10:13 17/09/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Ngày 17-9, Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 đã chính thức diễn ra. Với phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 là sự kiện chính trị quan trọng của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn toàn tỉnh. Báo Thanh Hóa xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu ưu tú, đại diện cho ý chí, niềm tin và nguyện vọng của hơn 340.000 đoàn viên công đoàn và người lao động toàn tỉnh.

Ý kiến tâm huyết của người lao động gửi tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028

Ngày 17-9, Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 đã chính thức diễn ra. Với phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 là sự kiện chính trị quan trọng của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn toàn tỉnh. Báo Thanh Hóa xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu ưu tú, đại diện cho ý chí, niềm tin và nguyện vọng của hơn 340.000 đoàn viên công đoàn và người lao động toàn tỉnh.

Ý kiến tâm huyết của người lao động gửi tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028

Đồng chí Vũ Trần Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại Đại hội.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động

Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp và thực hiện có hiệu quả công tác tham gia quản lý Nhà nước, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động (NLĐ). Hiện nay, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa có 118 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 84.240 đoàn viên/85.979 công nhân lao động, công nhân viên chức lao động có việc làm ổn định.

Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, giác ngộ chính trị của CNLĐ được nâng lên, không để xảy ra tình trạng dừng việc tập thể trái quy định pháp luật. Đã thực hiện chăm lo cho 36.445 lượt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn lao động, bệnh tật rủi ro với tổng số tiền trị giá 18,5 tỷ đồng. Ký kết và triển khai 33 chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Tổng số đoàn viên và NLĐ được hưởng lợi là 167.818 lượt người...

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chất lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể một số đơn vị chưa cao, chưa có nhiều điều khoản có lợi hơn so với luật cho NLĐ. Ở một số doanh nghiệp điều kiện, môi trường làm việc của NLĐ chưa được đảm bảo. Vẫn còn doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ như tình trạng nợ đọng BHXH, tăng ca quá thời gian quy định.

Để nâng cao chất lượng công tác tham gia quản lý Nhà nước, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ, tôi đề xuất một số giải pháp như:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, NLĐ; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh các chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tăng tính hiệu quả và thiết thực đến với người lao động.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Tổng Liên đoàn cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành các chính sách pháp luật liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Có các chế độ bảo vệ đối với cán bộ công đoàn “dám nghĩ, dám nói, dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám hy sinh vì lợi ích của tập thể”; tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng thiết chế văn hóa cho NLĐ trong các khu công nghiệp, trong đó có khu nhà trọ cho CNLĐ.

Ý kiến tâm huyết của người lao động gửi tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028

Đồng chí Đào Thị Lý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Sầm Sơn.

Tiên phong hiện thực hóa “khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Sầm Sơn triển khai nhiệm vụ công tác Công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động trên địa bàn đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh, với lực lượng hơn 5.000 đoàn viên, người lao động (NLĐ), ở 94 công đoàn cơ sở trực thuộc.

Trong suốt nhiệm kì qua, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ TP Sầm Sơn đã chủ động, tích cực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tiên phong hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng” đến toàn thể đoàn viên, NLĐ trong các cấp công đoàn trực thuộc.

Chúng tôi luôn trăn trở, làm thế nào để việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua không chỉ dừng lại ở các cuộc phát động rầm rộ, ở tên gọi của phong trào hay các khẩu hiệu kêu gọi chung chung..., mà phải đi vào thực tiễn đời sống lao động, sản xuất, học tập, công tác; phải đến được với đông đảo CNVCLĐ, phải tạo ra được sản phẩm và bước phát triển mới. Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn, chúng tôi đã tiến hành đánh giá toàn diện, khảo sát thực tế, từ đó xây dựng được những cách thức, giải pháp triển khai hiệu quả, linh hoạt, sát hợp với bối cảnh, nhịp độ phát triển chung của TP Sầm Sơn và đặc điểm, tình hình của đội ngũ CNVCLĐ. Tạo ra được một khí thế thi đua sôi nổi, thực chất, cả bề rộng và chiều sâu, là yếu tố quan trọng để Công đoàn TP Sầm Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước trên thực tế vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như: Ở một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, thiếu sáng tạo trong tổ chức triển khai; hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức còn chậm đổi mới; công tác phát hiện, tập trung nguồn lực để xây dựng mô hình điểm chưa được làm thường xuyên...

