(Baothanhhoa.vn) - Ngày 3-2-1930 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Từ mốc son ấy, cả dân tộc đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, lập nên những kỳ tích vang dội trong 90 năm qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mãi trọn niềm tin theo Đảng

Mãi trọn niềm tin theo ĐảngTuy tuổi cao nhưng bác Văn Như Tước (nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy) vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu.

Ngày 3-2-1930 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Từ mốc son ấy, cả dân tộc đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, lập nên những kỳ tích vang dội trong 90 năm qua.

Niềm tin yêu với Đảng!

Bác Văn Như Tước ở số nhà 02, Cao Điển, TP Thanh Hóa đã 92 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng. Bác Tước nguyên là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bác vẫn còn minh mẫn!. Câu chuyện bác kể với tôi về Đảng đã nuôi dưỡng, thấm nhuần tư tưởng cho bác diễn ra tự nhiên, thân thiết!.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng bác Tước sớm có ý thức tham gia phong trào “Bình dân học vụ” và bén duyên với phong trào cách mạng. Mối “lương duyên” ấy bắt đầu từ khi đi học, bác Tước được thầy giáo làng - một trong những người cách mạng đầu tiên ở quê giác ngộ và bí mật cho bác xem một số tờ báo, những cuốn sách nói về Đảng, Điều lệ Đảng, phong trào cách mạng, Chủ nghĩa Mác - Lê nin. Từng dòng chữ trong cuốn sách, tờ báo cứ hiện lên trong tâm trí cậu học trò nhỏ và cậu học trò ấy luôn thầm nhủ phải phấn đấu học để đi theo Đảng. Được giáo dục cách mạng từ rất sớm, bác Tước tham gia mặt trận Việt Minh, chủ yếu làm liên lạc cho các cụ trong làng. Việc tưởng dễ nhưng lại vô cùng gian khó, bởi người liên lạc cần phải ý thức cách mạng cao, giữ bí mật tuyệt đối. Vậy nên ngay cả anh trai bác cũng tham gia Việt Minh nhưng đều không biết công việc của nhau. Cách mạng Tháng Tám thành công, bác Tước tham gia bộ đội địa phương, công tác ở Huyện đội rồi được kết nạp Đảng năm 1948 (20 tuổi). Sau nhiều lần thuyên chuyển công tác, bác tiếp tục đi bộ đội đóng quân ở Bình Trị Thiên, tham gia lực lượng TNXP thời kỳ chống Pháp và được cử đi học tại Trường Đại học (ĐH) Nhân dân (tiền thân của các trường ĐH Ngoại Thương, ĐH Giao thông...). Luôn xác định rõ quan điểm, lập trường của người đảng viên, ở vị trí công việc gì bác Tước cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1960, bác Tước được điều chuyển từ huyện Hà Trung về làm Văn phòng Tỉnh ủy, thư ký cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thuyền, rồi làm Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Năm 1990, bác Tước nghỉ chế độ hưu trí.

Bén duyên với Đảng, với cách mạng từ rất sớm, môi trường ấy đã rèn luyện bác thực sự trưởng thành ở nhiều vị trí, công việc và không vì lợi ích cá nhân. Bác Tước tâm sự: Thời ấy đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng những người con Thanh Hóa luôn nỗ lực phấn đấu, xác định rõ con đường cách mạng, ai cũng vì cái chung, luôn nghĩ và cống hiến hết mình cho Đảng. Nghỉ chế độ nhưng bác Tước vẫn tham gia hai khóa Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh. Trong thời gian công tác tại Tỉnh hội, bác cùng với Ban Chấp hành Tỉnh hội tham mưu, phối hợp giải quyết chế độ, chính sách cho hơn 3.000 hội viên cựu TNXP. Nay tuổi cao, nhưng bác Tước vẫn luôn dành thời gian đọc sách báo để nắm bắt thêm về sự đổi mới của quê hương, đất nước. Các kỳ họp ban chấp hành của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh, các kỳ họp Quốc hội, HĐND... bác đều chăm chú theo dõi diễn biến, kết quả và có những đóng góp ý kiến thiết thực cho tỉnh, cho Câu lạc bộ Hàm Rồng.

Bác Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, chia sẻ: Kết nạp Đảng năm 1983, khi ấy tôi 29 tuổi và đang là giáo viên, bí thư chi đoàn Trường cấp 3 Hà Trung. Những năm 90, tôi được bổ nhiệm làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng. Thời điểm ấy nhà trường bộn bề khó khăn về cơ sở vật chất, học sinh bỏ học nhiều, nhân sự giáo viên bị xáo trộn do đời sống rất khó khăn... Trước tình hình đó, cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường phải luôn xác định rõ tư tưởng, bản lĩnh trước thời cuộc. Cá nhân tôi, sức ép công việc càng nặng nề hơn.

