(Baothanhhoa.vn) - Từng có một cái “làng đặc biệt”, mà tên gọi không xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính, dù sự ra đời của nó xuất phát  từ nhu cầu hết sức bức thiết. Cũng trong “làng” ấy, cuộc sống của cư dân bó chặt phía sau cánh cổng thường đóng im ỉm và không mấy ai tiếp xúc với thế giới bên ngoài. “Làng” không chỉ nằm giữa sự vắng lặng của núi rừng, mà còn tồn tại trong sự ghê sợ và ghẻ lạnh của đồng loại mình...

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Làng phong”... không xa vắng!

Từng có một cái “làng đặc biệt”, mà tên gọi không xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính, dù sự ra đời của nó xuất phát từ nhu cầu hết sức bức thiết. Cũng trong “làng” ấy, cuộc sống của cư dân bó chặt phía sau cánh cổng thường đóng im ỉm và không mấy ai tiếp xúc với thế giới bên ngoài. “Làng” không chỉ nằm giữa sự vắng lặng của núi rừng, mà còn tồn tại trong sự ghê sợ và ghẻ lạnh của đồng loại mình...

“Làng phong”... không xa vắng!

Cụ Đỗ Văn Huấn – một trong những bệnh nhân lâu năm và cao tuổi nhất của “làng phong” thường xuyên được các bác sĩ động viên, chăm sóc.

Có lẽ, phải ngót cả chục năm qua lại trên con đường nối trung tâm huyện Cẩm Thủy với các huyện miền núi cao, tôi lại mới “quá chân” về Khoa điều trị phong (thuộc Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa hiện nay, đặt tại xã Cẩm Bình). Dẫu nó có cái tên gọi theo đúng chuyên ngành, chuyên môn, thế nhưng tôi vẫn muốn gọi nó bằng cái tên quen gọi của dân gian: “Làng phong”. Bởi cách gọi ấy gọi đúng “bản chất” cuộc sống của những bệnh nhân đã sống và sẽ sống trọn kiếp người với cái “làng đặc biệt” này. Trở lại “làng phong” chẳng phải do tức cảnh nên sinh tình, mà chỉ vì một nỗi ám ảnh cứ quấn lấy tôi từ ngày đầu bước chân đến đây, bỗng dưng thôi thúc. Đó là nỗi ám ảnh về nỗi cô đơn khủng khiếp, được nén lại sau nụ cười có phần méo mó và chẳng gợi được mấy niềm vui. Đó còn là nỗi băn khoăn về sức chịu đựng ghê gớm của con người trong nghịch cảnh để mưu cầu sự sống.

Nằm cách xa đường lớn, nhưng lối dẫn vào “làng phong” đã được đổ bê tông thay cho con đường đất đá mấp mô, chen chân cùng cây cối ken dày trước kia. Lọt thỏm giữa bốn bề là những dãy núi đá vôi sừng sững, “làng phong” vẫn mang cái dáng vẻ lặng yên như cách nó đã tồn tại ngót 50 năm qua. Cái “làng đặc biệt” này không khác nhiều so với lần đầu tôi biết. Vẫn cảnh cũ ấy, trong khuôn viên rợp bóng hoàng lan đã qua mùa hoa nở và bốn bề xanh ngắt cây cối. Chỉ có con người là thưa vắng dần. Âu cũng là quy luật thôi, khi sinh - tử gọi tên mọi người, dẫu là người cả đời sống khỏe mạnh, hay những kẻ đã dùng tất cả sức mạnh thể xác lẫn tinh thần để đánh vật với bệnh tật, mong tìm một con đường sống – dù nhỏ hẹp và đầy rẫy bất an. Về công tác tại đây từ năm 1995, dù không tận mắt chứng kiến và trải qua vô vàn khó khăn buổi đầu thành lập, nhưng hơn 20 năm gắn bó với người bệnh cũng đủ cho bác sĩ Nguyễn Anh Việt (Trưởng Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa), thấm thía nỗi đau mà những bệnh nhân phong phải chịu đựng.

