(Baothanhhoa.vn) - Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của đồng chí Nguyễn Đức Vân – Bí thư Đảng ủy xã Dân Quyền (Triệu Sơn), chúng tôi tìm đến ngôi nhà xanh rợp bóng cây của gia đình ông Lê Reo để có thể cảm nhận sâu sắc, chân thực hơn tình cảm của một người con xứ Thanh dành cho Bác. Chẳng cao siêu vời vợi hay màu mè tô vẽ, tình yêu thương, biết ơn vô hạn được thể hiện qua việc ông Reo dụng công sưu tầm, trân trọng gìn giữ tư liệu, hình ảnh về Bác trong suốt nhiều năm qua.

“Kho tư liệu quý” về Bác Hồ của cựu chiến binh Lê Reo

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của đồng chí Nguyễn Đức Vân – Bí thư Đảng ủy xã Dân Quyền (Triệu Sơn), chúng tôi tìm đến ngôi nhà xanh rợp bóng cây của gia đình ông Lê Reo để có thể cảm nhận sâu sắc, chân thực hơn tình cảm của một người con xứ Thanh dành cho Bác. Chẳng cao siêu vời vợi hay màu mè tô vẽ, tình yêu thương, biết ơn vô hạn được thể hiện qua việc ông Reo dụng công sưu tầm, trân trọng gìn giữ tư liệu, hình ảnh về Bác trong suốt nhiều năm qua.

“Kho tư liệu quý” về Bác Hồ của cựu chiến binh Lê Reo

“Tài sản vô giá” của người Đảng viên

Tiếp chúng tôi, cựu chiến binh Lê Reo (thôn 6, xã Dân Quyền, Triệu Sơn) hào hứng nói: “Hơn 10 năm trở lại đây, ngôi nhà của vợ chồng tôi đã trở thành địa chỉ thân thuộc với những người yêu thích đọc báo nói chung, đọc báo Đảng nói riêng”. Nói rồi ông đưa tay về phía trước, nơi cái giá sách chiếm diện tích khá lớn trong phòng đang ngồn ngộn sách, báo “ken” vào nhau chật cứng. Ngay bên cạnh giá sách, trên chiếc bàn làm việc trông ra khoảng vườn trước sân cũng thấy cơ man là sách, báo, tài liệu.

Ông tiến lại gần giá sách, khệ nệ ôm ra chồng sách, báo, tư liệu, nói như khoe với chúng tôi: “Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã sưu tập được hàng trăm đầu sách, tư liệu lịch sử và khoảng 1,5 vạn số báo thuộc nhiều đầu báo khác nhau từ những năm 90 trở lại đây, nhiều nhất là báo Nhân dân, báo Thanh Hóa, báo Quân đội nhân dân…”.

“Kho tư liệu quý” về Bác Hồ của cựu chiến binh Lê Reo

Trong “kho tư liệu” ấy, ông Reo đặc biệt lưu giữ tư liệu, hình ảnh xoay quanh mối quan hệ Việt Nam – Lào, đặc biệt là bộ sách song ngữ về quan hệ Việt Nam – Lào; bộ sưu tập gồm 15 cuốn album về các sự kiện, lịch sử, nét đẹp quê hương, đất nước, con người và các bài dự thi tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, chính trị của tỉnh và đất nước mà ông Reo tham dự và đoạt giải… Đó là những thứ mà ông xem như tài sản vô giá của đời mình.

Câu chuyện phía sau những bức ảnh mang dáng hình của Bác

Giữa ngồn ngộn tư liệu, sự kiện, mốc thời gian như vậy; điểm chung nhất trong “kho tư liệu” của ông Reo là sự tỏa sáng rạng ngời chân dung tinh thần, cốt cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất. Ông Reo cho biết: “Do hoàn cảnh công việc, điều kiện sức khỏe không cho phép tôi rong ruổi khắp nơi, khắp chốn nhưng có những bức ảnh, tư liệu về Bác Hồ, tôi không quản khó khăn, vất vả, đường xá xa xôi để lặn lội lên tận Hòa Bình, Cao Bằng sưu tầm, chụp ảnh”.

“Kho tư liệu quý” về Bác Hồ của cựu chiến binh Lê Reo

Ví như bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời dạy của Người trên núi cao” (chú thích ảnh do nhân vật tự đặt – PV), theo dấu chân Người trong những tháng năm lịch sử, ông Reo tìm đến Nhà máy thủy điện Hòa Bình để có thể chụp được bức ảnh mình ưng ý nhất. Lật giở từng cuốn album, thoảng hoặc, ông Reo lại lấy ra một vài tấm ảnh, vanh vách kể lại cho các vị khách của mình nghe từng câu chuyện lịch sử, chi tiết thú vị phía sau bức hình đó. Câu chuyện về bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Quốc vương Lào múa Lăm vông với các diễn viên Lào trong buổi lễ mừng Quốc vương sang thăm hữu nghị Việt Nam (12-3-1963) được ông Reo nhiệt tình “thuyết minh”: Bức ảnh này ghi dấu sự kiện Bác Hồ đón tiếp Quốc vương Lào sang thăm Việt Nam lần đầu, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962). Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bác Hồ cùng với Quốc vương Lào đã đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) dâng hương cầu phúc cho hai dân tộc. Khi tiễn Quốc vương Lào về nước, nhằm khẳng định mối quan hệ láng giềng sâu sắc, bền chặt, Bác Hồ tặng Quốc vương Lào bốn câu thơ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt – Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Và cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, đoàn văn công của Lào tổ chức múa Lăm vông, Bác Hồ và Quốc vương Lào cũng lên múa cùng.

