(Baothanhhoa.vn) - Dù có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng có một thực tế đáng lo ngại lại đang hiện hữu ở nhiều địa phương có thế mạnh về kinh tế biển là công tác phát triển đảng viên trong ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nếu không có chính sách, sự quan tâm đặc biệt, nguy cơ “trắng” đảng viên trong lực lượng ngư dân là điều khó tránh khỏi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đảng viên vững vàng nơi đầu sóng - Bài 2: Nguy cơ “trắng” đảng viên trên biển

Dù có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng có một thực tế đáng lo ngại lại đang hiện hữu ở nhiều địa phương có thế mạnh về kinh tế biển là công tác phát triển đảng viên trong ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nếu không có chính sách, sự quan tâm đặc biệt, nguy cơ “trắng” đảng viên trong lực lượng ngư dân là điều khó tránh khỏi.

Những đảng viên vững vàng nơi đầu sóng - Bài 2: Nguy cơ “trắng” đảng viên trên biểnĐảng viên, ngư dân, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) luôn sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi, bám biển.

Tin liên quan:

Thiếu hụt nguồn kế cận

Sau những ngày tìm hiểu, trải nghiệm thực tế tại cơ sở, trò chuyện cùng lãnh đạo cấp ủy, chi bộ và cả đảng viên là ngư dân, chúng tôi nhận ra rằng, một trong những “rào cản” lớn nhất đang tồn tại chính là “bài toán” thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kết nạp vào Đảng. Những “vùng trắng” hay tình trạng “già hóa” đảng viên gia tăng tại một số địa phương đang là một thực tế nhiều trăn trở.

Phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) là địa phương có truyền thống về nghề biển. “Cha truyền con nối” nên những cánh buồm cứ đua nhau rẽ sóng ra khơi. Trước kia, phần lớn ngư dân Quảng Cư sống nhờ vào “lộc” biển nên có thời điểm Đảng bộ phường Quảng Cư có tới hàng trăm đảng viên trực tiếp vươn khơi. Nhưng rồi vài năm trở lại đây, mỗi chuyến tàu trở về không còn “bội thu” như trước, nhiều ngư dân, nhất là thanh niên trong phường không còn bám mái chèo để nối giữ nghề truyền thống của cha ông. Trăn trở trước thực tế này, đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Cư chia sẻ: “Việc tạo nguồn phát triển đảng viên ngư dân đang thực sự là vấn đề nan giải bởi những “hạt giống đỏ” ở địa phương không còn nhiều. Phần lớn đoàn viên, thanh niên sau khi học xong THPT, nếu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì các em đã có hướng đi khác, còn nếu không đỗ thì các em đi làm ăn xa hoặc đi làm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP Sầm Sơn. Đây là nguyên nhân chính làm mỏng dần lực lượng quần chúng ưu tú để bồi dưỡng. Số ít đoàn viên, thanh niên ở lại địa phương thì không đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa và không có nguyện vọng vào Đảng nên việc theo dõi, tạo nguồn rất khó khăn. 3 năm gần đây, Quảng Cư không có đảng viên là ngư dân được kết nạp, nguồn sáng tại cơ sở hiện cũng chưa có ai. Nhiều năm nay, Quảng Cư vẫn chỉ có 6 đảng viên trung tuổi đang trực tiếp vươn khơi bám biển”. Chúng tôi gặp gỡ anh Nguyễn Văn Hùng, khu phố Hồng Thắng, anh chia sẻ: “Thu nhập từ đi biển rất bấp bênh, có những chuyến đi dài ngày về không đủ vốn. Phải “ăn no, mặc ấm” mới nghĩ đến những việc khác được nên em cũng muốn rời tàu đi làm ăn xa như nhiều thanh niên trong phường”.

