(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh ta thường xuyên có dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD), một số loại dịch bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh phát sinh sau lũ, lụt... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành y tế chủ động phòng chống dịch bệnh

Tỉnh ta thường xuyên có dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD), một số loại dịch bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh phát sinh sau lũ, lụt... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tĩnh Gia điều tra véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại xã Hải Bình.

Trước tình hình đó, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của ngành y tế, với vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng (gọi tắt là trung tâm) đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực, chủ động công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, không để dịch lây lan trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, hàng năm trung tâm đã phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức phát động chiến dịch ra quân làm tổng vệ sinh môi trường; phun hóa chất phòng chống dịch, diệt bọ gậy 1 lần/tuần đối với những địa phương có nguy cơ cao; giám sát véc tơ truyền bệnh SXHD định kỳ 1 lần/tháng tại các ổ dịch cũ và vùng nguy cơ. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngành y tế và trung tâm đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch SXHD tại các địa phương trong tỉnh; tập trung xử lý dịch SXHD tại các điểm nóng trong tỉnh... Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng chống SXHD tại một số địa phương trong tỉnh. Đồng thời tổ chức giám sát 37 trường hợp nghi mắc SXHD tại 36 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; thực hiện 56 lượt giám sát véc tơ truyền bệnh SXHD tại 30 xã thuộc 9 huyện, thành phố trong tỉnh; tổ chức phun hóa chất phòng chống bệnh SXHD tại 112 xã, với tổng số gần 16.500 lượt hộ gia đình được phun hóa chất phòng chống dịch SXHD; 3.760 lượt thôn, xóm tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, với tổng số trên 287.100 lượt hộ gia đình tham gia.

Huyện Tĩnh Gia là địa phương trọng điểm của tỉnh trong chương trình quốc gia phòng chống SXHD, do vậy, để chủ động phòng chống dịch SXHD và bệnh do vi rút Zika, trung tâm đã chỉ đạo trung tâm y tế huyện chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra; đồng thời triển khai tổng vệ sinh môi trường giải quyết thủy vực toàn huyện 1 lần/tháng và tăng cường khi có nguy cơ. Tại 2 xã trọng điểm Hải Thanh và Hải Bình đã được Chương trình phòng chống SXHD, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp hóa chất để phun chủ động diệt muỗi trưởng thành triệt để phòng chống SXHD... Do vậy, từ đầu năm đến tháng 7-2018, trên địa bàn huyện chỉ ghi nhận 5 ca SXHD tại xã Ngọc Lĩnh, trong đó 3 ca ngoại lai và 2 ca nội địa tại thôn 16.

Tại tỉnh ta, sau mưa lũ thường có một số địa phương bị úng ngập, nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát sinh các nhóm bệnh da liễu, bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn là rất cao. Để giúp người dân nơi đây phòng chống dịch bệnh, trung tâm đã chỉ đạo trung tâm y tế địa phương thực hiện vệ sinh môi trường với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó”, do vậy, trong nhiều năm qua tại các vùng bị ngập lụt trong tỉnh đã không xảy ra dịch bệnh, đời sống người dân nơi đây nhanh chóng được ổn định. Trong đợt mưa lụt do bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, trung tâm đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện trong vùng bị ngập lụt tổ chức phun hóa chất khử trùng, hướng dẫn, cấp phát trên 12.000 viên cloraminB, 300 kg cloraminB, 300 kg phèn chua cho 2 huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành để khử trùng nước cho các hộ dân trong vùng bị ngập lụt, không để ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và hạn chế dịch bệnh. Đồng thời chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh sau mưa lụt.

Cùng với chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, công tác phòng chống dịch sốt phát ban nghi sởi được quan tâm. Theo đó, hàng năm trung tâm đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm vắc-xin sởi để tiêm phòng cho các cháu và tổ chức tiêm vét; đồng thời vệ sinh môi trường tại các trường học, hộ gia đình bằng cloraminB 5%. Toàn tỉnh bình quân hàng năm có gần 60.000 trẻ và đối tượng vãng lai (từ 9 đến 12 tháng tuổi) được tiêm chủng vắc-xin sởi; trên 20.000 trẻ và đối tượng vãng lai được tiêm vắc-xin sởi – rubella... Tại TP Thanh Hóa từ đầu năm đến nay đã có trên 440 hộ gia đình, 81 trường học được phun khử trùng.

Theo Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm, năm 2017 và 7 tháng năm 2018, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta tương đối ổn định, trong đó một số dịch bệnh như sởi, tay chân miệng, SXHD... đã được ngành y tế và các địa phương phát hiện và khống chế kịp thời. Tuy nhiên, tình hình các dịch bệnh lây từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn có nguy cơ và đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương trong tỉnh. Trước những diễn biến khó lường về tình hình dịch bệnh, để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, trung tâm sẽ tập trung chỉ đạo các phòng, ban liên quan và trung tâm y tế các địa phương chủ động nắm chắc tình hình để tham mưu cho chính quyền các cấp có các biện pháp chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có dịch bệnh, nhất là SXHD; tăng cường phối hợp với ngành thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường; chủ động giám sát các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao, trong đó ưu tiên công tác phòng chống dịch tả, SXHD, cúm A, sởi và phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.


Bài và ảnh: Duy Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]