Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình trực tiếp "Bài ca kết đoàn" tại 4 điểm cầu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) và Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), là những địa danh gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình "Bài ca kết đoàn"

Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình trực tiếp "Bài ca kết đoàn" tại 4 điểm cầu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) và Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), là những địa danh gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Tại điểm cầu Thừa Thiên – Huế có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa trước tượng đài Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc học thành phố Huế.

Tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Lương Cường.

Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Với sự tham gia của hơn 350 nghệ sĩ, diễn viên, "Bài ca kết đoàn" là chương trình giao lưu - văn hoá - nghệ thuật đưa người xem tới nhiều cung bậc cảm xúc, để thấm thía hơn những lời dặn dò của Bác trước khi đi xa; cùng nhìn lại những chặng đường gian truân và rất đỗi tự hào 50 năm qua để thực hiện 5 di nguyện lớn của Người: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; xây dựng đội ngũ Đảng viên trong sạch, vững mạnh; bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng; củng cố khối đại đoàn kết quốc tế.

ĐOÀN KẾT ĐỂ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Tư tưởng đoàn kết một lần nữa được Bác Hồ nhấn mạnh - là từ khoá xuyên suốt trong những lời dặn trước lúc đi xa trong Di chúc của Người: "Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta..."; "cần giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình"...

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Tiết mục Người là niềm tin tất thắng trong chương trình.

Tham dự cầu truyền hình, khán giả cả nước không khỏi không xúc động khi xem lại những thước phim màu duy nhất của đạo diễn người Nhật Ishigaki Misao trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nhân những thước phim chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi thấy cả một biển người đang khóc. Ở Nhật Bản chưa từng có một thời khắc lịch sử nào như vậy”.

Trước khi đi xa, Di nguyện cuối đời của Người là: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới".

Có thể khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - văn kiện tuyệt mật, do chính Bác đánh máy và sửa tay nhiều lần - có ý nghĩa thực hiện to lớn và sâu sắc.

Chia sẻ với khán giả, TS. Trần Viết Hoàn, người đã tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người đã kể lại những năm tháng Bác viết Di chúc. Sau đó, 16 năm, ông vẫn luôn bên cạnh ngôi nhà sàn với cương vị là Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịch. Ông cho biết, từ “đoàn kết” được nhắc đi nhắc lại trong bản Di chúc thiêng liêng và đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Khán giả tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, bà Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu những kỉ vật liên quan đến tuổi trẻ, nơi Bác hình thành và tiếp tục pháp triển tư tưởng “đoàn kết” dân tộc trong quãng thời gian Người ở Huế.

Tại Trường Quốc học Huế, nơi Nguyễn Tất Thành học tập trong những năm 1907-1908, lần đầu tiên Người biết đến khẩu hiệu: "Liberté - Egalité - Fraternité" (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) treo trên đầu lớp học. Chính tại đây, Người có cơ hội gặp gỡ thầy giáo Lê Văn Miến và ghi nhớ lời thầy: "Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng!"

Từ đó, Người nhận ra những hạn chế trong con đường cứu nước và phương pháp cách mạng của các bậc cha chú, để lựa chọn một con đường đi của riêng mình: hướng sang phương Tây "tìm xem những gì ẩn náu" đằng sau các chữ: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái"

Tại Toà Khâm sứ Trung Kỳ (bờ nam sông Hương), người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên - Huế năm 1908 với tư cách phiên dịch cho đồng bào. Người thanh niên ấy đã sớm thể hiện ý chí đấu tranh của người thanh niên yêu nước. Thấu hiểu được sự thống khổ của nhân dân, sự áp bức của thực dân pháp, nhận thấy được tầm quan trọng của việc Đoàn kết sức mạnh dân tộc, Nguyễn Tất Thành thấy mình cần nhanh chóng tìm một hướng đi đúng cho dân tộc.

Ngày 5/6/1911, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Điều đó cũng được thể hiện trong Di nguyện đầu tiên trong Bản Di chúc: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".

ĐOÀN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Di nguyện thứ 2 trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đoàn kết để xây dựng và phát triển đất nước: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

Những thước phim xúc động tại cầu truyền hình một lần nữa đã tái hiện lại tình hình đất nước với miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam bước vào công cuộc tái thiết sau khi non sông quy về một mối. Đúng như mong ước của Chủ tich Hồ Chí Minh, Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của cách mạng Việt Nam đã được mở ra: Kỷ nguyên nước nhà độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội

Tuy nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn lại phải tiến hành trong điều kiện đất nước vừa trải qua những năm tháng chiến tranh nên càng gian nan thử thách, dẫu ngàn khó khăn, thế hệ con cháu Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm thực hiện lời dặn của Người.