Với các vùng quê biển, nơi bà con ngư dân phải dồn tâm sức, ý chí cho việc mưu sinh hằng ngày để cái nghèo, cái khó không đuổi sau lưng thì việc tạo nguồn càng trở nên khó khăn. “Cạn nguồn” quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng đang là “nỗi lo chung” của không ít địa phương ven biển. Hậu Lộc có 5 xã Minh Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc giáp biển. Số ngư dân bám biển là không nhỏ nhưng vài năm trở lại đây không địa phương nào kết nạp được đảng viên là ngư dân. Nguy cơ “trắng” đảng viên trên biển trong những năm tới là điều khó tránh khỏi. Ngư Lộc là xã dẫn đầu với 10 đảng viên là ngư dân nhưng hầu hết những người này đều là đảng viên lâu năm. Bộc bạch với chúng tôi, đồng chí Bùi Thế Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Lộc cho rằng: “Với một địa phương có thế mạnh về kinh tế biển, xem biển là động lực để phát triển kinh tế - xã hội thì việc phát triển Đảng trong ngư dân là rất quan trọng. Thế nhưng, với đặc thù nghề biển ở Ngư Lộc, học sinh thường chỉ học đến lớp 8, lớp 9, thậm chí có em chỉ “biết đọc, biết viết” đã rời ghế nhà trường theo cha đi biển hoặc đi làm ăn nơi khác. Trong khi yêu cầu kết nạp vào Đảng phải đạt trình độ văn hóa lớp 12. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, đảng ủy xã đã giao chỉ tiêu cho các chi bộ kết nạp từ 1 đến 2 đảng viên ngư dân, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa chi bộ nào tìm được “quần chúng tốt” để bồi dưỡng, tạo nguồn”.

“Rừng vàng, biển bạc”, biển nuôi nấng, ban tặng cho ngư dân với những mùa về tôm cá đầy khoang, nhưng biển cũng lấy đi cuộc sống của không ít ngư dân. Người chồng, người cha ra khơi mang theo muôn vàn lời nguyện cầu bình yên của người mẹ, người vợ nhưng rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra. “Cha truyền, con không nối”, nhiều lao động trẻ ở Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã dần rời xa biển. 2 năm gần đây, Hoằng Phụ có khoảng 10 chủ tàu đã phải bán đi cơ nghiệp của mình để tìm hướng khác mưu sinh. Không nằm trong “nỗi lo chung” như một vài địa phương khác, “nhân tố tích cực” ở Hoằng Phụ khá dồi dào nhưng nghẹt nỗi không ai có nguyện vọng vào Đảng. Vì thế mà nhiều năm liên tục, Hoằng Phụ không kết nạp được đảng viên nào là ngư dân và nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Hoằng Phụ không hoàn thành chỉ tiêu về kết nạp đảng viên.

Lo ngại tiếp tục không hoàn thành chỉ tiêu này, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Hoằng Phụ đề ra mục tiêu “khiêm tốn” hơn, kết nạp 20 đảng viên (giảm 5 đảng viên so với nhiệm kỳ trước). Một thực tế đáng buồn ở Hoằng Phụ là có những quần chúng ưu tú sau khi đã học xong lớp cảm tình Đảng lại xin rút khỏi danh sách vào Đảng. Chị Trương Thị Ngân, thôn Tháng Mười là một ví dụ. Trước đây, chị Ngân từng là cộng tác viên dân số, sau quá trình nỗ lực, phấn đấu, chị được chi bộ lựa chọn bồi dưỡng kết nạp Đảng. Nhưng sau khi học xong lớp cảm tình Đảng, chị đã xin rút khỏi danh sách vào Đảng và bỏ luôn vai trò của một cộng tác viên dân số. Tâm sự với chúng tôi, chị Ngân trải lòng: “Vào Đảng là niềm tự hào cho gia đình và cũng rất tốt cho bản thân. Nhưng vì em sẽ đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc cùng chồng, nếu vào Đảng sẽ không tham gia sinh hoạt được nên em đành phải xin rút”. Anh Trương Tuấn Anh, thôn Tháng Mười, người từng làm phó trưởng thôn phụ trách công an viên cũng chẳng khác gì chị Ngân. Do không có tư tưởng “vào Đảng để được làm cán bộ” nên dù là nguồn trưởng thôn kế cận và được động viên rất nhiều lần nhưng anh Trương Tuấn Anh vẫn xin rút khỏi danh sách vào Đảng và cũng nghỉ luôn công việc ở thôn. Cấp ủy, chính quyền địa phương nắm rất rõ việc này nhưng không thể làm gì được.

