(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Lời dạy của Người có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV) dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm và thực tiễn đã cho thấy ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, cán bộ, đảng viên đã thực hiện có hiệu quả lời dạy của Người, thực sự nêu gương sáng cho quần chúng noi theo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng viên phải đi trước

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Lời dạy của Người có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV) dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm và thực tiễn đã cho thấy ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, cán bộ, đảng viên đã thực hiện có hiệu quả lời dạy của Người, thực sự nêu gương sáng cho quần chúng noi theo.

Đảng viên phải đi trước

Chị Đỗ Thị Chinh, Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp khảo nghiệm giống cây trồng.

Tôi luôn tâm niệm rằng bản thân mình là một đảng viên phải luôn xác định, ngoài việc gương mẫu trong từng lời nói, phải gương mẫu trong việc làm, để góp phần vào sự phát triển của quê hương mình” - đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) khi nói về việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của CBĐV. Khi Nhà nước có chủ trương vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với suy nghĩ “đảng viên đi trước”, ông đã vận động gia đình hiến 120m2 đất để làm đường trục chính của xã, bởi theo ông “Không có sự vận động nào tích cực hơn là hành động, việc làm thực tế của mình”. Việc làm của ông đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng dân cư. Khi thấy chủ tịch UBND xã phá tường, hiến đất, từ chỗ còn băn khoăn, các hộ dân thôn Nghĩa Lập đã đồng thuận, tự nguyện tháo dỡ công trình cho xã làm đường. Kết quả, có hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Hoằng Lưu đã hiến đất, đóng góp công sức, tiền của... xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đến nay, 100% các tuyến đường trong thôn, xóm được mở rộng, bê tông hóa; đặc biệt, tuyến đường trục chính của xã, nhân dân đã hiến 2.500m2 đất và phá bỏ công trình trên đất, mở rộng tuyến đường từ 6 m lên 13 m, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng NTM, ông Toàn với vai trò đứng đầu UBND xã đã tham mưu cho ban chấp hành đảng bộ xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân, phát huy tinh thần, vai trò gương mẫu đi đầu trong thực hiện, vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, ngày công để xây dựng NTM. Nhờ vậy, đã tạo được sự đồng thuận trong toàn thể CBĐV và nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, đưa xã Hoằng Lưu về đích NTM trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Bao năm qua, người dân thôn Vân Trung, xã Cát Vân (Như Xuân) ai cũng quen với hình ảnh người phụ nữ gần 60 tuổi cần mẫn, nhiệt huyết “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo. Đó chính là bà Phạm Thị Lan, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Vân Trung. Dẫu đi lại khó khăn, vất vả vì bị tật ở chân, người nữ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn này vẫn lặng lẽ “vác tù và”, bám cơ sở bất kể ngày đêm, mưa gió, cần mẫn với nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2017 về trước, Vân Trung là thôn đặc biệt khó khăn, 90% dân tộc Thổ sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nên một số hộ gia đình đã tách hộ, bố mẹ (ông, bà) tuổi cao ra ở riêng nên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chế độ hộ nghèo, gồm: Bảo hiểm y tế, giảm tiền điện sinh hoạt, cấp gạo, muối... Nhận thấy tư tưởng này cần xóa bỏ, bà Lan đã đến động viên vận động các hộ nhập lại. Bà xác định: Một ngày vận động không được, một tuần không được thì một tháng sẽ được, bà kiên trì thuyết phục, sau một thời gian đã vận động được 5 hộ gia đình bố mẹ (ông, bà) nhập vào gia đình các con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 5 hộ. Chưa hết, thôn Vân Trung có 1 nhóm hộ gồm 5 gia đình anh em dân tộc Thái ở cách biệt vì không có đường qua nhà, bà Lan đã nhiều lần khảo sát, động viên và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hỗ trợ 1 xe đá hộc, 2 tấn xi măng và vận động ngày công hỗ trợ các gia đình làm đường; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình ông Lê Hữu Đinh vay 100 triệu đồng của ngân hàng chính sách xã hội và thường xuyên giám sát, cầm tay chỉ việc cho hộ ông Đinh tăng gia sản xuất, khoan giếng, cải tạo vườn, nâng cấp nhà ở. Bao gian nan, vất vả của bà Lan cũng đến ngày có thành quả, cuối năm 2018, cả 5 hộ gia đình đều có đường đi lại thuận lợi, đời sống được cải thiện. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của thôn Vân Trung là 41,18% thì đến nay giảm còn 6,02%; thu nhập bình quân đầu người (năm 2015) 14 triệu đồng đến nay nâng lên 36,5 triệu đồng/người/năm. Với những kết quả đó, năm 2018, thôn Vân Trung đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Chia sẻ về công việc của mình, bà Lan cho biết, muốn nhân dân tin và theo trước hết mỗi đảng viên phải gắn bó, lắng nghe, sâu sát, gần gũi nhân dân. Mọi công việc từ lớn đến nhỏ mình phải bắt tay cùng làm, làm trước để làm gương cho mọi người.