Để việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ đạt hiệu quả hơn nữa trong nhiệm kì mới, tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “CNVCLĐ tiên phong hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng” gắn với thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh về Thực hiện NQ 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số.

Tập trung xây dựng các mô hình điểm, vừa phù hợp với tiêu chí của phong trào thi đua, vừa hấp dẫn, lôi cuốn được đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia để tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Đổi mới việc xây dựng tiêu chí thi đua, phải cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đôn đốc, phải có trọng tâm, trọng điểm, định tính, định lượng, mục tiêu đạt được rõ ràng, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng loại hình tổ chức công đoàn và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Làm tốt công tác phối hợp trong triển khai các phong trào thi đua, phải tranh thủ được sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, sự ủng hộ của Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan, DN. Phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp Công đoàn và đội ngũ cán bộ Công đoàn chủ chốt.

Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời.

Ý kiến tâm huyết của người lao động gửi tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028

Đồng chí Nguyễn Văn Trọn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì đời sống việc làm của người lao động

Đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể có vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến đời sống, việc làm của người lao động, đến sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn tại cơ sở, trong thời gian qua Công đoàn Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam đã có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, trong đó đặc biệt là công tác phối hợp với doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả việc tổ chức Hội nghị Người lao động (NLĐ) và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (LĐTT), xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì đời sống việc làm của NLĐ.

Ban Chấp hành công đoàn công ty đã xây dựng Kế hoạch, xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế phối hợp với ban lãnh đạo công ty. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị đề xuất chính đáng của đoàn viên, NLĐ, đề xuất và phối hợp với Người sử dụng lao động (NSDLĐ) tổ chức một cách nghiêm túc, có hiệu quả công tác đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng 1 lần theo quy chế hoặc đối thoại đột xuất theo vụ việc.

Công đoàn cơ sở cũng trực tiếp tham gia xây dựng các loại nội quy, quy chế, các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ. Thường xuyên tổ chức tốt công tác thăm hỏi, động viên kịp thời đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, đoàn viên bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro.

Tuy nhiên, để việc tổ chức hội nghị NLĐ và thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì đời sống việc làm của NLĐ nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ trong tình hình mới, Công đoàn Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam nói riêng, các công đoàn cơ sở doanh nghiệp FDI nói chung cần thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NSDLĐ, NLĐ về tầm quan trọng, lợi ích của việc tổ chức Hội nghị NLĐ và thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với thực tế tại CĐCS, củng cố vai trò của tổ chức CĐCS tại doanh nghiệp FDI, động viên, thu hút NLĐ tích cực tham gia các hoạt động của CĐCS để phát huy hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn cấp trên và các cơ quan quản lý Nhà nước việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước LĐTT tại CĐCS, đảm bảo có lợi hơn cho NLĐ.

Ban Chấp hành CĐCS cần xây dựng được hình ảnh uy tín hài hòa, thân thiện, phải thực sự là cầu nối giữa NLĐ với NSDLĐ.

Ý kiến tâm huyết của người lao động gửi tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028

Đồng chí Phạm Thị Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hà Trung phát biểu tại Đại hội.

Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở

Những năm qua, LĐLĐ huyện Hà Trung đã phát triển mới trên 6 nghìn đoàn viên, thành lập mới 15 công đoàn cơ sở (CĐCS), nâng tổng số đoàn viên toàn huyện lên 15.077 đoàn viên với 121 công đoàn cơ sở (đạt tỉ lệ tập hợp 97,4% người lao động tham gia sinh hoạt trong tổ chức công đoàn). Chất lượng hoạt động của các CĐCS hàng năm đánh giá đạt trên 90% xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Quản lý đoàn viên trên hệ thống đạt 95%.

