(Baothanhhoa.vn) - Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Việc mua, bán và sử dụng loại hàng hóa này đã được ngành chức năng quy định cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn được người bệnh mua một cách dễ dàng khi ốm đau để tự điều trị tại nhà mà không cần phải đến các cơ sở y tế để được khám và kê đơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mua thuốc điều trị tại nhà - nguy hiểm khôn lường

Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Việc mua, bán và sử dụng loại hàng hóa này đã được ngành chức năng quy định cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn được người bệnh mua một cách dễ dàng khi ốm đau để tự điều trị tại nhà mà không cần phải đến các cơ sở y tế để được khám và kê đơn.

Mua thuốc điều trị tại nhà - nguy hiểm khôn lường

Hoạt động mua bán thuốc tại một quầy thuốc tân dược trên địa bàn xã Quảng Tâm (TP Thanh Hóa).

Khảo sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược lớn, nhỏ trên địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn các huyện Quảng Xương, Đông Sơn... cho thấy, tình trạng người mua, người bán không cần đơn của bác sĩ diễn ra khá phổ biến, khiến cho việc mua thuốc được ví “dễ như mua rau”. Phần lớn người bán thuốc đều chủ quan bán theo lời kể về triệu chứng của bệnh hoặc theo yêu cầu của khách hàng mà không cần đơn thuốc. Có mặt tại một hiệu thuốc trên đường Lê Lai (TP Thanh Hóa), chúng tôi nghe câu chuyện của chị T. trình bày với nhân viên cửa hàng thuốc: “Tôi bị đau nửa đầu, ăn không ngon, mấy hôm nay nhiều lúc ngồi xuống đứng lên thấy hoa mắt, chóng mặt... Cô bán cho tôi vài liều thuốc”. Ngay lập tức, một loạt thuốc viên được nhân viên bán thuốc đưa cho người mua kèm theo lời căn dặn “Chị uống trong 3 ngày theo hướng dẫn, nếu thấy đỡ đến lấy uống tiếp”. Trường hợp của chị T. là một trong rất nhiều trường hợp người dân tự ý mua thuốc tự điều trị bệnh khi thấy mình có bệnh mà không quan tâm đến việc mua thuốc không theo đơn ở cơ sở bán thuốc có bảo đảm an toàn.

Người mua thuốc đã vậy, người bán thuốc cũng tùy tiện, không phải bác sĩ nhưng chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh là bán thuốc ngay, “quên đi” trách nhiệm với người bệnh cũng như quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế ban hành. Qua khảo sát thực tế hầu hết nhân viên các nhà thuốc vừa chẩn đoán bệnh, vừa kê đơn thuốc cho người dân một cách công khai, tùy tiện. Đáng chú ý, việc mua bán thuốc cho người dân tự điều trị tại nhà xảy ra không chỉ đối với các loại thuốc thông thường như hạ sốt, tiêu hóa, cảm cúm, đau xương khớp... mà nhiều loại kháng sinh và cả các loại thuốc thuộc diện bắt buộc phải bán theo đơn vẫn được các cửa hàng thuốc bán một cách tự do chỉ vì lợi nhuận. Theo các chuyên gia y tế, kháng sinh chỉ được sử dụng khi bị các bệnh nhiễm khuẩn và được bác sĩ chỉ định dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ gây nhiều tác hại, biến chứng khôn lường thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, việc tự ý dùng thuốc là rất nguy hiểm, nhất là kháng sinh, thuốc giảm đau. Khi uống thuốc giảm đau khiến chúng ta tưởng bệnh đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp... Một số thuốc có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp... nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức.

Thuốc tân dược từng được ví như “con dao hai lưỡi”, người mắc bệnh tự mua về dùng theo kinh nghiệm của bản thân hoặc theo sự giới thiệu của người khác ban đầu có thể không sao, nhưng tác dụng phụ của nó thì không thể lường trước được. Về lâu dài việc dùng thuốc không phù hợp, không đúng liều lượng sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm cho việc sử dụng thuốc kém hiệu quả hoặc không còn hiệu quả, người bệnh sẽ phải đổi sang một loại thuốc khác, do đó thời gian điều trị sẽ dài hơn, thuốc phải tăng liều, chi phí điều trị theo đó cũng tăng lên. Vì vậy, mỗi người dân không nên tự ý đi mua sử dụng thuốc tại nhà, đặc biệt là kháng sinh, thuốc đặc trị và không dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, cần tập thói quen đi khám bệnh tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, hiệu quả, tránh dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc mới đến viện thì đã muộn. Một ví dụ điển hình, mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là 1 thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội nên đã cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi bệnh có diễn biến nặng mới đưa đến bệnh viện. Mặc dù các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Song, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 3.000 cơ sở bán buôn thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc. Những năm gần đây, công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh thuốc tân dược đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thị trường thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, như: Vẫn còn những cơ sở chưa bảo đảm điều kiện kinh doanh, thiếu trang thiết bị bảo quản thuốc; đâu đó vẫn còn tình trạng bày bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc kém chất lượng... Điều này đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích và sự an toàn cho sức khỏe người dân. Để hạn chế tình trạng người dân tự ý mua thuốc chữa bệnh tại nhà và cửa hàng tự bán thuốc thuộc danh mục phải kê đơn, thiết nghĩ ngành y tế cần tăng cường và siết chặt hơn nữa công tác quản lý, trong đó cần xử lý mạnh tay đối với các cơ sở bán thuốc bừa bãi, không thực hiện nghiêm các quy định chuyên môn nghiệp vụ, đưa quy định bán thuốc theo đơn đi vào nền nếp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thuốc và cách sử dụng thuốc tân dược. Chỉ khi người dân nêu cao ý thức và nắm được tác hại và mức độ nguy hiểm của việc sử dụng thuốc không kê đơn thì việc mua thuốc tự điều trị tại nhà mới có thể được loại bỏ.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài Và Ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]