Phát huy trách nhiệm nêu gương không chỉ có những “đầu tàu” tại các địa phương, đơn vị, khu dân cư mà đảng viên trong các cơ quan, đơn vị cũng đang tích cực đóng góp công sức của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với vị trí tổ trưởng tổ khoa học, chị Đỗ Thị Chinh, Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là một đảng viên luôn đi đầu trong việc tìm tòi sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, tích cực chủ trì và tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, các dự án khoa học nhằm đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất cho nông dân trong tỉnh, trong đó có nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm về chọn tạo giống lúa được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả tại trung tâm. Cụ thể, chị đã nghiên cứu, chọn tạo một số giống lúa lai, lúa thuần mới phục vụ sản xuất, gồm: Giống lúa lai 2 dòng Thanh Ưu 3 (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức năm 2011), giống lúa thuần chất lượng Thuần Việt 7 (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử năm 2015). Đã chọn tạo được một số dòng mẹ lúa lai 2 dòng mới (S tím, S trắng, THS1, THS2...) là vật liệu quan trọng để phục vụ công tác nghiên cứu chọn tạo lúa lai... Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, chị Chinh đã 3 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; Giải thưởng Lương Đình Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người CBĐV phải thực sự gương mẫu và sự gương mẫu đó phải được thể hiện cụ thể trong giải quyết các mối quan hệ xã hội, quan hệ hàng xóm, láng giềng, quan hệ đồng chí, đồng đội; trong lao động sản xuất, công tác hay chiến đấu, dù khó khăn, gian khổ mấy cũng vượt qua... Thực tiễn cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất hiện nhiều tấm gương CBĐV đầu tàu gương mẫu trong lao động, sản xuất; say mê học tập, nghiên cứu và nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực; gương mẫu trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường và thực sự trở thành những tấm gương mẫu mực cho quần chúng, nhất là thế hệ trẻ noi theo. Họ thực sự phát huy vai trò là hạt nhân, là những đảng viên gương mẫu, tiên phong nòng cốt, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong các địa phương, cơ quan, đơn vị. Dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, họ là những người dám ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, chia ngọt sẻ bùi với quần chúng nhân dân, xứng đáng với lời nhắc nhở của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Vào Đảng để cống hiến

Đảng viên phải đi trước

Khi đang là sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), tôi tham gia nhiều phong trào, hoạt động vì cộng đồng. Những trải nghiệm đó đã giúp tôi dạn dĩ hơn. Năm 2012, tốt nghiệp đại học, tôi công tác tại UBND xã Tam Chung (Mường Lát) và tiếp tục phát huy vai trò xung kích đi đầu trong hoạt động của chi đoàn cơ quan UBND xã. Sau 4 năm, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được bầu làm chủ tịch hội LHPN xã. Với vai trò, nhiệm vụ mới, tôi có nhiều áp lực vì địa bàn rộng, bản xa nhất hơn 20km, trình độ dân trí thấp, toàn xã có hơn 200 hội viên là dân tộc Mông sinh sống tại 4/8 bản... đây là những khó khăn cơ bản nhất. Xác định đời sống hội viên, phụ nữ còn nhiều khó khăn, nhất là hội viên dân tộc Mông, trong quá trình tham gia sinh hoạt Đảng tại bản Pom Khuông (bản Mông), tôi đã tham mưu cho cấp ủy chi bộ và đảng ủy xã giám sát thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi chính đáng của hội viên, phụ nữ mà nhiều chị em ở cơ sở không biết, vì họ chưa có điều kiện được tiếp cận.

