(Baothanhhoa.vn) - Từ ngày 28 đến 31-8, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên diện rộng tại nhiều địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành y tế quyết liệt thực hiện các giải pháp không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ

Từ ngày 28 đến 31-8, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên diện rộng tại nhiều địa phương.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân bản Chiềng Nưa, xã Trung Lý (Mường Lát) xử lý nguồn nước sau mưa lũ.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ trung tâm y tế các huyện, đến thời điểm này, tại huyện Mường Lát có 186 giếng nước bị hư hỏng, 4.132 nguồn nước máng hư hỏng, bị nước cuốn trôi, 1.025 công trình vệ sinh hộ gia đình bị đất đá vùi lấp. Tại huyện Quan Hóa có 574 hộ/17 xã, thị trấn bị ngập lụt, trong đó có 384 giếng nước, 439 công trình vệ sinh, 306 chuồng gia súc bị ngập lụt; 4 trạm y tế (xã Thanh Xuân, Thành Sơn, Trung Thành, Phú Lệ) có 3 bộ máy vi tính, các tủ bảo quản vắc-xin, tủ lạnh, nồi hấp sấy... bị hư hỏng. Tại huyện Bá Thước có 886 hộ, 873 giếng nước, 847 công trình vệ sinh, 680 chuồng gia súc/13 xã bị ngập lụt. Tại huyện Thạch Thành có 1.255 hộ, 1.269 giếng nước, 1.255 công trình vệ sinh/10 xã bị ngập lụt. Tại huyện Cẩm Thủy có 6.308 hộ, 5.967 giếng nước, 5.920 công trình vệ sinh, 3.578 chuồng gia súc, 2 trang trại/14 xã bị ngập lụt. Tại huyện Yên Định có 470 giếng nước, 1.032 nhà tiêu, 226 chuồng gia súc, 81 trang trại/8 xã bị ngập lụt. Tại TP Thanh Hóa có 150 hộ, 401 giếng nước và công trình cấp nước, 601 công trình vệ sinh, 211 chuồng gia súc/6 xã, phường bị ngập lụt...

Với quyết tâm không để bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt, ngành y tế đã khẩn trương triển khai công tác kiểm tra khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cử cán bộ, tổ cơ động phòng, chống dịch bệnh xuống trực tiếp các địa bàn bị ngập lụt, sạt lở, di dân tập trung để chỉ đạo, hướng dẫn tuyến y tế cơ sở tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và xử lý nguồn nước ăn uống, nước sinh hoạt cho nhân dân. Các cơ sở y tế có liên quan đã chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện phòng chống lụt, bão và phân công các đội y tế cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó cho các tuyến; tham gia trực tiếp cùng tổ công tác của các tổ chức, chính quyền tổ chức tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khác ở những nơi bị ảnh hưởng nặng hoặc bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, sạt lở đất gây ra; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu, điều trị cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Các tổ cấp cứu lưu động đã kịp thời thực hiện sơ cấp cứu người bị nạn và đưa về cơ sở y tế điều trị... Vì thế đã cơ bản đáp ứng tốt công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết: Trong đợt lũ vừa qua, Mường Lát có nhiều xã bị thiệt hại nặng. Để chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh phát sinh, trung tâm y tế huyện đã cử cán bộ bám sát địa bàn được phân công để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng bệnh. Ngay sau khi nước lũ rút, trung tâm y tế huyện đã thành lập đội phòng chống dịch ứng cứu nhanh, phối hợp cùng y tế xã xử lý nguồn nước, phun hóa chất diệt muỗi; tiêu độc, khử trùng bằng cloraminB tại các khu vực ngập lụt nặng như Tam Chung, Quang Chiểu, Trung Lý, Mường Lý, Tén Tằn; cấp cứu tai nạn thương tích, khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân ốm đau bệnh tật. Ngoài ra, trung tâm y tế huyện còn tiêm phòng uốn ván miễn phí cho các trường hợp tai nạn thương tích; cấp phát cloraminB và hướng dẫn người dân vệ sinh giếng nước, khử trùng nguồn nước, hỗ trợ tiêu độc, khử trùng vệ sinh môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để dịch đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, các bệnh về tiêu hóa... bùng phát sau lũ. Tuy nhiên, công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn do còn nhiều thôn, bản, như: Cò Cài, Cà Giáng, Tà Cóm (xã Trung Lý), bản Ón (xã Tam Chung)..., bị chia cắt vì sạt lở, phải thuê xe ôm, thuê đò để vận chuyển trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phòng chống dịch bệnh...

Ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Với phương châm nước rút đến đâu sẽ triển khai ngay hoạt động thanh khiết môi trường, vệ sinh, khử trùng nguồn nước đến đó, ngành y tế đang nỗ lực khắc phục hậu quả, xử lý môi trường sau mưa lũ, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Cùng với các cơ quan chức năng, ngành y tế đã đến các thôn, bản vùng lũ trợ giúp việc thu dọn xác chết động vật, xử lý môi trường, khử trùng nguồn nước. Lãnh đạo Sở Y tế cùng với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã trực tiếp đến những nơi xảy ra ngập lụt (Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Vĩnh Lộc, TP Thanh Hóa, Mường Lát, Quan Hóa...) chỉ đạo, hướng dẫn, trợ giúp y tế cơ sở khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra...

Tất cả các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh đều thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, không để ổ bệnh và dịch bệnh bùng phát. Các vùng bị ngập lụt cơ bản đã được xử lý môi trường, tập trung vào việc xử lý nguồn nước, xử lý chôn lấp xác gia súc, gia cầm chết và làm sạch hệ thống các nhà vệ sinh bị ngập... Ghi nhận tại TP Thanh Hóa đã có 7 ca mắc bệnh về đường tiêu hóa, 10 ca mắc bệnh về mắt, 207 ca mắc bệnh ngoài da, tuy nhiên dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]