Với bản lĩnh của người đảng viên được rèn dũa qua công việc, cuộc sống và phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng, bác Tùng đã khéo léo chèo lái con thuyền giáo dục của nhà trường từ đơn vị khó khăn được quan tâm cải tạo, xây mới 15 phòng học; chất lượng giáo dục đi lên, trường có 2 học sinh đạt giải quốc gia và còn đi đầu toàn tỉnh về xây dựng mô hình trồng cây giống phủ xanh đất trống đồi trọc, thả cá, cung ứng cây keo lá chàm đổi lấy lương thực cho giáo viên (hình thức lao động hướng nghiệp dạy nghề những năm 90). Nhiều hoạt động ngoại khóa còn khá mới mẻ thời điểm đó cũng được nhà trường khởi xướng đi đầu đã kết nối được tình thầy trò, bạn bè, đặc biệt là sắp xếp công tác nhân sự giáo viên phù hợp, tạo sự đoàn kết, đồng thuận. Với những cống hiến cho ngành giáo dục, bác Tùng được tổ chức phân công làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện. Ở mỗi cương vị, bác Tùng cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ huyện thực hiện nhiều việc, nổi bật là quy hoạch và thực hiện quy hoạch giao thông, thủy lợi, tạo nền móng phát triển hạ tầng, hình thành vùng kinh tế Đông-Phong-Ngọc của huyện Hà Trung.

Cống hiến cho Đảng

Còn nhiều lắm những ký ức về Đảng soi đường dẫn lối đi đến thành công của nhiều cán bộ, đảng viên kiên định, mực thước. Câu chuyện về bác Tước, bác Tùng khiến tôi nhớ đến cảm xúc của bác Lê Tân, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa trong ngày bác được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng trước sự chung vui, chúc mừng của Đảng bộ phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) và người thân, bạn bè, đồng nghiệp: “Tôi sẽ cống hiến cho Đảng đến hơi thở cuối cùng!”.

Mãi trọn niềm tin theo ĐảngLãnh đạo Báo Thanh Hóa, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) và người thân chúc mừng đồng chí Lê Tân, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa nhân dịp được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Những thế hệ đảng viên tiền bối năm xưa đã tiếp lửa, truyền nhiệt huyết, lý tưởng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ở thời nào, giai đoạn nào cũng có những đảng viên tiền phong, gương mẫu, cống hiến hết mình cho Tổ quốc và dành cho Đảng một tình yêu cao quý. Với niềm tin yêu dành cho Đảng, trong suốt quá trình học và công tác, anh Hoàng Hữu Chinh, Bí thư Đoàn xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) đã luôn nắm chắc lịch sử Đảng. Vì thế anh là người Thanh Hóa đầu tiên vinh dự đạt giải nhất cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” tuần thứ 11 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức phát động cuộc thi trắc nghiệm trên mạng xã hội VCNET.

Nghĩ về Đảng, tôi lại nhớ tới câu chuyện những đảng viên sẵn sàng hy sinh bản thân vì nhiệm vụ. Đó là các đảng viên: Thiếu úy Vi Văn Nhất, Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân); Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Mường Lát); Thượng tá Cao Đăng Cường - Chính trị viên, Bí thư đảng ủy và Đại úy Nguyễn Thành Chủng, Đội trưởng Đội tổng hợp, Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh)...; và những đảng viên luôn tích cực đi đầu trong sản xuất, nói đi đôi với làm, như: Lê Văn Duẫn, thôn Ang, xã Giao An (Lang Chánh); Lê Công Nam, xã Vạn Thắng (Nông Cống); Ngô Văn Quyền, thôn Xuân Đài, thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc), Đỗ Quốc Kỳ, thôn Xuân Lương, xã Bình Lương (Như Xuân)...

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

90 năm xây dựng Đảng, số lượng đảng viên của Đảng bộ tỉnh ngày một tăng và hiện đạt 223.000 đảng viên. Số lượng đảng viên tăng, đồng nghĩa với sức mạnh của Đảng được củng cố, tăng cường. Tuy nhiên, để xây dựng Đảng thực sự phát triển trong sạch, vững mạnh cũng là vấn đề đang được quan tâm. Qua trao đổi với nhiều đảng viên về cần làm gì để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, câu trả lời chung, duy nhất là: Đảng phải đấu tranh phê và tự phê để nâng cao đạo đức cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiệm vụ quan trọng này đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng mà gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã kiên quyết sàng lọc, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo có sai phạm đã cho thấy tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh “đúng người, đúng việc”, “không khoan nhượng”, “không dung túng”, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, vùng trống”.

Gửi trọn niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng với hy vọng mới, dự cảm tốt lành mỗi mùa xuân đến, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thanh Hóa càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, gắn bó với nhân dân. Niềm tin ấy đang biến thành hành động cụ thể ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 08-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Lê Hà


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]