Có nhiều lý do khiến công tác phát triển Đảng trong ngư dân gặp khó khăn. Theo đồng chí Lường Minh Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hậu Lộc thì ngoài những thanh niên muốn thoát ly khỏi địa phương đi làm ăn xa có một bộ phận không nhỏ ở tại địa phương lại thờ ơ, chưa ý thức rõ vinh dự và động lực lớn lao để phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ở vùng biển quan niệm “đông con hơn nhiều của” đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít gia đình nên tình trạng kết hôn sớm, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình xảy ra khá phổ biến khiến việc tạo nguồn gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều chi bộ lại chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng thanh niên là ngư dân mà chỉ tìm những quần chúng đủ tiêu chuẩn ở khối cơ quan, trường học để kết nạp, hoàn thành chỉ tiêu giao.

Ngoài những lý do như đồng chí Lường Minh Hùng chia sẻ, qua tìm hiểu thực tế tại cơ sở chúng tôi thấy rằng, có những nơi cấp ủy chưa thật sự coi trọng việc phát triển Đảng trong ngư dân. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa tạo được sức hút đối với quần chúng. Ở các chi bộ, việc bố trí lịch sinh hoạt định kỳ chưa hợp lý khiến nhiều ngư dân không thể tham gia, nội dung sinh hoạt không gắn liền với công việc làm ăn của ngư dân. Không chỉ thế, việc tìm được quần chúng ưu tú đã khó nhưng công tác bồi dưỡng, giữ chân để đưa họ đứng trong hàng ngũ của Đảng còn khó hơn.

Một quần chúng tốt, có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức, động cơ phấn đấu có thể bị mai một dần.

“Già hóa” đảng viên gia tăng

“Tre già” nhưng “măng” chưa mọc đang là nỗi niềm, là trăn trở của không ít cấp ủy địa phương. Khan hiếm nguồn kết nạp Đảng, chất lượng đảng viên chưa được chú trọng khiến các chi bộ đang phải đối mặt với tình trạng “già hóa” đảng viên ngày một gia tăng. Sự “già hóa” đội ngũ đảng viên vùng biển khiến cho nhiều chi bộ lo lắng về đội ngũ kế cận. Ở nhiều chi bộ, trong khi mỗi năm hoặc 2, 3 năm mới kết nạp được 1 đảng viên, nhưng lại mất đi 3 đến 4 đảng viên do tuổi cao sức yếu. Nếu không khắc phục được tình trạng này thì tương lai không xa sẽ làm giảm năng lực lãnh đạo ở các chi bộ.

Qua các cuộc tiếp xúc ở cơ sở, chúng tôi thấy rằng ở nhiều chi bộ, đảng bộ ven biển, độ tuổi trung bình của đảng viên là trên 50 tuổi, thậm chí có nơi trên 60 tuổi. Đơn cử như Đảng bộ phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), đảng viên trên 60 tuổi chiếm 21%, đảng viên dưới 30 tuổi chỉ chiếm 14%; Đảng bộ xã Hải Lộc (Hậu Lộc), đảng viên trên 50 tuổi chiếm gần 40%, đảng viên dưới 30 tuổi chiếm có 21,4%. Hay như Đảng bộ xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), số đảng viên có tuổi đời dưới 30 chỉ chiếm 9,6% nhưng số đảng viên trên 50 tuổi chiếm đến 31%... Theo đồng chí Phạm Cao Quyền, Bí thư chi bộ thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) thì việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên cao tuổi không đơn giản. Đơn cử như việc yêu cầu đảng viên viết kiểm điểm cuối năm hay như viết thu hoạch sau khi học tập, quán triệt các nghị quyết là rất khó triển khai với những “lão đảng viên” đã ngoài 60 hay 70 tuổi.

