(Baothanhhoa.vn) - Sống trong “thế giới phẳng” - nơi mọi khoảng cách về không gian, thời gian trở nên vô nghĩa thì mỗi công dân đều đang nắm giữ trong tay một “chìa khóa” an ninh của quốc gia, vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng - từ nhận thức đến hành động

Nhận diện đúng để đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Sống trong “thế giới phẳng” - nơi mọi khoảng cách về không gian, thời gian trở nên vô nghĩa thì mỗi công dân đều đang nắm giữ trong tay một “chìa khóa” an ninh của quốc gia, vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc...

Nhận diện đúng để đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng chống thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội. Ảnh: Lê Phượng

Tin giả - hiểm hoạ thật

Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại sau 100 ngày Việt Nam công bố không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện và lan truyền phát ngôn được cho là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nội dung được đăng tải đã nhanh chóng thu hút nhiều lượt like, bình luận và chia sẻ trên MXH, gây hoang mang dư luận. Một chủ tài khoản facebook Vương Huyền Túi thừa nhận, vào khoảng 19h ngày 27-7, chị đọc được thông tin trên MXH facebook được cho là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chị V.T.T.H. liền tải về và đăng vào trang facebook cá nhân Vương Huyền Túi của mình. Tuy nhiên, đến sáng 28-7, thấy bài đăng của mình nhận được sự nhắc nhở của bạn bè trên facebook nên chị đã chủ động gỡ bài đăng. Cơ quan chức năng xác định, nội dung đăng tải thông tin trên facebook Vương Huyền Túi vi phạm tại Điểm e, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 13-7-2013 của Chính phủ quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện. Ngày 28-7, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với chị V.T.T.H., chủ tài khoản facebook Vương Huyền Túi về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận.

Trước nội dung lan truyền trên MXH được cho là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định toàn bộ thông tin được đăng tải trên là giả mạo. “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không phát ngôn như vậy. Đề nghị người dân không chia sẻ thông tin trên”. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, để xác định tính chính xác trong các phát ngôn của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, mọi người dân chỉ cần truy cập vào Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ hoặc Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay, nước ta ước tính có khoảng 50 triệu người sử dụng MXH, MXH trở thành một kênh thông tin quan trọng của người dân. Với số lượng người dùng tăng nhanh chóng, các MXH đang tạo ra một “xã hội” tồn tại song song với xã hội thực. Không thể phủ nhận những tiện ích của truyền thông xã hội mang lại, tuy nhiên cũng như các quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ tác động tiêu cực, khó kiểm soát từ MXH, đó là vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc, sai trái thù địch gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc gia tăng nạn tin giả, thông tin vu khống, bịa đặt, sai trái thù địch,... đang trở nên đáng báo động. Nguyên nhân do một bộ phận người dùng nhận thức non kém khi tham gia MXH đã tin theo những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng, thậm chí vô tư phát tán, truyền thông tin sai trái trên môi trường mạng cho bạn bè và các kết nối khác trên MXH. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn chế độ và thế lực thù địch đã khai thác, lợi dụng triệt để những ưu việt của MXH và những kẽ hở trong quản lý Nhà nước về internet tập trung thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để làm suy giảm lòng tin của người dân, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động tuần hành, biểu tình, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị của đất nước.

Theo thống kê của Công an tỉnh, tính từ đầu tháng 7-2020 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ với 8 đối tượng có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, hạ uy tín cán bộ lãnh đạo các địa phương, thậm chí có những vụ việc gài bẫy, gây áp lực nhằm tống tiền. Đây là những hành vi nguy hiểm đáng lên án, cần phải nghiêm trị trước pháp luật nhằm giữ vững tình hình an ninh chính trị ổn định và củng cố thêm niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, không để dư luận rơi vào bẫy thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng.

Đừng để kẻ xấu lợi dụng, “dắt mũi”

Từ năm 2018 đến nay, bà Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành bị một số đối tượng thường xuyên viết đơn thư nặc danh, tố cáo nhiều nội dung sai sự thật, viết bài trên các số báo trang điện tử, viết đơn thư nặc danh gửi đến nhiều xã, thị trấn huyện Thạch Thành tố cáo bà có hành vi vi phạm đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và tham ô tài sản. Tuy nhiên kết quả kiểm tra, xác minh của Tỉnh ủy Thanh Hóa cho thấy, bà Bùi Thị Mười không có những vi phạm như trên. Với những thông tin sai sự thật đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị nội bộ của địa phương, bà Bùi Thị Mười đã có đơn tố giác đến cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của bà Mười, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Thạch Thành điều tra làm rõ và bắt giữ Lê Hùng Mạnh, sinh 1947, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) chính là đối tượng viết và gửi những đơn thư nặc danh. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lê Hùng Mạnh khai nhận: Mạnh có mâu thuẫn cá nhân với bà Mười nên đã viết đơn nặc danh với nội dung sai sự thật gửi đến nhiều nơi để bôi nhọ, hạ uy tín của bà. Bản thân Lê Hùng Mạnh thỉnh thoảng có viết bài cộng tác cho một số tờ báo điện tử, đồng thời trực tiếp biên soạn, gửi tài liệu cung cấp thông tin cho một đối tượng đang làm cho một tờ báo điện tử và đăng tải thông tin cho tờ báo này. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Hùng Mạnh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cùng với vụ việc trên, gần đây, trên MXH những phần tử cơ hội bất mãn, thoái hóa biến chất trong nước sử dụng MXH đăng tải không ít thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh. Bằng các bài viết xuyên tạc, đả kích, âm mưu của chúng nhằm phá hoại nội bộ hòng gây chia rẽ trong lãnh đạo, trong nội bộ Đảng, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2019 đến nay, qua rà soát, phát hiện, sở đã yêu cầu trên 1.000 trường hợp bóc gỡ bài viết có nội dung xấu, độc trên facebook cá nhân; phát hiện và đấu tranh hơn 20 trường hợp sử dụng tài khoản facebook cá nhân để đăng tải tin, bài bịa đặt về các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo thống kế của Công an tỉnh, trong những năm gần đây, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hàng trăm đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận về các vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đấu tranh cho thấy, các đối tượng đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc có nguyên nhân do tư lợi cá nhân, do thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức, thích khai thác các loại thông tin đa chiều trên mạng internet nhưng thiếu bản lĩnh để phân tích, xử lý thông tin; bình luận, cổ súy những sự kiện, vấn đề nhưng không hiểu được nội dung, bản chất do đó đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cảnh báo: “Khi tiếp nhận các thông tin liên quan đến cá nhân, công tác cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan đảng các cấp, người dân cần hết sức chú ý, cần có sự sàng lọc, đánh giá, xác minh thông tin bằng nhiều nguồn thông tin chính thống. Sẽ rất nguy hại nếu chúng ta chỉ đọc và tiếp nhận luôn thông tin đó một cách vô thức”. Vì vậy, để tránh những tác động xấu của MXH, người sử dụng MXH cần phải tỉnh táo, nhận rõ tính hai mặt của MXH, nhất là mặt tiêu cực, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá; phải tự nâng cao cảnh giác, tự phòng ngừa, có kiến thức toàn diện, hiểu biết thực tiễn chính trị, xã hội trong nước và thế giới, biết chia sẻ, làm chủ bản thân, biết kiềm chế trong mọi tình huống mà MXH mang đến.

Bài 2: Nghiêm trị việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ, mạng xã hội xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.

Lê Phượng


Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]