(Baothanhhoa.vn) - Ca nhiễm HIV đầu tiên tại Thanh Hóa phát hiện ở huyện Đông Sơn vào tháng 11-1995, tính đến tháng 3-2020 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 8.395 người, trong đó số người đang còn sống và được quản lý là 4.119 (3.577 người Thanh Hóa và 542 người ở trại giam) và hơn 2.500 người nhiễm đã tử vong; 100% huyện, thị xã, thành phố; 93,8% xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành động vì các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS

Ca nhiễm HIV đầu tiên tại Thanh Hóa phát hiện ở huyện Đông Sơn vào tháng 11-1995, tính đến tháng 3-2020 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 8.395 người, trong đó số người đang còn sống và được quản lý là 4.119 (3.577 người Thanh Hóa và 542 người ở trại giam) và hơn 2.500 người nhiễm đã tử vong; 100% huyện, thị xã, thành phố; 93,8% xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS.

Hành động vì các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS

Bệnh nhân uống methadone ở Trạm Y tế xã Trung Sơn (Quan Hóa).

Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), tiến tới kết thúc dịch AIDS, tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị. Năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông trực tiếp được 21.724 lượt truyền thông về HIV/AIDS cho 983.884 lượt người. Toàn tỉnh có 12/27 huyện có phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính trong đó có 11 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tuyến huyện và 1 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong năm 2019, 22 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện toàn tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 123.482/125.227 khách hàng được tư vấn (chiếm 98,6%); số khách hàng có kết quả HIV (dương tính), đạt 0,4% số khách hàng làm xét nghiệm (515/123.482). 99,8% khách hàng có kết quả HIV (dương tính) đều đến nhận kết quả (515/516). Đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT) vẫn là đối tượng nguy cơ lớn nhất đến tư vấn xét nghiệm HIV và có kết quả HIV (dương tính) cao nhất (357/515).

Chương trình điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc methadone đang triển khai cung cấp dịch vụ điều trị tại 27 cơ sở và 17 điểm cấp phát thuốc ở 24 huyện, thị xã, thành phố (trừ Như Thanh, Như Xuân, Vĩnh Lộc chưa triển khai), với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 2.449 người; 98,7% bệnh nhân điều trị methadone có HIV đã được điều trị ARV; có 32 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Buprenorphine, trong đó có 4/32 bệnh nhân đang điều trị nhiễm HIV và đang được điều trị ARV. Công tác hỗ trợ điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Có 9/27 huyện được Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ toàn diện bao gồm tư vấn xét nghiệm cho 100% phụ nữ mang thai và bảo đảm các cơ sở sản khoa có thuốc điều trị kịp thời.

Đối với công tác điều trị ARV, có 3.832 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 3.367 bệnh nhân điều trị tại 34 cơ sở điều trị và 465 bệnh nhân điều trị tại 12 điểm cấp phát thuốc của 2 huyện Mường Lát và Quan Hóa; 3.722 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 1 và 110 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2; 722 bệnh nhân được làm xét nghiệm CD4... Hiện tại có 620/3.834 bệnh nhân của 3 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa đã nhận thuốc qua BHYT, đã tạo điều kiện cho những người đang điều trị ARV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV. Đây là một bước chuyển mang ý nghĩa to lớn hướng tới một chương trình điều trị HIV bền vững, với dịch vụ điều trị bảo đảm chất lượng và chi phí phải chăng, đóng góp cho nỗ lực chung hướng tới tiếp cận phổ cập về chăm sóc sức khỏe. Hiện, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh trong toàn quốc có số bệnh nhân được điều trị đạt mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra, đó là 90% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi bệnh nhân HIV được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, đồng thời ngăn chặn được sự nhân lên của vi-rút trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung ở những người có hành vi nguy cơ cao như người NCMT, người mua bán dâm. Số nhiễm HIV phát hiện chính ở nhóm người NCMT (64,3%), lây chủ yếu qua đường máu (64,1%), phân bổ ở nam giới (78,2%), là những người ở các nhóm thất nghiệp (32,9%) và trong độ tuổi 20 - 39 tuổi (85%).. Qua số liệu giám sát ca bệnh và giám sát trọng điểm, dịch HIV có xu hướng 3 giảm (ca nhiễm HIV mới, ca điều trị ARV, ca tử vong) trong 2 năm gần đây. Triển khai chương trình 90-90-90, trong những năm qua, Thanh Hóa đã chủ động lồng ghép các hoạt động, nguồn lực của chương trình, dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu trên bởi là tỉnh có diện tích rộng, 11 huyện miền núi giao thông đi lại khó khăn, là rào cản không nhỏ khi người nhiễm HIV, NCMT muốn tiếp cận với dịch vụ chương trình. Bên cạnh đó, tình hình HIV/AIDS diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng lan rộng ra cộng đồng ở nhóm người ít có nguy cơ cao. Đặc biệt, hiện nay các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm... Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên và tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]