(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, ngành y tế đã tập trung các nguồn lực thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải y tế, góp phần chung tay bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành y tế chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

Ngành y tế chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

Bệnh viện Đa khoa Thọ Xuân đã tạo được chuyển biến dùng các loại hộp đựng thức ăn bằng inox, hộp nhựa sử dụng nhiều lần thay cho hộp cơm bằng xốp.

Những năm qua, ngành y tế đã tập trung các nguồn lực thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải y tế, góp phần chung tay bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với cuộc sống.

Thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa, ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần...

Tại Bệnh viện Phụ sản, việc phân loại rác thải theo từng nhóm riêng đã được các y, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện thực hiện tốt. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của các khoa cũng thường xuyên tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà việc phân loại rác thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt. Sản phụ Lê Thị Mai, huyện Tĩnh Gia, chia sẻ: Vào viện, tôi và người nhà được các y, bác sĩ hướng dẫn việc giữ vệ sinh, để rác đúng nơi quy định, đặc biệt hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon. Gia đình tôi cũng đã dùng bình nước, cốc thủy tinh thay cho chai nước, cốc nhựa như trước đây.

Ngành y tế chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

Mỗi ngày, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa phát sinh hàng trăm kg rác thải y tế và rác thải sinh hoạt. Bệnh viện đã giao cho các khoa tự thu gom theo đúng quy định. Tại mỗi khoa, phòng đều có khu vực lưu giữ riêng biệt từng loại rác thải, có biển chỉ dẫn cụ thể. Cuối giờ chiều, nhân viên các khoa vận chuyển đến khu vực lưu giữ chung của bệnh viện để xử lý theo quy trình. Được biết, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cũng lập kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế; có sổ tay quản lý chất thải y tế, kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế từ hoạt động, sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế...

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi nilon, hộp cơm bằng xốp và chuyển sang dùng các loại hộp đựng thức ăn bằng inox, hộp nhựa sử dụng nhiều lần hoặc ăn uống tại căng tin để hạn chế các loại túi, hộp đựng thực phẩm chỉ sử dụng một lần. Bệnh viện cũng hạn chế sử dụng túi nilon đựng thuốc thay bằng túi giấy, hộp nhựa sử dụng nhiều lần.

Bác sĩ Phùng Sỹ Thường, giám đốc bệnh viện chia sẻ: Việc sử dụng các sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần đã trở thành thói quen hàng ngày của đa số người dân, nhất là trong môi trường bệnh viện, nơi mà tính tiện dụng của các sản phẩm này dễ “chinh phục” bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Xác định nếu chỉ tuyên truyền, vận động sẽ không hiệu quả, chỉ khi đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên và người lao động của bệnh viện làm trước thì người bệnh, người nhà bệnh nhân mới thực hiện theo, do đó bệnh viện đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon tại các buổi giao ban, hội nghị cơ quan. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần được hạn chế dùng ở mức thấp nhất. Vai trò nêu gương của các y, bác sĩ, nhân viên đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong vấn đề này được thực hiện tối đa. Ban lãnh đạo bệnh viện cũng lưu ý các phòng, ban trực thuộc, đội ngũ y, bác sĩ chú trọng hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn, bảo đảm các sản phẩm có thể tái chế được phân loại, tái chế theo quy định, giảm thiểu xả thải ra môi trường.

Trao đổi với ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế được biết, thực hiện Chỉ thị của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định; tổ chức quán triệt, tuyên truyền các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa rộng rãi trong cán bộ, nhân viên ngành y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện. Theo đó, Sở Y tế đã đưa ra nội dung và giải pháp yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch, trong đó phải có các nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện đối với các hoạt động như: Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Các đơn vị cũng sẽ hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc túi nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Để thực hiện triệt để, cán bộ y tế sẽ phân loại rác thải phát sinh ngay tại nơi làm việc, có khả năng tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa; tổ chức thu gom và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Cùng với đó, Sở Y tế cũng xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, lộ trình thích hợp của mỗi đơn vị về việc giảm thiểu chất thải nhựa; lồng ghép giảm thiểu chất thải nhựa vào thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng các bệnh viện; khuyến khích, động viên và khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt việc giảm thiểu chất thải nhựa, tích cực nghiên cứu, áp dụng biện pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị... Tuy nhiên, trong ngành y tế, nhất là các trang thiết bị, vật tư y tế, dụng cụ y tế... hiện nay có những loại chưa thể thay thế bằng chất khác. Đơn cử như bơm kim tiêm thì vẫn phải sử dụng loại dùng một lần. Trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên hàng đầu của các bệnh viện, các trung tâm y tế là chất lượng, giá thành sản phẩm. Nếu sản phẩm cùng loại, có chất lượng như nhau nhưng giá thành chênh lệch khá cao do sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thì cũng rất khó được chọn lựa do kinh phí sẽ đội lên rất nhiều... Còn đối với người nhà, thân nhân bệnh nhân cũng rất khó kiểm soát việc họ dùng chất thải nhựa. Quy định hạn chế, phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy trong đơn vị... là rất cần thiết, nhưng công việc này cần quá trình cụ thể, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng ngành y tế mà của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Một khi ý thức về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân về tác hại của rác thải nhựa được nâng lên thì tác hại về môi trường của rác thải nhựa sẽ được giảm xuống.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]