(Baothanhhoa.vn) - Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp (DN) ở tỉnh ta trong những năm qua được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển tổ chức đảng trong DN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp: Bài 2: Còn nhiều khó khăn, vì sao?

Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp (DN) ở tỉnh ta trong những năm qua được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển tổ chức đảng trong DN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam trong ca sản xuất.

Số lượng tổ chức đảng được thành lập tại các DN thấp

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, thành lập mới tổ chức đảng, đoàn thể trong DN. Tỉnh ủy Thanh Hóa và Đảng ủy Khối DN tỉnh cùng các cấp ủy trực thuộc đã có nhiều giải pháp cụ thể, từng bước xây dựng, phát triển và củng cố hoạt động của các tổ chức đảng trong các DN ngoài Nhà nước. Cùng với khuyến khích DN phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động, tỉnh luôn quan tâm tuyên truyền, vận động DN phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội nơi DN đóng trụ sở, tôn trọng, tạo điều kiện và đảm bảo các quyền thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội của người lao động tại DN. Thế nhưng, công tác phát triển Đảng trong các DN, nhất là trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân còn khó khăn, số lượng tổ chức đảng được thành lập trong các DN còn thấp.

Tìm hiểu vấn đề này tại Công ty (CT) TNHH Giầy Sunjade Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Ái, Chủ tịch công đoàn CT cho biết: Hiện nay, DN có hơn 20 đảng viên. Ngoài tổ chức công đoàn, CT chưa thành lập được tổ chức đảng là do DN FDI chưa coi trọng vị trí, vai trò của tổ chức đảng. Bên cạnh đó, người lao động khi được nhận vào làm việc không khai báo là đảng viên. Đặc biệt, khi đề bạt, cân nhắc người lao động vào các vị trí, DN chỉ chú trọng đến trình độ tay nghề, năng lực lãnh đạo, tổ chức của người lao động chứ ít quan tâm, thậm chí không quan tâm đến bằng cấp và người lao động đó có là đảng viên hay không. Khi chủ DN không mặn mà với công tác chính trị, công tác Đảng thì cán bộ công đoàn cũng e ngại, không dám đề xuất nhiều lần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều chủ DN FDI cho rằng nhiệm vụ của DN là sản xuất, kinh doanh hướng đến mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao nhất có thể, trong khi tổ chức cơ sở đảng chỉ làm nhiệm vụ chính trị đơn thuần. Do đó họ chưa chú trọng thành lập tổ chức đảng tại DN. Điều này cũng lý giải tại sao những năm gần đây các DN FDI trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng, chất lượng nhưng vẫn chưa thành lập được tổ chức đảng (tính đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ có 2 tổ chức đảng trong DN FDI gồm: CT Xi măng Nghi Sơn, CT TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan).

Theo số liệu của Đảng ủy Khối DN tỉnh, đến tháng 5-2018, toàn tỉnh có 334 DN, với 1.302 đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng (trong đó có 261 DN, với 1.026 đảng viên; 73 HTX, quỹ tín dụng, với 376 đảng viên). Đáng chú ý là, hiện nay có 66 DN có đủ số lượng đảng viên, đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng, nhưng chưa thành lập, như: CT Giầy TNHH Annora Việt Nam (Tĩnh Gia) có 125 đảng viên; CT TNHH S&H Vina (Thạch Thành) có 115 đảng viên; CT Giầy Alena 55 đảng viên; CT Winner Vina 27 đảng viên; CT TNHH Tân Huy Ngọ (Thọ Xuân) 20 đảng viên; CT May TS Vina (Yên Định) 18 đảng viên; CT TNHH Dịch vụ và Thương mại Cẩm Hoàng (Cẩm Thủy) 14 đảng viên; CT CP Môi trường Nghi Sơn; CT CP Xi măng Công Thanh có 15 đảng viên...

Thiếu thống nhất, nhiều đầu mối quản lý

Tính đến tháng 5-2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 445 tổ chức đảng trong DN, gồm 105 đảng bộ cơ sở, 224 chi bộ cơ sở và 116 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 11.814 đảng viên. Trong đó, tổ chức đảng trong DN có vốn Nhà nước có 56 tổ chức, 4.560 đảng viên, chiếm 12,58%; tổ chức đảng trong CT cổ phần có 130 tổ chức, 4.285 đảng viên, chiếm 29,21%; tổ chức đảng trong CT TNHH có 16 tổ chức, 310 đảng viên, chiếm 3,6%; tổ chức đảng trong DN tư nhân có 24 tổ chức, 191 đảng viên, chiếm 5,39%; tổ chức đảng trong DN có vốn đầu tư nước ngoài có 2 tổ chức, 216 đảng viên, chiếm 0,45%; tổ chức đảng trong các loại hình DN khác và HTX có 217 tổ chức, 2.252 đảng viên, chiếm 48,77%.