Tuy nhiên, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhất là doanh nghiệp khối tư nhân còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, do nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về pháp luật lao động còn hạn chế; năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động gia nhập tổ chức công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu. Quy mô doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ; quy trình, thủ tục phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS còn rườm rà, nặng hành chính...

Để khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng lợi thế trong phát triển đoàn viên thành lập CĐCS, Liên đoàn Lao động huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để tiếp cận, tuyên truyền vận động người lao động và người sử dụng lao động thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn dưới nhiều hình thức như: Hướng dẫn Ban vận động thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp hoạt động linh hoạt phù hợp với từng loại hình, từng doanh nghiệp. Hỗ trợ cơ sở lập hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, tổ chức công đoàn và thông báo cho người lao động và người sử dụng lao động biết. Khi công đoàn được thành lập phải chăm lo tốt đời sống, việc làm, thu nhập, quan hệ lao động...

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, khắc phục được những mặt còn hạn chế, tôi đề xuất một số giải pháp như:

Thường xuyên thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, đặc biệt là với các doanh nghiệp mà hạt nhân là Hiệp hội doanh nghiệp cùng cấp để tổ chức công đoàn cùng với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hợp tác xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Cần tổng kết thực tiễn để bổ sung lý luận, đổi mới tư duy, cách thức phát triển đoàn viên thành lập CĐCS trong tình hình mới, để áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả hơn.

Quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn thật sự chất lượng ngang tầm nhiệm vụ, không chỉ thành thục kỹ năng nghiệp vụ mà phải thực sự vì phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, làm tốt công tác “Dân vận khéo” trong mọi phong trào hành động cách mạng, nhất là phong trào tập hợp, phát huy sức mạnh của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ thông tin vào trong quá trình phát triển đoàn viên thành lập CĐCS, quản lý chặt chẽ đoàn viên.

Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy những giải pháp mang tính lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tham gia quá trình vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động; lấy công nhân, viên chức, người lao động làm đối tượng vận động; lấy hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động.

Ý kiến tâm huyết của người lao động gửi tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028

Đồng chí Lê Trọng Giang, Chủ tịch LĐLĐ TP Thanh Hóa phát biểu tại Đại hội.

Đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn

Những năm qua, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn TP Thanh Hóa đã đạt những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Nổi bật như: vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích, công tác chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ; chú trọng xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên; tổ chức các phong trào thi đua có trọng tâm, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, mang lại kết quả thiết thực; tích cực, chủ động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; khẳng định được vai trò, chức năng và trách nhiệm của tổ chức công đoàn; góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh và xây dụng hệ thống chính trị của thành phố và sự phát triển của Công đoàn tỉnh...

Có được những kết quả trên, LĐLĐ thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó xác định việc đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn trên địa bàn thành phố, gắn với công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết. Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn trên địa bàn TP Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Trong công tác chỉ đạo, điều hành đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả các sản phẩm công nghệ số, tích cực ứng dụng internet, mạng xã hội. LĐLĐ thành phố đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa triển khai xây dựng và chuẩn bị khai trương trang Web của Công đoàn thành phố; chỉ đạo 100% CĐCS lập trang Facebook, zalo riêng kết nối với trang mạng của Công đoàn thành phố, Công đoàn tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; cập nhật những thông tin về hoạt động Công đoàn; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

Để Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 được hiện thực hóa và sớm đi vào cuộc sống, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp Công đoàn, cán bộ, đoàn viên, NLĐ trong tỉnh về việc đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong đó tập trung chuyển đổi tư duy, năng lực, kỹ năng sáng tạo, phù hợp với môi trường Công đoàn.

Đề nghị LĐLĐ tỉnh đề xuất các cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng thiết chế công đoàn cho đoàn viên, NLĐ, nhất là NLĐ ở các khu công nghiệp. Sớm có quy định, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS.

Quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở.

Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đổi mới quy trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nâng cao chất lượng Ban Nữ công quần chúng các cấp. Đổi mới việc đánh giá, xếp loại chất lượng Công đoàn.

Chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương, đơn vị trong hoạt động Công đoàn...

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]