(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và điều lệ Hội “Vì sự phát triển của ngành, vì hội viên, vì người bệnh và cộng đồng”, với 4.480 hội viên sinh hoạt tại 40 chi hội, những năm qua, Hội Điều dưỡng Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội Điều dưỡng Thanh Hóa có nhiều hoạt động thiết thực vì người bệnh

Hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và điều lệ Hội “Vì sự phát triển của ngành, vì hội viên, vì người bệnh và cộng đồng”, với 4.480 hội viên sinh hoạt tại 40 chi hội, những năm qua, Hội Điều dưỡng Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nội soi gây mê theo dõi viêm dạ dày cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn.

Thực hiện Quyết định số 20/2012/QĐ-HĐD của Hội Điều dưỡng Việt Nam về việc ban hành chuẩn đạo đức Điều dưỡng viên và các văn bản chỉ đạo của Cục Quản lý KCB-BYT, Hội Điều dưỡng Thanh Hóa phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế triển khai tập huấn, ban hành văn bản hướng dẫn và ký cam kết thực hiện; tạo nên phong trào thi đua và ý thức trách nhiệm đối với người bệnh, đồng thời khơi dậy lòng tự tôn nghề nghiệp của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y. Vì thế đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và giao tiếp ứng xử với người bệnh. Hằng năm có nhiều thư, cuộc gọi khen ngợi về tinh thần thái độ phục vụ của điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y, đã có nhiều tấm gương điều dưỡng vừa thực hiện tốt công tác chuyên môn vừa thực hiện tốt công tác xã hội trong bệnh viện. Tại nhiều bệnh viện, chi hội điều dưỡng đã tích cực vận động hội viên cùng các nhà hảo tâm tổ chức “bát cháo tình thương”, “bữa ăn cho bệnh nhân nghèo”, nhiều cán bộ hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo lý “thương người như thể thương thân” để chăm sóc giúp đỡ người bệnh, tham gia hiến máu cứu người bệnh qua cơn hiểm nghèo. Đa số hội viên tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có nhiều hội viên hiến máu từ 2 lần trở lên, rất nhiều người hiến từ 3-4 lần, hiến máu trong các tình huống khẩn cấp cứu sống người bệnh.

Trong triển khai “Kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh” và xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp - an toàn”, hội đã chủ động chỉ đạo các chi hội gắn việc thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên, tích cực triển khai các hoạt động xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp - an toàn”, nhiều chi hội đã triển khai thực hiện 5S tại môi trường làm việc, vệ sinh sạch sẽ khoa/phòng/buồng bệnh. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn mang tính đặc thù của hội nghề nghiệp, các phong trào văn nghệ, thể thao, hoạt động từ thiện, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí đều được các hội viên hăng hái tham gia.

Ngoài ra, hội cũng tạo điều kiện cho các hội viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của điều dưỡng, tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của Thông tư 07 của Bộ Y tế hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh. Trong đó tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, thực hiện nghiêm túc 12 Điều Y đức, triển khai thực hiện một số quy trình kỹ thuật chuyên môn, giao tiếp ứng xử, giáo dục sức khỏe, kiểm soát nhiễm khuẩn, tiêm an toàn... tại các bệnh viện. Do vậy tỷ lệ người bệnh hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế và điều trị tại bệnh viện đang được cải thiện dần.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được hội viên tham gia tích cực. Đã có 58 báo cáo khoa học và 37 sáng kiến của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, đặc biệt trong năm 2016, có 1 sáng kiến cải tiến khoa học - kỹ thuật tham gia vào hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh đạt giải khuyến khích và nhiều đề tài, báo cáo được đăng tại Tạp chí điều dưỡng, Tạp chí sức khỏe...

Trao đổi với cử nhân điều dưỡng Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Thanh Hóa, được biết, lực lượng điều dưỡng chiếm đa số trong nhân lực của ngành y tế, họ có đóng góp rất quan trọng đối với ngành y. Trong việc cứu chữa một ca bệnh thành công, bác sĩ thực hiện khám bệnh, cho thuốc và ra y lệnh, các công việc còn lại, như: Chăm sóc, cho uống thuốc, theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ... là của người điều dưỡng.

Có thể nói công việc của điều dưỡng không đơn thuần chỉ là chăm sóc người bệnh hàng ngày. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, đội ngũ điều dưỡng còn phải cập nhật những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, tiếp cận với các kỹ thuật hiện đại, một số kỹ thuật phức tạp của chuyên khoa nhằm tăng cường công tác chăm sóc người bệnh được toàn diện như sử dụng máy chạy thận nhân tạo, phụ mổ nội soi, chăm sóc sơ sinh non yếu... Một số kỹ năng chăm sóc người bệnh nhiễm lao phổi, HIV/AIDS, tâm thần, kỹ năng chăm sóc người bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn... được coi là phức tạp không chỉ đòi hỏi người điều dưỡng cần phải có trình độ chuyên môn mà còn phải kết hợp sự khéo léo, tinh tế trong quá trình tiếp xúc với người bệnh. Mặt khác, công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện còn được hội viên điều dưỡng thực hiện nghiêm túc và xử lý chất thải y tế theo quy định trong quá trình chăm sóc người bệnh bởi đây là yếu tố quan trọng làm giảm khả năng nhiễm khuẩn bệnh viện, kéo dài thời gian điều trị của người bệnh... Tất cả đã tạo nên một phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của đội ngũ điều dưỡng và thu hút đông đảo hội viên tham gia, qua đó nhằm đẩy lùi các tiêu cực trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được hội viên điều dưỡng duy trì và thực hiện đều đặn giúp người bệnh biết cách phòng bệnh, hiểu rõ được bệnh tật của mình, tin tưởng và yên tâm điều trị.


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]