(Baothanhhoa.vn) - Kể từ khi đại dịch thế kỷ HIV/AIDS hoành hành, hầu hết người nhiễm đều được điều trị miễn phí thuốc kháng virus (ARV) và các xét nghiệm liên quan nhờ nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Nhưng đến thời điểm này, nguồn viện trợ này đang bị cắt giảm mạnh và tới đây sẽ bị cắt hoàn toàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo hiểm y tế - “Phao cứu sinh” cho người nhiễm HIV/AIDS

Kể từ khi đại dịch thế kỷ HIV/AIDS hoành hành, hầu hết người nhiễm đều được điều trị miễn phí thuốc kháng virus (ARV) và các xét nghiệm liên quan nhờ nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Nhưng đến thời điểm này, nguồn viện trợ này đang bị cắt giảm mạnh và tới đây sẽ bị cắt hoàn toàn.

Đây là mối lo ngại rất lớn, bởi người nhiễm HIV/AIDS sẽ không có tiền điều trị dẫn đến bỏ thuốc và nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, BHYT chính là “phao cứu sinh” giúp các bệnh nhân giảm gánh nặng chi phí trong điều trị và duy trì sự sống.

Tính đến hết tháng 8-2018, toàn tỉnh có 4.106 trường hợp nhiễm HIV có hồ sơ quản lý còn sống có mặt tại 595/635 xã, phường, thị trấn, trong đó có 3.819 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Theo lộ trình từ tháng 3-2016, nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc mới và đến năm 2019 sẽ cắt hoàn toàn, trong khi đó tại tỉnh ta mỗi năm có khoảng từ 30 - 50 ca nhiễm HIV mới cần điều trị thuốc ARV; đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải tự trang trải chi phí nếu không có BHYT và nếu không có khả năng chi trả, người bệnh sẽ bỏ thuốc dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng tăng cao. Tuy nhiên, hiện nhiều người nhiễm HIV/AIDS đang băn khoăn về mức đóng góp khi tham gia BHYT. Theo quy định hiện hành, mức đóng góp chung khi tham gia BHYT là 4,5% mức lương cơ sở (khoảng trên 600 nghìn đồng/năm). Chi phí bình quân cho một bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV bậc 1 khoảng 6 triệu đồng/năm. Chi phí bình quân cho một bệnh nhân nội trú liên quan đến HIV/AIDS là 4,3 triệu đồng/đợt điều trị. Nếu đối tượng này là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hợp đồng thì tiền mua BHYT sẽ do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp. Còn nếu là người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo hoặc trẻ em dưới 6 tuổi thì được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Nếu là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ cận nghèo... thì được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT. Còn nếu không thuộc các đối tượng trên thì tham gia BHYT hộ gia đình (tức là tất cả thành viên trong gia đình tham gia BHYT). Người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ 2 chỉ phải đóng 70% so với người thứ nhất. Người thứ 3 còn 60%, người thứ 4 còn 50% và từ người thứ 5 trở đi chỉ còn 40%. Cũng theo quy định hiện nay, nếu người nhiễm HIV đã tham gia BHYT thì vẫn tiếp tục được tham gia BHYT mà không cần phải tham gia theo cả hộ gia đình. Đó là số tiền không quá lớn khi so sánh với việc bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như việc điều trị bằng ARV nói riêng, bởi phải điều trị liên tục, suốt đời và do hầu hết dịch vụ mà người nhiễm HIV/AIDS đang được hưởng miễn phí tại cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay đều được thanh toán qua BHYT.

Với nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, trong thời gian gần đây, tỷ lệ bao phủ về BHYT cho người nhiễm HIV tại tỉnh ngày một tăng, toàn tỉnh có trên 89% số bệnh nhân có thẻ BHYT (đang điều trị thuốc ARV); 54,4% bệnh nhân có thẻ BHYT được hưởng 100% chi phí. Hiện tại, 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS. Việc khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư 15/2015/TT-BYT về Hướng dẫn thực hiện KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV và Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng virut HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ KCB BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virut HIV. Theo đó, người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả: Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong KCB nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ KCB HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong KCB (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn); xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách Nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Mặc dù BHYT rất quan trọng cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, để 100% đối tượng này có thẻ BHYT là điều khó khăn, bởi hầu hết bệnh nhân đều không có sức khỏe để làm việc, thuộc những hộ nghèo và cận nghèo hoặc không có nơi cư trú rõ ràng nên không thể đăng ký tham gia BHYT tự nguyện. Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS của cộng đồng còn ở mức cao nên người bệnh thường sợ, không muốn công khai danh tính để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Khi các dự án hỗ trợ chấm dứt các bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ rất khó khăn để tiếp tục điều trị; theo đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các địa phương trong công tác rà soát số lượng người nhiễm HIV/AIDS chưa có BHYT để có chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đối với người bệnh, cần thực hiện cuộc vận động 3 tự, đó là “ Tự tin, tự giác và tự lập”; trong đó cần tự giác công khai danh tính để mạnh dạn tới địa phương đăng ký BHYT cho người nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Cần tiếp cận cán bộ, nhân viên y tế chuyên trách tại xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc mua, cấp thẻ BHYT.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lê Trường Sơn khẳng định: “Nếu người nhiễm HIV không có thẻ BHYT sẽ khó khăn trong việc tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV. Vì vậy, BHYT giúp người nhiễm HIV/AIDS tránh được “bẫy” đói nghèo do các chi phí KCB liên quan đến HIV/AIDS và khám chữa các bệnh khác. Trước đây, người nhiễm HIV thường không quan tâm đến thẻ BHYT vì họ được miễn phí điều trị hoàn toàn. Nhưng hiện nay, thuốc ARV và các xét nghiệm liên quan sẽ được đưa vào danh mục chi trả của BHYT, nếu không có thẻ BHYT thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, người nhiễm HIV ngay từ bây giờ cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của chính mình”.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]