(Baothanhhoa.vn) - Ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Sự ra đời của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại trong phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa trong công cuộc đổi mới trên quê hương Thanh Hóa

Ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Sự ra đời của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại trong phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa trong công cuộc đổi mới trên quê hương Thanh Hóa

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII. (Ảnh tư liệu)

Kể từ đây, phong trào cách mạng trong tỉnh gắn liền với vai trò của Đảng bộ Thanh Hóa, với phong trào cách mạng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa được khẳng định ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, lãnh đạo phong trào cách mạng giành chính quyền (1930-1945) và trong xuyên suốt quá trình cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới.

Năm 1986, trước tình hình đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội V và chặng đường hơn 10 năm Đảng lãnh đạo cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1986). Cùng với việc khẳng định những thành tựu đạt được, Đại hội đã nghiêm khắc kiểm điểm, chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm cũng như những nguyên nhân của sai lầm, khuyết điểm và đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó trọng tâm là đổi mới về kinh tế.

Thực hiện chủ trương của Đại hội VI, Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh triển khai sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh tình hình với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng của các nước XHCN dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô (1989-1991) đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức tư tưởng, tình cảm, lý tưởng cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực phản động quốc tế tập trung bao vây cấm vận, phá hoại cách mạng Việt Nam, thực hiện mưu đồ truất quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa… Trong khi đó, những năm đầu đổi mới, thiên tai cũng xảy ra liên tiếp trong nhiều năm tàn phá mùa màng và thành quả lao động của nhân dân dẫn đến nạn thiếu hụt lương thực đặt ra cấp bách trong nước và trong tỉnh. Tuy nhiên, Đảng bộ vẫn kiên định vững vàng lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Ngay trong những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986-1996), bằng các chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã lãnh đạo xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN, thực hiện “Thông thoáng và mở cửa”, khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung sản xuất, kinh doanh.

Trên lĩnh vực kinh tế, Tỉnh uỷ vận dụng các Nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra Nghị quyết “Khoán hộ” trong nông nghiệp, đổi mới quản lý kinh tế biển, kinh tế trung du - miền núi, kinh tế thương mại - dịch vụ … Xác lập kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện “thông thoáng và mở cửa”, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Chính sách quản lý về kế hoạch, giá cả, tài chính, ngân hàng, thị trường được cải tiến kịp thời, tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất hàng hoá và hạch toán kinh doanh của cơ sở. Cơ chế quản lý mới đem lại kết quả rõ rệt. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, “kinh tế hộ” được chú trọng và ngày càng tỏ rõ khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh. Ở nhiều nơi, hộ trở thành cơ sở cho kinh tế tập thể. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được chú trọng. Tiềm năng lao động được khơi dậy, năng lực sản xuất bước đầu được giải phóng, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới hình thành, bộ mặt kinh tế - xã hội khởi sắc.

Cùng với phát triển kinh tế, Tỉnh uỷ cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trọng tâm là thực hiện các chương trình văn hoá - xã hội (xây dựng mạng lưới y tế, phát triển giáo dục cơ sở, xây dựng gia đình văn hoá, hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo).

Về vấn đề tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, đập tan âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an làm tham mưu đã được vận dụng sáng tạo. An ninh chính trị, an ninh nội bộ được giữ vững, vùng biển, vùng biên giới được bảo vệ vững chắc, trật tự an toàn xã hội chuyển biến tích cực.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ đã kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng mất đoàn kết . Nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo 74 kết luận các vấn đề đã kiểm tra, chỉ đạo Đảng bộ Thanh Hoá khắc phục tình trạng mất đoàn kết nội bộ, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã họp và tổ chức sinh hoạt trong toàn Đảng bộ quán triệt nội dung Thông báo 74, liên hệ kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ đúng sai, giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại, đề ra biện pháp củng cố, tăng cường đoàn kết đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Tiếp đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII (1991-1996), Tỉnh uỷ cũng đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống tổ chức cho phù hợp với cơ chế quản lý mới, thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình cơ sở Đảng theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, kiên quyết thay thế cấp uỷ viên năng lực yếu, kém, vi phạm đạo đức lối sống, mất dân chủ, mất đoàn kết; việc xem xét đánh giá, đề bạt cán bộ công khai, dân chủ, thực hiện theo quy trình được thể chế hoá bằng các Quy định 02, 03 và Thông báo 08 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ nghiên cứu đề tài khoa học KX05-11 về “Cơ cấu, tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt các cấp tỉnh Thanh Hoá trong sự nghiệp đổi mới đến năm 2010”, phục vụ đắc lực cho công tác cán bộ.

