã đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở hành nghề không có giấy phép; cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; chỉ định dùng thuốc chưa an toàn hợp lý... Những tồn tại này gây dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ cơ sở và người hành nghề còn hạn chế; nguồn nhân lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này rất khó khăn, nhiều huyện không có chuyên viên, biên chế tại phòng y tế, chỉ có cán bộ viên chức điều động từ các đơn vị y tế lên (như TP Sầm Sơn, các huyện: Nga Sơn, Thạch Thành, Yên Định...), trong khi đó vai trò, sự vào cuộc của chính quyền địa phương không kiên quyết, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn sai phạm.

Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27-4-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về y tế, chủ động kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh kịp thời các hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập không đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân.

Dược sĩ CKII Bùi Hồng Thủy

Trưởng Phòng Quản lý Hành nghề

y dược tư nhân, Sở Y tế.

Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở hành nghề không phép

Phòng khám không phép “vô tư” hoạt động

Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia hiện có hơn 300 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Thực hiện Chỉ thị 07 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai chỉ thị; ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập và kế hoạch về việc kiểm tra các hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn huyện.

Theo đó, toàn huyện đã kiểm tra được 246 lượt cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập (huyện kiểm tra 12 cơ sở, xã 204 cơ sở), phát hiện 54 cơ sở vi phạm, xử lý nhắc nhở 42 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 12 cơ sở với số tiền 23.300.000 đồng.

Xác định việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chủ động kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh kịp thời hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập là yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng thuốc và các sản phẩm chức năng có tác động đến sức khỏe, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần hoàn thành tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Lê Thế Kỳ

Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia

Bổ sung nhân lực cho phòng y tế

Phòng khám không phép “vô tư” hoạt động Phòng y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước về y tế.

Theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11-12-2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thì phòng y tế còn có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ về y tế trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không đúng theo các quy định của pháp luật... Với khối lượng công việc nhiều, nhưng nhiều năm qua, Phòng Y tế huyện Hoằng Hóa chỉ có một trưởng phòng, không có nhân viên (gần đây mới “mượn” được một cán bộ ở cơ sở lên giúp việc) thế nên không thể kiểm soát hết được các phòng khám đang hoạt động trên địa bàn. Để đáp ứng nhiệm vụ được giao, cần bổ sung nhân lực cho phòng y tế.

Nguyễn Tiến Dũng

Trưởng Phòng Y tế huyện Hoằng Hóa

Công khai cơ sở hành nghề y vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng

Phòng khám không phép “vô tư” hoạt động Sự phát triển của hệ thống cơ sở y tế tư nhân là tất yếu, nhưng gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về sai phạm tại hàng loạt phòng khám tư và hàng loạt phòng khám nha khoa không phép, không được kiểm định chất lượng ngang nhiên hoạt động khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về chất lượng khám, chữa bệnh cũng như công tác quản lý.

Người dân làm kinh doanh như chúng tôi mỗi khi ốm đau muốn đến các phòng khám tư nhân để được điều trị sức khỏe cho tiện, chúng tôi cũng không thể biết được cơ sở nào bảo đảm chất lượng, cơ sở nào không để lựa chọn khi cần, vì vậy mong các cơ quan chức năng nghiêm khắc chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám tư, nhất là cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên hơn để sớm ngăn ngừa sai phạm. Đồng thời, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết mà tránh, thậm chí tẩy chay.

Trịnh Văn Đức

(phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa)

Anh Quân


Anh Quân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]