(Baothanhhoa.vn) - Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1-3-2019 các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử (BAĐT). Tuy nhiên, việc triển khai BAĐT mới ở giai đoạn khởi động, tồn tại lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, hầu hết các bệnh viện vẫn đang trong quá trình chuẩn bị do còn nhiều khó khăn và những ràng buộc khắt khe của Thông tư 46.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Còn nhiều khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1-3-2019 các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử (BAĐT). Tuy nhiên, việc triển khai BAĐT mới ở giai đoạn khởi động, tồn tại lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, hầu hết các bệnh viện vẫn đang trong quá trình chuẩn bị do còn nhiều khó khăn và những ràng buộc khắt khe của Thông tư 46.

Còn nhiều khó khăn khi triển khai bệnh án điện tửBệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc triển khai ứng dụng quét mã lưu mẫu xét nghiệm bệnh phẩm.

Theo Bộ Y tế, BAĐT là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trước đây, trong hệ thống thông tin y tế, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện đều phải thực hiện trên giấy tờ, sổ sách. Việc này gây ra rất nhiều bất cập như lượng thông tin lưu trữ quá lớn, tìm kiếm khó khăn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin giữa các khoa trong bệnh viện hoặc giữa các bệnh viện với nhau còn hạn chế.

Với BAĐT, những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Chỉ cần một chiếc máy tính với phần mềm được cài đặt sẵn có thể lưu trữ nguồn dữ liệu khổng lồ thay cho kho lưu trữ giấy cồng kềnh trước đây. Qua đó, các cơ sở y tế sẽ dễ dàng quản lý tình hình khám, chữa bệnh (KCB), tìm kiếm thông tin bệnh nhân hay tiền sử của những lần khám trước đó để thuận lợi khi điều trị. Nhất là việc kết nối thông tin giữa các cơ sở y tế với Bộ Y tế và cơ quan BHXH trong việc thanh toán BHYT cho bệnh nhân sẽ được thuận tiện, minh bạch hơn. Không chỉ chứa dữ liệu, BAĐT còn giúp bác sĩ truy cập thông tin nhanh, hỗ trợ công tác chẩn đoán, thống kê và nghiên cứu khoa học của các chuyên khoa, giảm thiểu tài liệu lưu trữ hàng năm cho hệ thống bệnh viện, hỗ trợ tối đa các bác sĩ trong việc nâng cao hiệu quả KCB và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Ở góc độ người bệnh, BAĐT giúp bệnh nhân không bắt buộc phải lưu trữ hay mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám bệnh, tái khám. Với bác sĩ, BAĐT giúp lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống, từ đó bác sĩ có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình của bệnh nhân, đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác, cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết.

Tại Thanh Hóa, thời gian qua, các ngành chức năng cũng như UBND tỉnh đã đẩy mạnh kết nối với các nhà mạng để tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác KCB BHYT. Sở Y tế đã phối hợp với VNPT, Viettel, BHXH tỉnh và chỉ đạo toàn ngành thực hiện nội dung này.

Ngay sau khi triển khai thực hiện lộ trình BAĐT, Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa đã thực hiện nâng cấp hệ thống CNTT, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc sẵn sàng cho việc áp dụng BAĐT và là một trong những bệnh viện thực hiện khá nhanh các bước để áp dụng kịp thời đưa BAĐT thay cho bệnh án giấy ngay từ 1-3-2019. Đến nay, toàn bộ bệnh án của bệnh nhân nội trú đã được thực hiện trên hệ thống phần mềm điện tử, giảm được phần lớn về thời gian chờ đợi cho bệnh nhân cũng như tiết kiệm được thời gian cho y, bác sĩ trong quá trình làm bệnh án.