Tháng 4 năm 1976, 23 triệu người dân cả hai miền Nam Bắc tham gia cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, đoàn kết, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế sau chiến tranh. Đây là Quốc hội khóa V và là quốc hội đầu tiên sau thống nhất.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Tiết mục Đất nước trọn niềm vui trong chương trình.

Khán giả cả nước một lần nữa đã được xem lại những hình ảnh về công trình thủy điện Trị An, một công trình có tầm vóc quốc tế, cung cấp điện năng, điều kiện quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế thời kỳ này. Đây cũng là giai đoạn đầu của các kế hoạch 5 năm, tạo bước đà phát triển kinh tế cho Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn.

Từ khi bước chân vào hoạt động cách mạng cho đến lúc từ giã cuộc đời, Bác luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Tháng 5 - 1968, trong phần viết thêm vào Di chúc, có đoạn: "Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất trong đám thanh niên ấy, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta".

Câu chuyện của thầy giáo Võ Phổ trong cầu truyền hình là một minh chứng như thế. 13 tuổi, Võ Phổ đã gia nhập du kích. Đến năm 15 tuổi, ông đã 12 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1967, 16 tuổi, ông được ra Hà Nội gặp Bác Hồ với chiếc chân đau còn găm 11 mảnh đạn. Được Bác đích thân xem vết thương, hỏi han ân cần, sau đó khuyên: cháu chưa 18 tuổi, hãy ở lại miền Bắc học tập, sau này trở lại xây dựng quê hương, ông Võ Phổ đã ở lại miền Bắc học tập như lời Bác dặn. Ông đã thi đỗ Đại học Bách Khoa, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở thành giáo viên giúp tiếp tục đào tạo các thế hệ sinh viên.

Dũng sĩ Võ Phổ chỉ là 1 trong hàng nghìn con em, cán bộ miền Nam được đào tạo tại miền Bắc trong giai đoạn 1954 – 1975. Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã trở thành vườn ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khổ ấy, nay đã mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước.

Những người con miền Nam sau 1975 tiếp tục được gửi sang đào tạo ở nước ngoài, rất nhiều những hạt giống từ Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Ðức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni và Bun-ga-ri... trở về nước và thành công trên nhiều lĩnh vực.

Tiếp sau này, những thế hệ người Việt Nam đã ra sức học tập ở nước ngoài, về đóng góp xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn. Đó là những gương mặt đầu tiên giành Huy chương vàng Olympic quốc tế như TS. Lê Bá Khánh Trình, Huy chương vàng Hóa học Xuân Tùng...

Theo mạch câu chuyện, tại điểm cầu Hà Nội, khán giả cả nước đã được giao lưu với gia đình PGS.TS Lê Anh Vinh, người nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard khi mới 27 tuổi, là một trong những minh chứng về thế hệ nhân tài được bồi đắp như lời Bác dặn.

Cha của anh là TS. Lê Văn Tri - 1 học sinh được cử sang Liên Xô cũ học năm 1969- đúng vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Trở về Việt Nam, TS. Lê Văn Tri là một nhà khoa học với 21 công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học và nông nghiệp. Ông cho biết: “Khi nghe tin Bác mất, du học sinh Việt Nam ở Nga vừa thương tiếc Bác khôn nguôi, vừa tự húa sẽ học thật giỏi để trở về cống hiến cho quê hương”.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

TS. Lê Văn Tri và PGS.TS Lê Anh Vinh giao lưu tại điểm cầu Hà Nội.

Khi được hỏi tại sao lại trở về Việt Nam khi mà có quá nhiều con đường mở ra trước mắt, PGS.TS Lê Anh Vinh chỉ đáp: “Thế hệ trẻ chúng tôi đã được hưởng những thành quả từ sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi không thể phải chỉ lo cho bản thân, cho gia đình mà phải hướng đến sự phát triển của đất nước”.

Trở lại với điểm cầu Nghệ An, khán giả được gặp gỡ gia đình 3 thế hệ: Mẹ Phạm Thị Tâm đã được gặp và đón Bác Hồ, con Nguyễn Đăng Ngọc và cháu Nguyễn Đăng Quân. Tuy đã ngoài 80 tuổi, mẹ Phạm Thị Tâm vẫn nhớ như in hình ảnh, từng lời nói của Bác khi Bác về thăm Nghệ An, thật giản dị và vô cùng cảm động.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Mẹ Phạm Thị Tâm giao lưu tại điểm cầu Nghệ An.