Bên cạnh đó, do trình độ dân trí còn hạn chế nên một số chị em chưa nhận thức rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chưa hiểu được vai trò lãnh đạo của Đảng trong đời sống xã hội nên cho rằng vào Đảng để được quyền lợi nhiều hơn. Tôi cùng với cán bộ hội, chi hội trưởng, hội viên nòng cốt đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua trưởng bản, qua các cuộc sinh hoạt chi hội... để chị em hiểu vào Đảng là để cống hiến trí tuệ, công sức, phát huy vai trò của bản thân làm cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân, có lợi cho dân. Muốn làm được phải có những đảng viên nữ là lực lượng quan trọng trực tiếp tuyên truyền, vận động, truyền tải thông tin cho hộ dân và hội viên của mình, do vậy nhiều năm qua, tổ chức hội đã quan tâm, giới thiệu nguồn cho Đảng và đã kết nạp được 17 đảng viên nữ, trong đó có 4 đảng viên dân tộc Mông.

Với nhiều phương pháp, cách làm khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, nhiều chị em hội viên, phụ nữ dân tộc Mông đã hiểu biết hơn. Đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất, không trông chờ ỷ lại vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Nổi bật là năm 2018, được sự quan tâm của hội phụ nữ cấp trên và các đơn vị, Hội LHPN xã Tam Chung đã xây dựng có hiệu quả 2 mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ. Hiện 2 mô hình này đang phát triển tốt, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, hội viên tin tưởng, phấn khởi nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao đời sống.

Lò Thị Ly Sa

Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Chung (Mường Lát)

Không ngừng phấn đấu vì sự phát triển của quê hương

Đảng viên phải đi trước

Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là động lực to lớn để tôi không ngừng phấn đấu, mang ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Từ khi còn là sinh viên Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức, tôi đã luôn nỗ lực trong học tập, tham gia nhiều cuộc thi và đem về nhiều thành tích nổi bật cho nhà trường. Tốt nghiệp cử nhân lớp tài năng với tấm bằng loại giỏi, tôi được Trường ĐH Hồng Đức giữ lại làm giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ, sau đó gửi đi đào tạo sau ĐH chuyên ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Tốt nghiệp thạc sĩ, tôi về công tác tại Trường ĐH Hồng Đức với nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong thời gian công tác, tôi liên tục đem về nhiều giải thưởng cao cho nhà trường. Nổi bật như giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (THANHFOTEC), giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (VIFOTEC). Đặc biệt, phần mềm nhận dạng bài thi trắc nghiệm do tôi phát triển đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2007. Cùng với đó, tôi đã phát triển và cung cấp nhiều phần mềm phục vụ công tác khảo thí bảo đảm chất lượng cho Trường ĐH Hồng Đức.

Trong 3 năm đi học nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học máy tính tại Pháp và tốt nghiệp tiến sĩ, ngoài học tập, tôi đã dành tâm huyết, trí tuệ tham gia các cuộc thi và đạt nhiều giải thưởng lập trình quốc tế. Nổi bật là giải nhất cuộc thi thiết kế ý tưởng sáng tạo của NASA; giải nhì (rank 2/139) cuộc thi lập trình Marathon Match của TopCoder (Mỹ)... Trở về nước, sau nhiều năm công tác tại Trường ĐH Hồng Đức, ngoài tham gia giảng dạy, tôi còn hướng dẫn nhiều lượt sinh viên, học viên làm khóa luận tốt nghiệp, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn sinh viên NCKH đạt nhiều giải thưởng. Trong NCKH, tôi có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nhiều báo cáo khoa học tham dự hội nghị quốc gia, quốc tế; chủ trì thực hiện thành công 3 đề tài, dự án cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp Nhà nước; đạt nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế về NCKH. Năm 2019, với nhiều thành tích trong hoạt động NCKH và giảng dạy, tôi được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành CNTT, sau đó được Trường ĐH Hồng Đức bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư.

Là đảng viên trẻ, tôi sẽ không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phần mềm hữu ích, có khả năng ứng dụng rộng rãi để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Trường ĐH Hồng Đức nói riêng, ngành CNTT Thanh Hóa nói chung, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phạm Thế Anh

PGS.TS, Trưởng khoa CNTT và Truyền thông,

Trường Đại học Hồng Đức

Niềm tự hào làm nên chiến thắng

Đảng viên phải đi trước

Năm 1971, tôi là một trong số rất ít Tiểu đội trưởng của Trung đoàn 46 được chọn kết nạp Đảng lớp Hồ Chí Minh đầu tiên của Quân khu 3. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào, càng đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn khi tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng đúng ngày sinh nhật Bác.

