(Baothanhhoa.vn) - Hầu hết những người dùng internet đều không dưới một lần tra cứu các thông tin y học trên mạng, thậm chí rất nhiều người còn tin tưởng vào những “đơn khám” của “bác sĩ Google”. Có loại “thần dược” được quảng cáo công năng đặc dụng, chữa được tất cả các bệnh kể cả ung thư hay... COVID-19. Cùng với đó việc quản lý mua bán, kinh doanh thuốc online đang bị buông lỏng, không được kiểm soát chặt chẽ khiến người tiêu dùng, nhất là người bệnh đang phải đối mặt không ít nguy hại, thậm chí lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiểm họa từ những “thần dược”... online

Hầu hết những người dùng internet đều không dưới một lần tra cứu các thông tin y học trên mạng, thậm chí rất nhiều người còn tin tưởng vào những “đơn khám” của “bác sĩ Google”. Có loại “thần dược” được quảng cáo công năng đặc dụng, chữa được tất cả các bệnh kể cả ung thư hay... COVID-19. Cùng với đó việc quản lý mua bán, kinh doanh thuốc online đang bị buông lỏng, không được kiểm soát chặt chẽ khiến người tiêu dùng, nhất là người bệnh đang phải đối mặt không ít nguy hại, thậm chí lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Hiểm họa từ những “thần dược”... onlineChỉ cần vài lần nhấp chuột đã có những trang web với vô vàn quảng cáo về nhiều loại thuốc chữa bệnh hấp dẫn. Ảnh: Hoài Linh

Những “thần dược” trừ bách bệnh

Cùng với sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân tăng cao, khiến thị trường dược phẩm trên mạng internet ở nước ta phát triển mạnh mẽ.

Chỉ cần vài lần nhấp chuột với thao tác đơn giản, ai cũng có thể tìm ra những trang Web với vô vàn quảng cáo về buôn bán, cung cấp nhiều loại thuốc chữa bệnh hấp dẫn. Đơn cử như đánh từ khóa “Thuốc Nam giảm đau ung thư” trên Google, trong vòng 0,43 giây đã có khoảng 30 triệu kết quả liên quan. Điểm chung của tất cả những trang web rao bán thuốc chữa bệnh là dùng những lời có “cánh” như từ giờ bị sỏi thận, sỏi mật không cần đến bệnh viện mổ khổ sở tốn kém nữa... Lương y V.C nức tiếng với phương pháp gia truyền đông y điều trị bệnh sỏi thận, sỏi mật và sỏi tiết niệu ngay tại nhà; thoát khỏi mề đay, mẩn ngứa nhờ tìm thấy PBK; bán thuốc diệt khối u 99 - 100%, trị ung thư hiệu quả... thậm chí còn chắc như đinh đóng cột “Chúng tôi đã có thảo dược trừ tà diệt virus cho bà con. Đây là những cây thuốc dân gian Việt Nam hoàn toàn có thể chống cúm do virus bao gồm cả virus COVID-19”...

Vậy nhưng, rất khó biết đích xác người bán là ai và việc quảng cáo đó có được cấp phép không?. Bởi việc đăng ký rao bán online cực kỳ đơn giản, chính ban quản trị website cũng không xác định được hàng thật hay hàng giả. Thế nhưng, nhiều người vẫn vô tư mua thuốc qua mạng, vì ngại đi khám bệnh mất thời gian, hoặc vì mắc bệnh “khó nói”, nên muốn có thuốc ngay, đỡ phải đi lại và giá lại rẻ hơn ở nhà thuốc. Dù đa số “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều người vẫn tìm mua do quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” mà không biết rằng đó là sự đùa giỡn với chính sinh mạng của mình.

Do tính chất công việc phải thường xuyên đi lại, tiếp xúc nhiều người, anh Nguyễn Hoàng Long, xã Hải Bình, huyện Hà Trung chọn cách ăn thật nhiều tỏi mỗi ngày để chống COVID-19. Anh Long tâm sự: “Tôi có đọc trên mạng nói ăn tỏi sẽ cung cấp nhiều allicin cho cơ thể, từ đó giảm nguy cơ bị cảm cúm, tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế mắc COVID-19 nên hàng ngày, tôi đều ăn 20 - 30 nhánh tỏi và ăn bất cứ lúc nào có thể”.

Thế nhưng, do bản thân anh Long trước đó đã có bệnh đại tràng và dạ dày, việc ăn quá nhiều tỏi mỗi ngày khiến anh bị viêm dạ dày nặng, phải nhập viện. Lúc ấy mới biết rằng, Bộ Y tế chưa từng công bố cách chữa trị nào như vậy. Bài thuốc trên không thể dùng để chữa trị, phòng, chống COVID-19.

Đừng chết vì... thiếu hiểu biết

Ở nước ta, từ lâu, Bộ Y tế đã có chủ trương sử dụng thuốc an toàn và hợp lý phổ biến rộng rãi cho mọi người biết nhằm tránh tình trạng dùng thuốc bừa bãi, tràn lan gây nên sự lãng phí tiền của và hao tổn sức khỏe, nguy hiểm tính mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp người dân sử dụng thuốc tùy tiện, không theo khuyến cáo, đặc biệt là thị trường bán thuốc online. Từ những loại thuốc giá rẻ chỉ mấy chục nghìn/hộp đến thuốc đắt tiền lên đến hàng triệu đồng/hộp. Các trang mạng này đều sẵn sàng cung ứng khi có khách hàng đặt online. Đặc biệt, các loại kháng sinh cũng được rao bán tràn lan, trong khi theo quy định đây là những loại thuốc bắt buộc phải có kê đơn của bác sĩ.

Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Kinh doanh thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra, phải đạt thực hành tốt tiêu chuẩn bán lẻ thuốc (GPP). Trong đó, mỗi nhà thuốc bắt buộc phải có dược sĩ phụ trách chuyên môn có chứng chỉ hành nghề dược, có nhân viên bán thuốc, có cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy trình để bảo đảm các hoạt động chuyên môn của nhà thuốc. Việc mua bán thuốc phải được diễn ra tại nhà thuốc và theo quy định của pháp luật, khi nhà thuốc mở cửa thì dược sĩ phải có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn.

Hiện nay, Luật Dược năm 2016 và các văn bản dưới luật này chưa có quy định các hình thức bán thuốc qua mạng, do đó tất cả những việc chào mời, kinh doanh thuốc qua mạng là hành vi vi phạm pháp luật.

Bất chấp những quy định ấy, hàng loạt nhà thuốc online đều dùng những lời quảng cáo “có cánh” như “Bảo đảm bạn sẽ hài lòng, giá rẻ, chỉ khoảng 75% nếu so với giá mua ở bên ngoài cùng một loại thuốc...”, “Thuốc trị lo âu mất ngủ, hồi hộp, mập làm cho ốm, xóa nếp nhăn giúp các bà trẻ đẹp mãi mãi”, hay “Mua dễ dàng không cần toa bác sĩ, giao hàng nhanh, hoàn toàn kín đáo”... để thu hút khách hàng của mình.

Hiện nay, việc kinh doanh thuốc qua mạng vẫn chưa kiểm soát được do những địa chỉ, thông tin trên mạng khi kiểm tra đều là các địa chỉ ảo. Việc tiếp cận được với những tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc qua mạng rất khó, cần sự phối hợp giữa các cơ quan về an ninh mạng, ngành thông tin truyền thông và ngành y tế.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua thuốc qua mạng, nhất là những thuốc theo quy định phải kê đơn, phải có chỉ dẫn của bác sĩ; nếu không sẽ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Hoài Linh


Hoài Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]