Anh kể, những năm 1968 - 1969 của thế kỷ trước, khu điều trị phong (tên gọi buổi đầu của “làng phong”) vốn là thế giới của cỏ rậm và cây gai. Sự heo hút của núi rừng và sự hiu hắt, vắng bóng người càng trở nên bí hiểm, rờn rợn khi mấy chục con người nhếch nhác, đói rách, lở loét, hoặc thiếu chân, cụt tay... không biết từ đâu được đưa về. Những mái nhà lợp mái tranh được dựng trên khoảng đất bằng phẳng hiếm hoi giữa “thung lũng đá” trở thành nơi tá túc và chữa trị cho bệnh nhân suốt nhiều năm. Khoảng đầu những năm 70, dân số “làng phong” lên đến hơn 120 bệnh nhân. Trong khi cơ sở vật chất phục vụ ăn ở, điều trị và trang thiết bị chữa bệnh hết sức thiếu thốn, nên gần 1 nửa trong số đó buộc phải dời “làng” để đến Bệnh viện Phong – Da liễu Quỳnh Lập (tỉnh Nghệ An). Số còn lại hầu hết đã gắn bó với “làng” từ đó đến nay và ngay cả khi khỏi bệnh, hầu như không ai dời “làng” để trở lại quê.

Theo trí nhớ chẳng còn rành mạch của những người từng theo về “làng phong” từ những ngày đầu, thì cái nơi mà căn bệnh đã khiến người đời ghê sợ, ghẻ lạnh ấy, thậm chí từng không có tên trong địa giới hành chính. “Làng phong” đã “cộp” vào tâm trí người dân trong vùng 2 vạch chéo đỏ cảnh báo nguy hiểm. Và những người sống trong đó không chỉ cô đơn đối diện với bệnh tật, mà còn phải cố thu mình trong cái “ốc đảo” hẻo lánh, tránh mọi sự tiếp xúc với người thân và người đời. Để rồi, cái thung lũng đá vôi ấy cũng trở thành “thung lũng bi thương”, nơi hiện hữu nỗi đau tinh thần lẫn thể xác của những thân phận kém may mắn... Thế nhưng “làng phong” thời xa vắng ấy nay đã khác nhiều. Nó đã trở thành mảnh đất an cư một đời không chỉ của bệnh nhân phong, mà thậm chí của cả thế hệ thứ 2, thứ 3 được sinh ra từ những số phận thiếu thốn cả thể xác lẫn tình cảm.

Để không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam đã nỗ lực để xóa bệnh phong ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, hành trình gieo nhận thức mới về căn bệnh này trong xã hội, dẫu khó khăn gấp bội, cũng đã gặt hái được kết quả tốt. Khi đời sống ngày càng phát triển, nhận thức và quan niệm của người dân về căn bệnh và người mắc bệnh phong đã “thoáng” hơn nhiều. Điều đó đã mở ra cho họ cơ hội để được sống thật, sống đúng như “mục đích” ban đầu mà tạo hóa đã ban phát cho con người khi được sinh ra. Với cư dân làng Tô vốn sống cạnh khu “làng phong” suốt mấy chục năm qua, việc thay đổi nhận thức của họ về căn bệnh cũng là một quá trình dài, vừa khó nhưng cũng có mấy phần dễ hơn. Khó là vì khu điều trị phong nằm ngay trên địa phận làng, từng gây nên nỗi sợ mơ hồ và sự kỳ thị với chính đồng loại mình. Nhưng dễ vì qua đoạn thời gian dài tiếp xúc, họ nhận ra rằng, những bệnh nhân phong - ngoài căn bệnh quái ác đeo đẳng một đời, cùng vô số di chứng nặng nề - thì bên trong họ vẫn là những con người rất đỗi chất phác, hiền lành.