Tuy nhiên, trong 10 năm đầu thực hiện đổi mới, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Thanh Hoá vẫn là một tỉnh nghèo; tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, cơ sở hạ tầng thấp kém; tính chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng chưa cao; trình độ tổ chức quản lý kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, dân trí xã hội thấp …

Bước sang giai đoạn từ năm 1996 đến nay, công cuộc đổi mới ở Việt Nam nói chung, ở Thanh Hóa nói riêng tiếp tục đứng trước những khó khăn thử thách do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực Đông Nam Á những năm 1997-1999; tiếp sau đó là cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2007 đầu năm 2008 đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam; cùng với đó thiên tai, dịch bệnh và trong nước nổi lên các hoạt động chống phá, kích động bạo loạn, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh tình hình đó, tinh thần đoàn kết và sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ Thanh Hóa tiếp tục được thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ. Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng về thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và tiếp tục khẳng định ở các Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011), Đại hội XII (2016), để bảo đảm cho sự nghiệp CNH, HĐH thành công, Đảng bộ Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng năm, từng nhiệm kỳ, xác định mục tiêu nhiệm vụ, bước đi, cách làm phù hợp và đặt ra phương hướng phấn đấu để xây dựng Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Quá trình CNH, HĐH được tập trung ở các mặt cơ bản sau đây:

Một là, đổi mới máy móc thiết bị công nghệ theo hướng tự động hiện đại, xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, hàng tiêu dùng, phân bón, may mặc...

Hai là, đầu tư phát triển hệ thống giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, thể dục thể thao, thông tin, báo chí theo hướng hiện đại.

Ba là, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ mới, từng bước CNH, HĐH sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

Trên cơ sở mục tiêu, phương hướng đã đề ra, Đảng bộ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nỗ lực đưa Thanh Hóa ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển. Từ năm 1996 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa luôn ở mức cao; năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế được tăng cường. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 17,5%, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Sau gần 35 năm đổi mới, Thanh Hóa từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nay không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn là tỉnh có lương thực hàng hoá. Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại được hình thành, tạo tiềm năng phát triển mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác; đã đưa hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước hiện nay). Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp và là tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016 -2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 2,56% và đã có 1 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Tiềm lực quốc phòng được tăng cường, chủ quyền biên giới, vùng biển được giữ vững. An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa và tôn giáo, dân tộc được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững. Các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn được giải quyết kịp thời, hiệu quả, dứt điểm, không để hình thành điểm nóng. Phát huy vai trò đại đoàn kết, các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đã góp phần mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Hệ thống chính trị được xây dựng vững chắc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và vận động quần chúng nhân dân. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XVIII, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quyết định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương”, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể, HĐND, UBND có nhiều đổi mới; hiệu lực, hiệu quả điều hành của UBND các cấp được nâng lên.

Có thể thấy rằng, thời kỳ từ năm 1986 đến nay, khi Thanh Hóa cùng cả nước thực hiện sự nghiệp đổi mới, đây là thời kỳ thế giới, khu vực và trong nước diễn ra nhiều những biến động lớn và bất ngờ đã tác động sâu sắc và trực tiếp tới quá trình xây dựng, phát triển trưởng thành của Đảng bộ. Trong điều kiện vừa phải tập trung ổn định sản xuất, đời sống và chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển lâu dài của địa phương, vừa phải đương đầu với những thách thức mang tính thời đại sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, Đảng bộ Thanh Hoá luôn giữ vững lập trường chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vận hội, khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đâu đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới ở Thanh Hóa đã và đang làm thay đổi diện mạo của tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. Với những thành tựu đó là cơ sở thực tiễn hết sức quan trọng khẳng định rõ vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa không chỉ thể hiện trong đấu tranh giải phóng dân tộc, mà cả trong xây dựng, phát triển quê hương, đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Th.s Lê Hải Yến


Th.S Lê Hải Yến

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]