(Baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi độ tháng 6 về, dường như lòng người làm báo lại rạo rực, phấn chấn hơn. Bởi, tháng 6 có một ngày đặc biệt với báo giới cả nước – Ngày 21. Năm nay, ngày 21-6 càng đặc biệt hơn – Kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Những ngày này, chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác –lãnh tụ thiên tài của dân tộc, một nhà báo lỗi lạc, người đặt nền móng, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồ Chí Minh – Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Cứ mỗi độ tháng 6 về, dường như lòng người làm báo lại rạo rực, phấn chấn hơn. Bởi, tháng 6 có một ngày đặc biệt với báo giới cả nước – Ngày 21. Năm nay, ngày 21-6 càng đặc biệt hơn – Kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Những ngày này, chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác –lãnh tụ thiên tài của dân tộc, một nhà báo lỗi lạc, người đặt nền móng, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh – Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt NamChủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo – năm1960. Ảnh: Tư Liệu

Chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động báo chí. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn coi trọng sử dụng báo chí như một vũ khí đấu tranh sắc bén, là một phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Người từng viết hàng nghìn bài báo. Các bài báo Bác viết thuộc nhiều thể loại, đăng trên báo trong nước và quốc tế, nhiều bài đã đi vào lịch sử. Bài báo đầu tiên Bác viết là bài “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp ngày 2-8-1919 nhằm vạch trần âm mưu xuyên tạc sự thật của báo chí thực dân, dã tâm đen tối của bè lũ thực dân Pháp đang cai trị quê hương xứ sở và nhiều nước khác trên thế giới và bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Người đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng, sai, không “tô hồng”, không “bôi đen”. Tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài viết của Người đối với người đọc. Chân thực là yêu cầu đầu tiên được Hồ Chí Minh đặt ra không chỉ với các nhà báo mà với tất cả cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở cán bộ: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”...

Cách viết báo của Bác vô cùng giản dị, với câu từ ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Bác căn dặn: Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”. Và, cần phải tránh lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng, “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962), Bác đã thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà lúc bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng...”. Nhưng Người luôn khẳng định vai trò quan trọng, giá trị to lớn của báo chí: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...”. “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp... Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng”.

Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ

Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Bác luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng phải có lập trường chính trị vững vàng. Có lập trường chính trị vững vàng sẽ giúp người làm báo phân tích đúng - sai, đánh giá tốt - xấu trong các vấn đề, đấu tranh với các luận điệu thù địch, đưa ra định hướng, hướng dẫn dư luận đối với quần chúng Nhân dân. Quan điểm của Người về cách viết, thể hiện rõ nét tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Người nhắc nhở cán bộ báo chí phải luôn nhớ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác cho rằng, người làm báo phải có đạo đức trong sáng. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, vì báo chí là để “phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động tác nghiệp của mình: Đề cao cái tốt, cái tích cực; phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Nhà báo phải sâu sát thực tiễn, gần gũi với quần chúng, vì “cứ ngồi trong phòng giấy không thể viết thiết thực”. Bác đặc biệt lưu ý, người làm báo phải có cái tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ. Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Nếu người làm báo thiếu, hoặc ý thức trách nhiệm xã hội không cao thì khó có thể viết được những tác phẩm tốt có giá trị đi vào đời sống xã hội. Bác dạy: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. Tinh thần báo chí, thái độ với báo chí, cách làm báo của Bác luôn như một lời nhắc nhở ân cần, yêu thương đối với những người làm báo cách mạng chân chính.

Không ngừng học tập, noi gương Bác

Đánh giá về vai trò của Bác với sự nghiệp báo chí và văn hóa - văn nghệ dân tộc, Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam, một cây bút chính luận xuất sắc từng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng ta, khắc sâu trong tâm trí những người làm báo chúng ta”.

Hiện nay cả nước có hơn 25 nghìn hội viên nhà báo đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến. Đa số hội viên nhà báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến. Còn nhớ, mùa mưa bão năm 2018, 2019, nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Có những nơi lũ dữ đi qua cuốn phăng cả một bản nhỏ, tang tóc đau thương trùm lên xóm làng... Khi ấy, báo chí là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất. Nhiều phóng viên không quản ngại hiểm nguy băng qua đèo cao trơn trượt, sông sâu nước chảy xiết để đến với đồng bào, ghi lại những hình ảnh chân thật nhất, sống động nhất, phản ánh kịp thời trên các phương tiện truyền thông làm xúc động lòng người, từ đó khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc, góp phần giúp nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống. Hay, những ngày qua, khi cả nước tập trung chống đại dịch COVID-19, báo chí là một trong những lực lượng trên tuyến đầu, nhiều phóng viên tác nghiệp trực tiếp ở các vùng tâm dịch, ghi lại được những hình ảnh, câu chuyện, những tấm gương rất xúc động. Ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên, họ tích cực xông pha trong từng “điểm nóng”, từ bệnh viện, khu vực cách ly, sân bay, bến cảng đến các vùng biên giới... để cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân chung tay chống dịch. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn nhữngngười làm báo vi phạm đạo đức, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, viết những bài báo sai sự thật, không khách quan, làm ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể, xã hội... làm giảm uy tín, danh dự của người làm báo.

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu toàn quốc diễn ra ngày 13-6 tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đặc biệt biểu dương nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Thường trực Ban Bí thư đề nghị các nhà báo “hãy học tập và noi gương Bác - một nhà báo lớn về phong cách và đạo đức làm báo”; thực hiện nghiêm 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện bản lĩnh chính trị...

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với thế và lực mới, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Soi chiếu vào những điều Bác dạy năm xưa, mỗi người làm báo hôm nay hãy luôn giữ cho mình “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, không ngừng tự học và tự rèn luyện. Tự học, tự rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Trần Thủy


Trần Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]