Tuy nhiên, trên thực tế một số DN lớn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa... có các chi nhánh đóng trên các huyện, thị xã, thành phố, không thể coi là các DN độc lập, mà thực chất chỉ là một bộ phận của DN. Do đó, nếu sáp nhập các tổ chức đảng tại các chi nhánh về trực thuộc tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) của DN chính, thì số DN có tổ chức đảng trên địa bàn toàn tỉnh thực chất chỉ có 347 tổ chức. Trong đó, có 56 tổ chức đảng trong các DN có vốn Nhà nước, 162 tổ chức đảng trong các CT cổ phần, 17 tổ chức đảng trong các công ty TNHH, 24 tổ chức đảng trong các DN tư nhân, 2 tổ chức đảng trong các DN FDI, 86 tổ chức đảng trong các loại hình DN khác và HTX.

Việc phân bố các tổ chức đảng, đảng viên trong các DN không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, thị xã. Cụ thể, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn (bao gồm cả Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp) có 100 tổ chức đảng (48 TCCSĐ, 52 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn), với 1.577 đảng viên; Đảng ủy Khối DN và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh có 99 TCCSĐ, với 5.819 đảng viên; các huyện đồng bằng và ven biển có 157 tổ chức đảng (101 TCCSĐ, 56 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn), với 2.535 đảng viên; các huyện miền núi có 74 tổ chức đảng (70 TCCSĐ, 4 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn), với 898 đảng viên; các tập đoàn, tổng CT, ngành dọc ở trung ương có 15 tổ chức đảng (11 TCCSĐ, 4 chi bộ dưới cơ sở), với 885 đảng viên.

Thêm vào đó, mô hình tổ chức đảng trong các DN không thống nhất, thuộc nhiều đầu mối quản lý như: Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chỉ có 34 tổ chức đảng, với 777 đảng viên nhưng 16 tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối DN tỉnh; 4 tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy TP Thanh Hóa; 7 chi bộ trực thuộc đảng ủy phường và 7 đảng bộ, chi bộ trực thuộc đảng ủy tập đoàn, tổng CT. Do vậy, ít nhiều gây khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ trong các loại hình DN.

Và những nguyên nhân khác...

Chia sẻ với phóng viên, nhiều đảng viên đang làm việc tại các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, họ cùng có khó khăn chung về thời gian sinh hoạt Ðảng do chưa được DN tạo điều kiện thuận lợi. Hầu hết số đảng viên đang làm việc tại các DN chưa có tổ chức đảng đều sinh hoạt chi bộ tại nơi cư trú nhưng các buổi sinh hoạt vào ngày thường thì đều vắng mặt bởi vào ca sản xuất. Bên cạnh đó, muốn phát triển TCCSÐ tại DN thì phải có nguồn đảng viên tại DN. Trong khi đó, người lao động tại các DN tư nhân, DN FDI muốn phấn đấu vào Ðảng lại luôn hạn chế về mặt thời gian để tham gia các lớp bồi dưỡng sinh hoạt Ðảng, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng. Ðây cũng chính là rào cản làm cho nhiều cán bộ, công nhân, lao động ưu tú ngại ngần, chưa mạnh dạn đề đạt nguyện vọng cho dù bản thân mong muốn được kết nạp Ðảng.

Đồng chí Vũ Tuấn Minh, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho biết: Thực tế hiện nay lực lượng quần chúng tại DN có nguyện vọng tha thiết vào Ðảng không phải là nhiều. Có những người thể hiện nguyện vọng sâu sắc nhưng lại vướng ở khâu thẩm tra lý lịch, thủ tục còn nhiều bất cập...

Làm rõ thêm về các nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phát triển tổ chức đảng trong DN, đồng chí Lê Đình Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng tổ chức đảng được thành lập trong các DN còn thấp là do một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng TCCSĐ trong DN. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt, chủ động, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong DN. Hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện đối với công tác đảng, đoàn thể, nhất là trong DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa đồng bộ, hiệu lực thi hành chưa cao. Đặc biệt, vai trò của nhiều tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong các DN còn mờ nhạt, phương pháp công tác còn hạn chế, nội dung sinh hoạt thiếu cụ thể, hấp dẫn với người lao động và chưa mang lại hiệu quả thiết thực với DN.

Nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, thiết thực góp phần lấp “khoảng trống” về tổ chức đảng, đảng viên ở các DN, ngày 23-7-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các DN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết ban hành với những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp khá đồng bộ, tin tưởng rằng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, chủ DN và người lao động về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể; đưa công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong DN tăng nhanh về số lượng, chất lượng, đi vào hoạt động nền nếp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cộng đồng DN phát triển bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, lao động; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.


Bài và ảnh: Thanh Huê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]