Dẫu rằng, sự mặc cảm bệnh tật và tự ti thân phận vẫn ít nhiều ám ảnh, nhưng trong câu chuyện của họ, tôi cảm giác như đã ánh lên nhiều niềm vui sống. Bệnh nhân Mai Văn Mùi (quê Nga Sơn) năm nay 76 tuổi và đã sống ở “làng phong” gần 40 năm. Vào “làng” khi bệnh đã chuyển biến nặng, ông buộc phải cắt đi 2 chân và tháo hết 10 ngón tay. “Ông không thể lao động, chỉ có thể sống dựa vào sự đùm bọc của “hàng xóm”, của các bác sĩ và hỗ trợ của Đảng, của Nhà nước”, ông Mùi chia sẻ. Dẫu biết mức hỗ trợ dăm, ba trăm nghìn mỗi tháng chẳng phải dư dả, nhưng với ông Mùi, cụ Huấn (95 tuổi) và số ít bệnh nhân phong còn sống trong khoa điều trị phong, có lẽ như vậy cũng là đủ. Đi gần hết cuộc đời, nếm đủ đau đớn bệnh tật và nhân tình ấm lạnh, nguyện vọng cuối đời họ chỉ là ra đi được thanh thản và mong cho cháu con có cuộc sống yên ấm. Sự kỳ thị của người đời dần biến mất, thay vào đó là sự cảm thông. Để rồi, con em của những bệnh nhân phong - những đứa trẻ may mắn được sinh ra không mắc phải căn bệnh quái ác từ cha mẹ - đã xây dựng gia đình, tìm cho mình được tổ ấm hạnh phúc ở làng Tô hoặc ở các làng xung quanh. Trẻ em trong làng đến tuổi đi học đều được đến trường, nhiều em đã thi đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề và tìm được việc làm. Những điều tưởng giản dị ấy lại là giấc mơ suốt mấy mươi năm của cư dân “làng phong”.

Trước đây, con của bệnh nhân phong hoặc bị kỳ thị, hoặc mặc cảm không thể hòa đồng với chúng bạn. Bởi vậy, cha mẹ chúng dù có chết vẫn để lại tủi hờn cho con cháu. Nay, mọi chuyện đã khác. Chính vì lẽ đó, chỉ có tình thương cùng sự sẻ chia của những người cùng cảnh ngộ; sự hỗ trợ của y, bác sĩ và chính sách quan tâm của Nhà nước; sự thấu hiểu, đồng cảm của xã hội cùng nghị lực sống bền bỉ, dẻo dai và bản chất thiện lương mới có thể giúp những thân phận kém may mắn ấy đi qua hành trình đằng đẵng nỗi đau và sự cô đơn vô tận của kiếp người. Đến đây, tôi chợt nhớ đến Baba Amte, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Ấn Độ, người đã kiên trì và góp công lớn trong việc đòi lại “nhân quyền” cho bệnh nhân phong, từng nói: Căn bệnh đáng sợ nhất không phải là mất chân tay, mà là việc người đó mất đi sức mạnh để thể hiện tình thương và lòng trắc ẩn với con người. Tiếp xúc với bệnh nhân phong, nghe họ trải lòng chuyện đời mình, xem cách họ đối diện với tự ti và mặc cảm để sống mới thấy, ẩn sâu trong vẻ ngoài thiếu thốn tay chân ấy là một tâm hồn đủ đầy tình cảm và tinh thần trách nhiệm. Họ đối lập với không ít người vốn khỏe mạnh, nhưng lại đang mắc “căn bệnh nan y” là thiếu mất tình thương và lòng trắc ẩn.

Hơn một lần bước chân vào cái “làng đặc biệt”, là hơn một lần gặp những cảnh đời cũng đặc biệt không kém, trong tôi chẳng còn cảm giác tò mò gì. Chỉ có một niềm cảm phục dành cho những người đã gắn bó suốt mấy mươi năm với người bệnh và căn bệnh từng một thời ám ảnh xã hội. Niềm mến phục và thương cảm ấy cũng xin được dành cho những người như ông Mùi, cụ Huấn và cả những bệnh nhân phong đã và đang hàng ngày lao động để nuôi bản thân cùng gia đình. “Làng phong” không còn xa vắng và cuộc sống no ấm, an yên đang tìm về dưới những mái nhà từng một thời ám ảnh đau thương.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]