(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện nhất thể hóa (NTH) chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (BTCBKTT) đã góp phần tinh gọn bộ máy ở cơ sở, tạo sự thống nhất từ việc ban hành chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, việc NTH ở các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, sau đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, nhiều địa phương đã không còn thực hiện chủ trương NTH BTCBKTT như trước đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Nhìn từ đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022

Thực hiện nhất thể hóa (NTH) chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (BTCBKTT) đã góp phần tinh gọn bộ máy ở cơ sở, tạo sự thống nhất từ việc ban hành chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, việc NTH ở các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, sau đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, nhiều địa phương đã không còn thực hiện chủ trương NTH BTCBKTT như trước đây.

Nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Nhìn từ đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022Bác Nguyễn Danh Khương, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 1 Thịnh Trị (người thứ 2 bên trái) tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các quy định của địa phương. Ảnh: Tố Phương

Nhiều năm nay, thôn 1 Thịnh Trị luôn được đánh giá là thôn có cảnh quan, môi trường tốt nhất của xã Đông Quang (Đông Sơn). Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những tuyến đường được bê tông hóa rộng rãi; hệ thống đường điện công cộng chiếu sáng cả một vùng quê lúc trời về đêm; những người nông dân phấn khởi chăm sóc đồng ruộng với hy vọng một vụ mùa bội thu... Có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực vươn lên của người dân trong thôn, đặc biệt là tinh thần gương mẫu đi đầu của bác Nguyễn Danh Khương, BTCBKTT 1 Thịnh Trị. Chia sẻ về công việc của mình, bác Khương cho biết: “Sau khi sáp nhập thôn, lại thực hiện chủ trương NTH BTCBKTT, một mình đảm nhận cả 2 chức danh nên gặp không ít áp lực trong công việc, nhưng tôi tâm niệm rằng được “Đảng cử, dân tin” thì dù khó khăn đến mấy cũng phải phấn đấu làm cho tốt nhiệm vụ. Từ khi thực hiện NTH, các nghị quyết, chương trình hành động của chi bộ đề ra đều bám sát với thực tế của địa phương. Việc triển khai đến người dân cũng thuận lợi hơn nhiều, bởi người đứng đầu thôn đề ra các nhiệm vụ cũng là người trực tiếp triển khai đến bà con, tạo sự thống nhất, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp hay bỏ sót nhiệm vụ”.

Việc NTH BTCBKTT đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả bởi nó giảm bớt được các khâu trung gian. Thế nhưng, khi đi vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó “điểm nghẽn” lớn nhất mà nhiều địa phương gặp phải chính là công tác nhân sự, bởi không dễ tìm người gánh vác được cả “2 vai”. Trước đây, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) có 13 thôn, sau sáp nhập giảm còn 7 thôn. Tháng 10-2018, cả 7 thôn đều tiến hành NTH chức danh BTCBKTT. Tuy nhiên, khi làm công tác nhân sự, cả 7 đồng chí được lựa chọn nguồn BTCBKTT đều từ chối. Trước thực tế đó, ban thường vụ đảng ủy xã phải động viên nhiều lần họ mới đồng ý, nhưng là đồng ý một cách miễn cưỡng. Sau một thời gian, cả 7 đồng chí BTCBKTT đều đưa ra lý do và xin nghỉ ở nhiệm kỳ tới. Vì vậy, đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, cả 7/7 thôn trong xã không còn thực hiện NTH BTCBKTT nữa. Đồng chí Hoàng Đình Hợp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện NTH, hiệu quả công việc ở các thôn kém hơn so với trước đây do địa bàn rộng, dân số đông, phong tục tập quán giữa các thôn có sự khác biệt. Đơn cử như việc huy động Nhân dân tham gia nạo vét kênh mương nội đồng, dù đã sáp nhập nhưng người dân thôn nào làm thôn đó, làm theo địa giới hành chính cũ của thôn mình. Nơi sinh hoạt tập trung sau sáp nhập thôn không có, khi tổ chức các hoạt động thôn phải luân phiên giữa 2 nhà văn hóa nên số người tham gia ít. Trong khi đó, BTCBKTT chỉ có 1 người nên không phát huy được sức mạnh tập thể trong tuyên truyền, vận động Nhân dân. Mặt khác, trước đây một người làm bí thư, một người làm trưởng thôn, nếu chẳng may một trong hai người bị ốm hay có việc phải nghỉ dài ngày thì vẫn có người điều hành công việc, nhưng khi NTH chỉ còn một người nên nếu nghỉ mọi công việc của thôn sẽ bị chững lại. Vì vậy, để các thôn hoàn thành nhiệm vụ, xã phải điều động các tổ chức đoàn thể xuống giúp đỡ cho từng thôn... Nếu không có sự giúp đỡ của xã thì các thôn chỉ làm cho xong nhiệm vụ chứ hiệu quả không cao.

