(Baothanhhoa.vn) - Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam bắt đầu được triển khai từ năm 1981, với nhiệm vụ tiêm phòng không mất tiền cho mục tiêu cơ bản là trẻ em, để trẻ nâng cao thêm hệ miễn dịch, chống lại các chứng bệnh hiểm nguy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần “lấp” khoảng trống trong tiêm chủng mở rộng

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam bắt đầu được triển khai từ năm 1981, với nhiệm vụ tiêm phòng không mất tiền cho mục tiêu cơ bản là trẻ em, để trẻ nâng cao thêm hệ miễn dịch, chống lại các chứng bệnh hiểm nguy.

Cần “lấp” khoảng trống trong tiêm chủng mở rộng

Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra công tác tiêm chủng ComBE Five tại Trạm Y tế xã Hải Long (Như Thanh).

Ông Ngô Thế Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Như Thanh, cho biết: Trước các buổi tiêm chủng, đơn vị đều tổ chức họp giao ban với các trạm y tế xã, thị trấn và các cán bộ khoa, phòng chủ chốt; đồng thời cử cán bộ giám sát của trung tâm thường xuyên xuống các trạm y tế xã, thị trấn để dự giao ban về công tác TCMR cũng như giám sát việc tổ chức tiêm chủng bảo đảm theo đúng quy trình an toàn của Bộ Y tế. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho y tế thôn, bản và cử cán bộ, bác sĩ đi học, tập huấn nâng cao trình độ. Việc quản lý, giám sát các bệnh truyền nhiễm trẻ em trong chương trình TCMR được tăng cường và thực hiện chặt chẽ tại tất cả các đơn vị y tế từ huyện xuống xã, thị trấn... Đến nay 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đạt quy trình tiêm chủng an toàn. Do làm tốt công tác chuẩn bị và thực hiện tiêm chủng an toàn nên nhiều năm liền, trên địa bàn huyện không có sai sót về chuyên môn tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh cho trẻ và phụ nữ có thai theo chương trình TCMR các năm đều đạt trên 98%.

Tại Thanh Hóa, chương trình TCMR chính thức triển khai từ năm 1985 và luôn được duy trì với tỷ lệ hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Đặc biệt, từ năm 1998 đến nay, tỉnh ta luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi các loại vắc-xin từ 95% trở lên ở mọi đối tượng.

Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh. Khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Chương trình TCMR được triển khai ở tỉnh ta đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc phòng tránh các bệnh nói chung, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói riêng theo thời điểm, theo mùa như lao, viêm gan B, bại liệt, sởi-rubella, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin cho trẻ trong chương trình TCMR của tỉnh liên tục tăng cao. Để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là những loại vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng, định kỳ, ngành y tế chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, truyền thông tư vấn trực tiếp đến người dân và cộng đồng về lợi ích của một số loại vắc-xin mới được đưa vào chương trình TCMR trong từng năm, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc-xin... nhằm triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao trong công tác TCMR. Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở Y tế thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kỹ năng giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và triển khai các quyết định mới của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắc-xin trong phòng và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các vùng lõm về tiêm chủng khi tỷ lệ tiêm chủng không đạt như mục tiêu, khiến một số bệnh truyền nhiễm đã trở lại như: Năm 2018 cả tỉnh có 13 trẻ mắc ho gà, thì chỉ 3 tháng đầu năm 2019, đã có đến 26 trẻ mắc ho gà. Nguyên nhân là do trẻ không được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh. Công tác triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt 73,3% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017); vắc-xin phối hợp BH-HG-UV-VGB-Hib mũi 3 chỉ đạt 78% (thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017) vì vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng không được cấp từ tháng 9-2018, trong khi vắc-xin thay thế vắc-xin Quinvaxem chưa được triển khai; tỷ lệ tiêm phòng các bệnh sởi - rubella chỉ đạt 87,3%, thấp hơn so với tỷ lệ tiêu chuẩn 90%, một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng rất thấp như Tĩnh Gia (62,7%), Nông Cống (73,9%)... Bên cạnh đó, việc thiếu vắc-xin DPT-VGB-Hib trong các tháng 8-12 năm 2018 và việc chuyển đổi vắc-xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) gặp một số bất lợi do số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng trong hơn 2 tháng triển khai ở các địa phương trong cả nước đã trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ y tế và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin này tại Thanh Hóa. Trong đợt triển khai điểm tiêm vắc-xin ComBE Five thay thế cho vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem tại 18 xã/9 huyện từ ngày 6 đến 13-3-2019, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp so với kế hoạch, đạt 119 trẻ/471 trẻ sau rà soát của 1.221 trẻ trong độ tuổi đủ 3 tháng tuổi tiêm mũi 2 và 4 tháng tuổi tiêm mũi 3. Triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five diện rộng từ 4 đến 12-4 trên toàn tỉnh (trừ huyện Triệu Sơn chưa triển khai), đã có gần 7.000 trẻ được tiêm, trong đó có 131 trẻ có phản ứng thông thường (một số có phản ứng nặng tím tái, sốt trên 390C, co giật...) phải nhập viện điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, những phản ứng sau tiêm là biểu hiện rất bình thường của các loại vắc-xin, trong đó có vắc-xin ComBE Five. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắc-xin ComBE Five, là sốt từ 38-390C, chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng là 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau là 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Vì vậy, để bảo đảm cho trẻ có đủ miễn dịch phòng tránh 5 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ trong độ tuổi (2-4 tháng tuổi) hoặc trẻ chưa tiêm đủ 3 liều vắc-xin 5 trong 1 đến các trạm y tế xã, phường để được cán bộ y tế tư vấn và tiêm chủng. Khi đưa trẻ đi tiêm, các bậc phụ huynh cần lưu ý các vấn đề, như trước khi tiêm cần vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ; cho trẻ ăn/bú vừa đủ, không nên quá no hoặc quá đói; mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát; hoãn tiêm nếu trẻ bị sốt. Sau khi tiêm, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để cán bộ y tế theo dõi; tuân thủ nghiêm chỉ định của cán bộ y tế. Trong khoảng 48 giờ sau tiêm, phụ huynh cần theo dõi trẻ, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường về sức khỏe, như sốt cao trên 390C, quấy khóc kéo dài, ngủ li bì, bỏ bú, co giật, tím tái... thì đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]