(Baothanhhoa.vn) - Khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Thế nhưng, hiện nay, không chỉ những người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả những người đang sống ở khu vực thành thị cũng thờ ơ với việc KSKĐK.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người dân thờ ơ

Khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Thế nhưng, hiện nay, không chỉ những người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả những người đang sống ở khu vực thành thị cũng thờ ơ với việc KSKĐK.

Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người dân thờ ơ

Hội Chữ thập đỏ huyện Hoằng Hóa phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức khám bệnh, tư vấn cho người cao tuổi.

KSKĐK là việc kiểm tra sức khỏe để đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe của mỗi người. Theo các bác sĩ khuyến cáo, tất cả mọi người nên KSKĐK ít nhất 1 lần/năm. Những trường hợp khi có triệu chứng khó chịu nào đó thì cần đến bác sĩ khám ngay, chứ không phải chờ đến dịp khám định kỳ. Việc KSKĐK giúp mỗi người phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe nếu có, hoặc phát hiện bệnh vào giai đoạn sớm khi chưa có biểu hiện ra bên ngoài để điều trị hiệu quả hơn, khả năng lành bệnh cao hơn, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và tránh được các biến chứng do bệnh gây ra, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, KSKĐK đều đặn giúp mỗi người dân có những điều chỉnh hợp lý hơn về chế độ dinh dưỡng, chế độ làm việc, điều chỉnh lối sống nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết người dân chỉ đến các cơ sở y tế khám khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe chứ không tham gia KSKĐK. Nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc KSKĐK. Một số người có tâm lý e ngại, nếu đi khám phát hiện có bệnh, về nhà sẽ lo lắng nên không dám đi khám, để đến khi bệnh có diễn biến nặng hoặc có những biểu hiện bên ngoài thì mới đi khám. Điều đáng nói, không chỉ những người nông dân, người ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, hiểu biết hạn chế nên không đi KSKĐK mà ngay cả một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức, những người có điều kiện kinh tế và có thẻ BHYT cũng đang thờ ơ với việc KSKĐK. Họ chỉ tới bệnh viện khám khi có những triệu chứng của bệnh tật, hoặc khi cơ quan tổ chức khám định kỳ.

Ngồi đợi tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cô Cao Thu Hương (50 tuổi, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Con gái tôi 22 tuổi, chưa bao giờ đi KSKĐK. Do nghĩ còn trẻ nên không đau ốm bệnh tật gì. Khi thấy dấu hiệu bất thường trên cơ thể thì gia đình cho con đi khám mới phát hiện u vú, bác sĩ nói do u tương đối lớn nên gia đình sắp xếp thời gian để mổ. Hay như theo chú Trần Văn Minh (62 tuổi, TP Thanh Hóa) cho hay: Cũng vì chủ quan về tình trạng sức khỏe của bản thân nên thường không đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Mỗi khi thấy sức khỏe có dấu hiệu bệnh, tôi chỉ ra quầy thuốc tây mua thuốc về uống. Cách đây 1 năm, khi ho kéo dài, người mệt mỏi, vẫn tự mua thuốc về điều trị. Sau nhiều ngày uống thuốc không bớt, sức khỏe suy giảm, tôi mới đến Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa để kiểm tra. Tại đây bác sĩ cho biết tôi bị mắc bệnh viêm phế quản - phổi mãn tính. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh đã ổn định, nay tôi đã thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình.

Cả hai trường hợp trên đều rất may mắn vì đều được các bác sĩ phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm và có thể điều trị được. Còn rất nhiều trường hợp đáng tiếc, bệnh nhân khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn nặng. Lúc đó y học chỉ có thể can thiệp để kéo dài sự sống hoặc giảm bớt đau đớn cho người bệnh chứ không thể điều trị khỏi. Như, anh Lê Minh Quang (45 tuổi, xã Đông Tiến, Đông Sơn) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng tức ngực, khó thở. Tại đây, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu không đặc hiệu và phải nằm lại bệnh viện để theo dõi, điều trị. Được biết, đối với bệnh này, nếu bệnh nhân chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám định kỳ, phát hiện sớm thì sẽ được bác sĩ tư vấn để điều trị bệnh tốt hơn, mà không để xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng như thế này.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm bệnh viện khám và điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người. Như năm 2018, bệnh viện có 195.559 lượt người khám bệnh, nhưng đa phần trong số đó là khám sức khỏe với các mục đích xin việc, học tập, lao động, hay khi cơ thể đã có những biểu hiện bất thường. Còn số người dân tới KSKĐK tự nguyện vì sức khỏe của bản thân thì chiếm tỷ lệ rất ít. Do đó, khi có người đến khám bệnh các bác sĩ và nhân viên y tế thường tư vấn và khuyên người dân nên KSKĐK. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên đi KSKĐK, vì đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm và chữa trị bệnh vì rất nhiều bệnh diễn biến âm thầm trong nhiều năm và chỉ được phát hiện khi có triệu chứng nặng. Đặc biệt, một số bệnh lý sẽ có lợi thế hơn khi được điều trị ở giai đoạn sớm như: Cao huyết áp, tăng cholesterol và mỡ trong máu, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường. Khi phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất, cũng như thói quen ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi, chế độ luyện tập thể dục thể thao... nhằm hạn chế, ngăn ngừa bệnh biến chứng nặng, giúp người bệnh giữ gìn sức khỏe.

Bài và ảnh: Nguyễn Thùy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]