Theo bác sĩ CKII Hà Khánh Dư, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết, lộ trình thực hiện BAĐT được triển khai từ nay đến khoảng năm 2023 mới có thể hoàn thiện, bước đầu chúng tôi đưa vào áp dụng BAĐT đối với bệnh nhân ngoại trú và đã thấy những tiện ích rõ rệt. Nếu như trước đây mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong 1 đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin vẫn còn xảy ra, thì đến nay, phần mềm BAĐT khắc phục được những bất cập đó, thông tin về tất cả các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học, những thông tin này có thể sử dụng làm dữ liệu liên thông cho các bệnh viện, thuận tiện để theo dõi lịch sử bệnh của bệnh nhân để điều trị và chẩn đoán chính xác các loại bệnh.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, xác định được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong công tác KCB, qua tham khảo và học tập kinh nghiệm tại một số bệnh viện lớn, bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện Minh Lộ trong quản lý và KCB tại các khoa, phòng, giúp cho mỗi cán bộ, nhân viên y tế giảm bớt các thao tác thủ công, rút ngắn quy trình, thủ tục cho bệnh nhân. Từ “máy chủ”, lãnh đạo bệnh viện có thể giám sát hoạt động của bệnh viện một cách toàn diện, từ quy trình KCB đến quản lý nhân sự, tài chính..., góp phần chấn chỉnh, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện đã đầu tư 50 máy tính cho các khoa, phòng để phục vụ thuận lợi hơn cho công việc. Gần 100% khoa, phòng đã ứng dụng CNTT trong quản lý, như: tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, quản lý xét nghiệm, quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý dược, tài chính kế toán... Mọi thủ tục được kiểm soát chặt chẽ, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho người bệnh, đồng thời tạo sự công bằng cho mọi người khi đến khám và điều trị.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương, thì: BAĐT nếu triển khai thành công, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong công tác KCB vì nó công khai, minh bạch, đặc biệt sau này liên thông dữ liệu y tế. Đây là một bước tiến của ngành y tế, hiện bệnh án giấy đang quá nhiều, phải làm thêm phòng để lưu trữ. Nhưng, để triển khai BAĐT được thì cần phải có quy định rõ ràng hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương đã triển khai nối mạng máy tính trong việc KCB, kết nối với cổng thanh toán BHYT, nhưng để triển khai thực hiện BAĐT thì chưa làm được do còn thiếu về cơ sở hạ tầng, con người. Thực hiện BAĐT không hề đơn giản, bên cạnh đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT, các bệnh viện cần phải tính đến việc lưu hồ sơ bệnh án như thế nào để bảo đảm hệ số an toàn, bí mật thông tin cho bệnh nhân; chống vi-rút ra sao; nếu mất mạng Internet hay thất thoát dữ liệu thì phải xử lý thế nào... Chủ trương đưa ra bệnh viện sẽ thực hiện, nhưng sẽ triển khai từng phần, làm từng bước một.

Còn ông Hoàng Hữu Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết, việc cập nhật thông tin bệnh nhân trên máy tính, bệnh viện đã thực hiện nhiều năm nay nhưng để áp dụng BAĐT vào ngay thì hiện tại bệnh viện vẫn chưa thể thay thế được bản giấy, vẫn phải thực hiện song song cả hai. Bởi để thực hiện được BAĐT thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất về chữ ký điện tử, hiện tại bệnh viện chưa đăng ký được chữ ký điện tử. Theo đó toàn bộ chữ ký đều vẫn phải thực hiện trên giấy. Thứ hai về cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu. Để có thể nhập được tất cả thông tin bệnh án giấy như việc thăm khám, xét nghiệm, chăm sóc trên một mũi tiêm, thuốc điều trị, nằm viện, ra viện, sử dụng dịch vụ, trang thiết bị, ra viện... tất cả cái đó đều phải nhập trên máy tính thì cần phải có khối lượng máy tính lớn. Và hiện nay, với bối cảnh các bệnh viện đều phải tự chủ tài chính thì đây là một khó khăn chung của các bệnh viện không riêng bệnh viện nào. Bên cạnh đó, việc tăng nhân lực để đáp ứng giai đoạn chuyển giao từ bệnh án giấy sang BAĐT cũng là mối quan tâm của bệnh viện. Việc đào tạo nhân lực để áp dụng BAĐT thao tác trên máy tính cũng cần mất thời gian. Việc viết bệnh án trên giấy sẽ đơn giản hơn rất nhiều việc đánh máy trên máy tính. Nếu một tên thuốc viết sai trên giấy có thể gạch đi nhưng trên máy tính thì không thể đơn giản như vậy. Bởi, chỉ cần với một thao tác nhấp chuột mà tên thuốc sai sẽ ngay lập tức nhảy lên khoa dược, và mọi chuyện sẽ bị thay đổi hoàn toàn.

Do việc tăng nhân lực cho BAĐT không hề đơn giản nên để chuẩn hóa được tất cả các khâu thì các bệnh viện đều cần thời gian thích ứng và chuẩn bị kỹ. Đây là một trong những khó khăn đang nảy sinh ở hầu hết các bệnh viện. Trao đổi với lãnh đạo ngành y tế được biết: Dù có những khó khăn nhất định, song Sở Y tế vẫn quyết tâm sớm triển khai thực hiện đại trà để mang lại thuận lợi nhất cho bệnh nhân và cơ sở KCB. Đây là chủ trương đúng đắn hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành y tế.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]