Theo lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Cư, chúng tôi về khu phố Hồng Thắng, nơi có số đảng viên là ngư dân “hùng hậu” nhất phường nhưng hiệu quả thì không như chúng tôi mong đợi. Nói về sự “già hóa” đảng viên, đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Bí thư chi bộ phố Hồng Thắng cho hay: “Chi bộ phố Hồng Thắng có 22 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên trực tiếp khai thác thủy sản, nhiều nhất phường. Nhưng hiện nay, cả 3 đảng viên này đều đã cao tuổi, không còn đủ sức khỏe vươn khơi xa dài ngày nên chỉ đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày. Còn đảng viên trẻ là ngư dân thì không có ai. Vất vả, nhiều hiểm nguy và thu nhập không ổn định là những nguyên nhân khiến thanh niên ở địa phương không còn “mặn mà” với biển, “quay lưng” lại với nghề nên chi bộ không kết nạp thêm được đảng viên nào trong ngư dân”.

Nếu như đảng viên lâu năm có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn giữ được sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với dân, có uy tín trong cộng đồng... thì dấu ấn của những đảng viên trẻ chính là sự nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, nguồn kế cận lâu dài ở các xã vùng biển hiện rất thiếu và yếu. Địa bàn vùng biển nói riêng, khu vực nông thôn nói chung hiện nay đang xảy ra tình trạng sinh viên, thanh niên trong thời gian chưa xin được việc làm thì về quê sinh hoạt đoàn và được địa phương quan tâm, tạo điều kiện kết nạp vào Đảng. Nhưng rồi sau khi tìm được công việc phù hợp, họ lại rời khỏi địa phương. Vậy nên nhiều chi bộ hằng năm vẫn phát triển được đảng viên nhưng lại không “giữ chân” được đảng viên mới kết nạp, dẫn đến tình trạng “lão hóa” đội ngũ đảng viên cơ sở. Đây cũng là “nút thắt” đang làm khó cấp ủy phố Lập Công, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn). Chi bộ phố Lập Công có 53 đảng viên nhưng có đến gần 2/3 đảng viên nằm trong độ tuổi từ 50 đến 60, 1/3 số đảng viên còn lại đều trên 60 tuổi. Số đảng viên có tuổi đời cao chiếm phần đông đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu chỉ thị, nghị quyết của cấp trên cũng như khó khăn cho việc tổ chức sinh hoạt Đảng. Chi bộ phố Lập Công nói riêng, các chi bộ thôn ở vùng biển nói chung đang rất cần được “tiếp sức” để nâng cao năng lực lãnh đạo và có thêm sức trẻ để đảm đương những công việc mới.

Theo quy luật tự nhiên, cây già thường cỗi, người già thì khả năng lao động, sáng tạo sẽ hạn chế. Vậy nên, một câu hỏi đặt ra đối với những chi bộ đang bị “già hóa” đảng viên là liệu sức mạnh, sức chiến đấu có bị suy giảm?. Khan hiếm nguồn kế cận là một thực tế. Nhưng có thực là lớp trẻ thờ ơ, thậm chí “quay lưng” lại với lý tưởng của Đảng?. Hay do sự “truyền lửa” của các cấp ủy chưa đủ lớn để đánh thức niềm tin và chí hướng phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng trong giới trẻ?. Để khắc phục tình trạng “tre già” nhưng “măng chưa mọc”, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, đột phá nhằm nâng cao cả chất lượng lẫn số lượng đảng viên.

Bài và ảnh: Quốc Hương - Thu Vui

Bài cuối: Tháo gỡ những “nút thắt”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]