(Baothanhhoa.vn) - Thời điểm giao mùa hiện nay với mưa, nắng thất thường, độ ẩm không khí cao, tiết trời nồm ẩm, là điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển và lây lan trong cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa hiện nay với mưa, nắng thất thường, độ ẩm không khí cao, tiết trời nồm ẩm, là điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển và lây lan trong cộng đồng.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Tại huyện Thường Xuân, do làm tốt công tác tuyên truyền và chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực phòng chống dịch; tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc phân tuyến, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo nên đến thời điểm này tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện ổn định.

Tại các trường học, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng được tăng cường và thực hiện thường xuyên, nhất là đối với bậc mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường học tổ chức tuyên truyền trên loa, bảng tin nhà trường; tổ chức tập huấn kiến thức về phòng chống một số dịch bệnh, nhằm tăng cường ý thức phòng, chống dịch bệnh cho giáo viên, học sinh; tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm...

Trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Vệ (TP Thanh Hóa) được biết: Để phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, nhất là trong thời điểm giao mùa, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các giáo viên phải thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh cá nhân cho các em, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ thói quen vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thường xuyên quét dọn phòng học và khu vực xung quanh, khử khuẩn dụng cụ học tập, đồ chơi; khi giáo viên tiếp nhận trẻ đến lớp thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh chủ động thông báo đến phụ huynh cho con nghỉ học để tránh lây nhiễm sang các trẻ khác. Do có tổ chức ăn bán trú cho các cháu nên nhà trường rất chú trọng công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lớp học, thường xuyên vệ sinh bếp ăn để bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, cho trẻ ăn chín, uống chín với các loại thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, có cam kết với người cung cấp thực phẩm... Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhiều năm qua, nhà trường không để xảy ra dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê của ngành y tế, trong 2 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 7.269 ca mắc bệnh cúm mùa, 31 ca mắc quai bị, 97 ca thủy đậu, 13 ca sốt xuất huyết, 972 ca tiêu chảy... Để ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh thời điểm giao mùa, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Các điểm tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng tránh các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm họng, cao huyết áp, đột quỵ ở người cao tuổi; thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ cho các xã, phường trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện và nhân lực tăng cường cho cơ sở để kịp thời giám sát, thu dung và điều trị bệnh nhân; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh đầu tiên, không để lây lan bùng phát thành dịch; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc triển khai công tác phòng chống dịch, tiến hành kiểm tra, phúc tra các ổ dịch cũ và các vùng trọng điểm để phát hiện người lành mang trùng cùng với các yếu tố nguy cơ... Do vậy thời gian qua tình hình bệnh truyền nhiễm không có diễn biến phức tạp, các ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện rải rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, để phòng bệnh, các gia đình phải giữ vệ sinh môi trường sống; bảo đảm chế độ dinh dưỡng hằng ngày, không thức khuya, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh bị nhiễm lạnh để phòng bệnh. Đối với người cao tuổi thường có thói quen dậy sớm tập thể dục nhưng trong thời điểm giao mùa, nhất là vào lúc sáng sớm tiết trời se lạnh cần phải giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời. Đối với trẻ em, ngoài việc mặc quần áo phù hợp khi thời tiết thay đổi, khi ra đường nên mang khẩu trang để tránh khói bụi, mầm bệnh.


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]