Người con trai của mẹ Nguyễn Đăng Ngọc nay là một giáo viên dạy văn ở Nghệ An, đã truyền niềm tự hào về mẹ trong lần được gặp Bác Hồ, để nuôi dưỡng tình cảm và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ của Nghệ An hiện nay.

TRONG SẠCH ĐỂ GIỮ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT

Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đó cũng là mong muốn các cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự trong sạch của Đảng để vững mạnh khối đại đoàn kết

Chương trình đã tái hiện lại câu chuyện từ những năm 1947, đại tá Trần Dụ Châu làm Cục trưởng Cục Quân nhu nhưng vi phạm về mặt đạo đức, quản lý không tốt, bớt xén của bộ đội để dùng vào việc riêng. Những thất thoát đó rất lớn, trong khi từ năm 1946-1950, cuộc kháng chiến đang rất khó khăn, đất nước cực kỳ thiếu thốn. Cuối cùng, Tòa án quân sự đã tuyên phạt Trần Dụ Châu mức án cao nhất là tử hình.

Khi đó, Bác Hồ đã suy nghĩ rất nhiều, Người thức trắng 1 đêm trước việc giữ nghiêm kỷ cương phép nước, kỷ luật Đảng và việc xử lý về mặt nội bộ tình cảm. Vì ông Châu là một đảng viên, một cán bộ quân đội cao cấp của Nhà nước. Bác đã phải cân nhắc rất nhiều và cuối cùng Bác Hồ đã bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Liên khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng.

Trước đó vào năm 1945, Bác Hồ cũng đã căn dặn: 6 căn bệnh của cán bộ đảng viên có chức, có quyền đó là: Tư túng, trái phép, cậy thế, hủ hóa, chia rẽ, kiêu ngạo. Vì công việc chung mà tôi phải nói. Khi nói những điều như vậy để ai mà vi phạm thì phải quyết tâm sửa chữa. Nếu ai mà chưa vi phạm thì biết đó mà tránh.

Những chia sẻ trong cầu truyền hình đều nêu bật thông điệp, những quyết định tuy rất khó khăn nhưng đầy quyết đoán trong việc làm trong sạch đội ngũ của Đảng thời gian gần đây đã làm tăng niềm tin của nhân dân với Đảng.

Một lần nữa, cán bộ, đảng viên và người dân trong cả nước đều khắc ghi lời dặn trong sạch Đảng để giữ khối đại đoàn kết của Bác trong Di chúc: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân."

ĐOÀN KẾT ĐỂ THỰC HIỆN BẰNG ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU BÁC DẶN

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử, hàm chứa những tư tưởng lớn, thể hiện trí tuệ, tình cảm, phong cách Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta đã dành tất cả tâm sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện cho bằng được những lời dặn của Bác. Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã thu được những thành quả to lớn trong lịch sử phát triển kinh tế, có bước tiến vượt bậc, giữ gìn trật tự an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước.

Thiêng liêng và xúc động cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chương trình.

50 năm qua, dưới ánh sáng của Di chúc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, vận dụng sáng tạo của Đảng ta, chúng ta đã thực hiện nghiêm túc Di chúc của Bác, thu được kết quả tốt đẹp. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Chúng ta có thể báo cáo với Bác rằng, chúng ta đã thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Bác trong bản Di chúc lịch sử.

Trong thời gian tới, Đảng ta phải thực hiện tốt hơn nữa bản Di chúc của Bác Hồ, phải phát triển, làm phong phú hơn, làm tốt hơn nữa lý tưởng cao cả của Bác, làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do; đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Chúng ta sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, để vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa chứ không phải chỉ dừng lại ở đây... Trong đó, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là trung tâm, là nhiệm vụ chiến lược số 1... Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, chống cho được sự suy thoái, biến chất, chống tiêu cực ở trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, thực hiện đúng lời Bác đã căn dặn/

Có thể khẳng định, đại đoàn kết là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống cực kì quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đoàn kết đã trở thành một nhân tố quan trọng, một triết lý nhân sinh để dân tộc ta vượt qua bao biến cố, thăng trầm, để tồn tại và phát triển bền vững.

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nối tiếp tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết.

Đây cũng chính là thông điệp thiêng liêng mà cầu truyền hình Bài ca kết đoàn muốn gửi tới khán giả trong cả nước.

Thu Hằng ( Tạp chí Tuyên Giáo)


Thu Hằng ( Tạp Chí Tuyên Giáo)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]