“Kho tư liệu quý” về Bác Hồ của cựu chiến binh Lê Reo

Có những bức ảnh mà giờ đây ngồi nhìn lại, ông Reo vẫn cảm thấy việc có thể sưu tầm, lưu giữ được nó là một may mắn, một cái duyên bất ngờ. Ông Reo kể: “Tình cờ trong một lần mang bản thảo đi đánh máy. Tôi thoáng nhìn tấm ảnh cũ kĩ được treo trên tường nhà và nhận ra ngay gương mặt Bác Hồ nên xin phép chủ nhà được lại gần hơn để nhìn cho kĩ. Và tôi giật mình khi nhận ra những người còn lại trong tấm ảnh, không ai khác chính là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quốc vương Lào. Ba người chụp ảnh lưu niệm tại chùa Quán Sứ. Xâu chuỗi sự kiện, tôi nhớ lại chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Lào sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi vừa khấp khởi vui mừng vì không nghĩ được rằng lại tìm được tư liệu quý giá thế này một cách tình cờ thế. Nhưng cũng thoáng chút buồn và trăn trở khi bức ảnh không được bảo quản một cách xứng tầm với giá trị lịch sử của nó. Nghĩ là làm, ông Reo trao đổi với chủ nhà về bức ảnh; sau đó ngỏ ý giúp chủ nhà phục dựng lại. Sau khi phục dựng lại, ông Reo mang tấm ảnh gốc đem đi lồng kính, trao lại cho chủ nhà và xin được sao lưu một tấm ảnh làm tư liệu.

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi!”

Biến tư liệu tích lũy được thành kiến thức và biến những kiến thức, hiểu biết ấy thành bài học sâu sắc; ông Reo luôn là một trong những nhân tố tích cực, xuất sắc trong cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm làm công tác Trợ lí Chính trị của Trung đoàn Công binh 217; sau đó trải qua nhiều công việc khác nhau cho đến khi nghỉ hưu, ông Reo vẫn luôn sống và cống hiến hết mình, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Từ ngày nghỉ hưu, về sinh hoạt Đảng tại địa phương, ông Reo vẫn hăng say hoạt động, nỗ lực đóng góp công sức cho sự phát triển của quê hương. Bằng tất cả “vốn liếng” suốt bao nhiêu năm kì công sưu tầm, lưu trữ, giữ gìn; trước nhu cầu được tiếp cận nhiều hơn với thông tin trên báo chí và được sự đồng ý, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Reo thành lập Câu lạc bộ đọc báo Đảng, báo Quân đội nhân dân xã Dân Quyền, mượn nhà văn hóa thôn 6 làm nơi trưng bày sách và làm phòng đọc cho đông đáo người dân. Tuy nhiên, do không có người trông nom, gìn giữ nên thư viện chỉ tồn tại gần 2 năm, sau đó ông phải chuyển hết sách, báo về nhà cất giữ. Từ đó, cho đến nay, căn phòng khách của gia đình ông Reo trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của các thành viên Câu lạc bộ.

“Kho tư liệu quý” về Bác Hồ của cựu chiến binh Lê Reo

Không dừng lại ở đó, với nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những kiến thức tiếp thu được từ “kho tư liệu quý” của gia đình, ông Reo tham dự nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, tỉnh Thanh Hóa, mối quan hệ Việt Nam – Lào và vinh dự giành được nhiều giải thưởng cao, tiêu biểu như: 2 lần giành giải Nhất toàn quốc cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” (1 giải nhất năm 2012, 1 giải nhất năm 2017); giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu 60 năm Chiến thắng Điện Biên phủ”; giải đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi” năm 2018… Trong đó, ông Reo không thể nào quên niềm vinh dự, tự hào khi giành giải Nhất cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thanh Hóa-Thanh Hóa làm theo lời Bác Hồ dạy” nhân kỷ niệm 65 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2012). Bài dự thi của ông khi đó được xây dựng công phu với hơn 200 ảnh tư liệu về Bác Hồ cùng nội dung trả lời sâu sắc, liên hệ sát thực tiễn, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của cựu chiến binh trong giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tích cực tham gia giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Dẫu đã ngót 80 năm tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng, ông Reo cảm thấy mình vẫn còn say mê cống hiến. Ông cho biết: “Ngoài việc cố gắng tham gia nhiều hơn các cuộc thi do Trung ương, tỉnh tổ chức, tôi đang lên ý tưởng khai thác từ kho báo lưu với khoảng 1,5 vạn số để chọn lọc ra khoảng 1 nghìn bức ảnh về Bác gắn với các sự kiện chính trị của đất nước, sắp xếp theo mốc thời gian nhằm xây dựng thành tuyển tập ảnh”. “Kho tư liệu quý” của gia đình ngày một dày hơn; bộ sưu tập giải thưởng của ông ngày càng nối dài. Và tình yêu mến, quý trọng ông dành cho Bác Hồ vẫn mãi là dòng suối mát lành khơi nguồn động lực để ông phấn đấu. Ông chân thành chia sẻ: “Không ai bắt buộc hay chỉ đạo mình phải lưu giữ lại tư liệu, hình ảnh về Bác. Nhưng với tôi, đó là cách làm thiết thực nhất để tỏ lòng biết ơn đến Bác. Thông qua đó, tôi mong muốn giáo dục sâu rộng mà gần gũi đến đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là các thế hệ cháu con hôm nay hiểu biết hơn về tư tưởng, quan điểm, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Hương Thảo - Ngọc Anh


Hương Thảo - Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]