Trở thành đảng viên là động lực tinh thần to lớn để tôi nỗ lực, phấn đấu, giành nhiều thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tôi là Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội 5, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi cát cây ba chạc Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Cuộc chiến không cân sức diễn ra vô cùng cam go và ác liệt, nhưng với quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn tiến công”, cán bộ, đảng viên chúng tôi tiên phong xung trận trước để anh em chiến sĩ sát cánh cùng chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ. Nhiều cán bộ, đảng viên trên mình mang đầy thương tích nhưng vẫn quyết không rời trận địa, có đảng viên lại sẵn sàng hy sinh thân mình để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đảng viên Lê Văn Lụa, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 đã hy sinh khi chỉ huy trung đội chống trả lại những đợt phản công của quân địch là một tấm gương điển hình. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Trung đoàn 48 và các lực lượng của quân đội ta đã kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa pháo, đánh cho giặc Mỹ thất bại thảm hại.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, lúc đó tôi là chính trị viên trưởng, Bí thư chi bộ Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48. Tôi rất vinh dự, tự hào được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tham gia cắm cờ giải phóng lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu. Đó là động lực to lớn để 5 anh em được giao nhiệm vụ cắm cờ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù biết là có thể sẽ hy sinh. Ngồi trên xe tăng, tôi cùng đồng đội dùng các loại vũ khí chống trả lại sự bắn phá ác liệt của quân địch và tiêu diệt được nhiều kẻ thù. Đến 9 giờ 30 phút, Đại đội 5 đã tiến tràn vào khu vực Bộ Tổng tham mưu, đánh chiếm và chốt giữ các khu vực tại đây. Tổ cắm cờ chúng tôi đã vượt qua những làn đạn của quân địch, tiến lên cắm được lá cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu vào lúc 9 giờ 10 phút, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từng xông pha trận mạc, từng vào sinh ra tử, may mắn được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất và cho đến tận hôm nay, những người lính như tôi luôn vững một niềm tin “sự lãnh đạo của Đảng đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Trần Đình Ất

(Phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn)

Thực hiện mục tiêu, lý tưởng của người đảng viên mẫu mực

Đảng viên phải đi trước

Ai cũng có những mục tiêu để phấn đấu, có một dấu ấn ghi nhớ trong cuộc đời. Với tôi - là người con của dân tộc Mông, tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn luôn là động lực to lớn để tôi cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ.

Năm 2003, tôi nhập ngũ vào bộ đội biên phòng (BĐBP). Được cấp trên và đồng đội giúp đỡ, năm 2006 tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mặc dù phải trải qua công tác tại nhiều đơn vị, điều kiện xa gia đình, địa bàn biên giới hết sức phức tạp... nhưng với bản lĩnh chính trị được rèn luyện trong quân ngũ, trong công việc và luôn ý thức vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, tôi luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh. Công tác tại Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Pù Nhi (BĐBP Thanh Hóa), tôi đã chủ động bám và nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng kịp thời tham mưu chỉ huy chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi lên trên địa bàn không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Tôi đã cùng đồng đội tham gia thực hiện có hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ công tác ma túy; tham gia bắt và khởi tố 37 vụ/53 đối tượng án hình sự về ma túy; thu 2,5 kg heroin, 9,3 kg nhựa thuốc phiện; 45 kg quả thuốc phiện và nhiều tang vật khác; phối hợp cùng địa phương tuyên truyền cho quần chúng nhân dân giao nộp 421 khẩu súng tự chế (trong đó có 249 súng cồn, 50 nòng, 122 khẩu súng kíp tự chế)...

Là người con của bản được Đảng soi đường, dẫn lối, tôi thường xuyên bám nắm địa bàn, thông thạo tiếng dân tộc và hiểu rõ những băn khoăn của nhân dân, kịp thời tham mưu cho chỉ huy đơn vị chọn vị trí, thổ nhưỡng của đất phù hợp với những giống cây trồng để xây dựng một số mô hình điểm giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Bước đầu tôi cùng đơn vị thực hiện mô hình điểm có hiệu quả: Trồng nghệ 900m2 tại bản Cơm, 7.500m2 rau xanh tại bản Pù Quăn. Các mô hình được bà con nhân dân, chính quyền địa phương ủng hộ và có kế hoạch nhân rộng trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, năm 2019 tôi đã tham mưu cho ban chỉ huy đơn vị phối hợp với người bảo vệ cột mốc trồng thí điểm mô hình cây táo mèo trong rừng phòng hộ do đơn vị quản lý với diện tích bước đầu khoảng 7 ha. Dẫu con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin với sự dẫn dắt của Đảng mà trực tiếp là chi bộ đội công tác địa bàn, Đảng bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi, tôi sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của người đảng viên mẫu mực.

Thượng úy Hơ Văn Trẻ

(Đồn Biên phòng Pù Nhi - BĐBP tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]