Trước đây, khi chưa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) có 6/6 phố thực hiện NTH BTCBKTT. Sau sáp nhập, thị trấn Bút Sơn có 15 phố, thôn. Dù là trung tâm của huyện Hoằng Hóa, nơi hội tụ nhiều cán bộ, công chức nghỉ hưu, thế nhưng, việc tìm nguồn nhân sự thực hiện NTH ở đây cũng vô cùng khó khăn bởi rất nhiều người từ chối. Vì vậy, đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, thị trấn Bút Sơn chỉ còn 2/15 phố, thôn thực hiện NTH BTCBKTT. Đồng chí Phạm Văn Phượng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Bút Sơn cho biết: “Dù có 13 phố, thôn không thực hiện NTH nhưng số lượng cán bộ phố, thôn vẫn không tăng so với trước đây. Vẫn là 3 người đảm nhận 6 chức danh bí thư chi bộ, trưởng phố, thôn, trưởng ban công tác mặt trận, thôn đội trưởng, công an viên và tổ viên tổ bảo vệ an ninh trật tự. Chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế của từng phố, thôn để bố trí công việc, mỗi cán bộ phố, thôn sẽ đảm nhận 2 chức danh phù hợp, bảo đảm mục đích cuối cùng là hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Khi thực hiện NTH, những người đảm nhận cả 2 chức danh phần nhiều là do xã vận động, rồi vì nể nang, thậm chí cả “ấn”, “ép” mới đồng ý làm. Do không xuất phát từ sự tự nguyện nên nhiều người không thể toàn tâm, toàn ý với công việc. Bà Nguyễn Thị Cúc, BTCBKTT 3, xã Đông Khê (Đông Sơn) cho rằng: “Sau khi sáp nhập thôn, diện tích thôn mới lớn hơn, dân số đông hơn, công việc nhiều hơn, trong khi cán bộ thôn lại giảm. Tôi thấy rất vất vả và áp lực, công việc quá sức của một phụ nữ đã 60 tuổi. Vì thế, đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, tôi đã làm đơn xin nghỉ nhưng lãnh đạo xã và chi bộ động viên nên tôi chỉ đảm nhiệm mình chức danh bí thư chi bộ”. Được biết, do hiệu quả không như kỳ vọng nên hiện nay, 9/9 thôn của xã Đông Khê không thực hiện NTH BTCBKTT.

Để có cái nhìn đa chiều, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương và thấy rằng, không phải tất cả các địa phương thực hiện NTH đều hoạt động kém hiệu quả. Đối với những thôn có diện tích hẹp, dân số ít, BTCBKTT là người có sức khỏe, có năng lực, có trách nhiệm với công việc thì vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn cử như tại xã Đông Văn (Đông Sơn), cả 7/7 thôn đều thực hiện NTH. Đây là những thôn nhỏ, dân số không nhiều nên một người vẫn đảm đương được, công việc vẫn trôi chảy. Từ khi thực hiện NTH, việc đề ra các nghị quyết, chương trình được thực tế và sát với từng thôn. Việc triển khai đến người dân cũng thuận lợi, tạo sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Sau gần 2 năm thực hiện NTH chức danh BTCBKTT, bên cạnh mục tiêu đặt ra là tinh gọn bộ máy ở cơ sở, tạo sự thống nhất từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện thì đã có những bất cập nảy sinh. Vì vậy, đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, các địa phương đã linh hoạt, đưa ra những cách làm phù hợp, hiệu quả chứ không rập khuôn, máy móc trong thực hiện. Nhiều địa phương chỉ thực hiện NTH đối với những phố, thôn có điều kiện phù hợp, có nguồn nhân sự bảo đảm chất lượng, uy tín cao trong Đảng và trong dân, đáp ứng được yêu cầu công việc. Những các phố, thôn sáp nhập có diện tích lớn, dân số đông thì không thực hiện. Dù thực hiện hay không thực hiện NTH thì số lượng cán bộ phố, thôn vẫn chỉ có 3 người đảm nhận 6 chức danh. Các địa phương tùy vào tình hình thực tế, bố trí mỗi người 2 chức danh cho phù hợp nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong thực thi nhiệm vụ chung.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]